
Nặng 44kg nhưng một ngày gánh 200kg lít mật thốt nốt, đó là công việc thường ngày của Châu Phet K’đây. Đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Vĩnh Tây, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang vẫn xem anh như tấm gương về một nghị lực sống: bị mù hai mắt nhưng cần mẫn lao động, nuôi 5 người trong gia đình.
Tuổi thơ tật nguyền

Châu Phet K’đây chặt thốt nốt để bán
Mười tuổi, cha mẹ mất sớm, anh một mình mưu sinh, hàng ngày cùng bè bạn ra đồng bắt cua, ốc, ra sông câu cá. Những ngày ốm đau, anh chỉ có bà con cô bác láng giềng giúp đỡ.
Chỉ mấy tháng sau khi cha mẹ mất, anh bị một trận ốm đậu mùa làm mù một mắt. Những tưởng có thể nuôi hy vọng sống với bên mắt trái. Không may vào một buổi chiều ngồi xem bạn câu cá bên sông, K’đây bị chiếc móc câu giật vào bên mắt còn lại. Vậy là, anh vĩnh viễn sống trong mù lòa.
Thế nhưng, bất hạnh lại chính là điểm tựa cho anh đứng lên. Anh tự đứng dậy bằng cách tập đi lại và làm việc, dò dẫm từng bước đi, lần tìm từng cục đất, mày mò từng hòn gạch quanh nhà…
Không biết bao nhiêu lần anh bị té xuống ruộng, xuống hố sâu, vấp phải hòn đá to trầy cả chân, có lần úp cả mặt xuống vũng lầy. Nhưng K’đây không khuất phục, vì mỗi lần té như vậy, anh “nhớ” rất lâu từ đó thành thói quen và trực giác cho mình.
Vài tháng sau đó, anh thuộc từng ngóc ngách, ngõ hẻm, từng hộ dân trong ấp. Nói đến nhà nào, bờ ruộng nào, con sông nào… anh đều thuộc như lòng bàn tay. Năm 20 tuổi, K’đây nghĩ không thể sống mãi bằng việc đánh bắt tôm cá ngoài đồng, anh nảy ra một sáng kiến: mảnh đất này là vựa của cây thốt nốt, vậy sao không chăm sóc để kiếm lời trong khi trái thốt nốt ăn rất mát, ngon, mật của nó nấu đường rất ngọt?
Ông “lái buôn” thốt nốt
Cây thốt nốt thân to, cao, lá sắc nhọn. Khó khăn đầu tiên với anh là làm sao để leo được lên ngọn cây hứng mật. Anh tâm sự: “Ban đầu không nhìn thấy, trèo lên rất khó, nhiều lần tôi cố ôm thân cây để leo lên nhưng trượt chân té ngã xước hết mặt mũi chân tay.
Có hôm trèo lên tới ngọn bị lá nhọn chọc vào mặt, vào người đau rát, chảy máu, có lần cầm dao còn cứa nhầm vào tay. Nhưng, nghĩ hơn chục năm trời mình còn đánh bắt cá, làm ruộng được, chẳng lẽ lại đầu hàng… cây thốt nốt quen thuộc với mình?”.
Không trèo được, anh nảy ra sáng kiến: chặt một cây tre khỏe, dai, có nhiều mắt, lấy dây mây hoặc dây thép trói chặt từng mắt lại để làm thang trèo lên. Dao, can nhựa anh cột quanh mình, rồi lên ngọn. Cứ như vậy, sau khi “hút” mật vài chục cây thốt nốt, một ngày anh có thể thu được gần 200kg, về nấu được khoảng 25kg đường, bán với giá 6.000đ/kg. Trừ chi phí, một ngày anh thu được 100.000đ. Ngoài ra hàng tháng anh còn hái trái thốt nốt để bán.
Cây trong vườn nhà cứ cao dần, mật cho cũng ít hơn, anh nghĩ ra cách “thầu” vườn cây thốt nốt của những hộ dân trong vùng, khoán một năm 400.000đ. Anh chỉ việc chăm sóc và chờ đến ngày lấy mật. Cứ như vậy, anh cặm cụi kiếm sống tới năm hơn 30 tuổi mới lập gia đình.
Chị Neng Sanh, vợ K’đây nói: “Quê tôi ở Trà Vinh, trong một lần gặp anh ấy ở nhà bà dì, vì cảm động nghị lực của ảnh mà tôi theo về đây. Bây giờ hai mụn con đã lớn, có thêm hai cháu ngoại nữa mà anh vẫn phải nai lưng làm, một mình ảnh làm ruộng, đi gặt, làm cỏ, đo mực nước, đắp bờ, gánh mật, nấu đường… kiếm tiền nuôi cả nhà. Tôi chỉ phụ công việc trong gia đình. Cực là vậy, nhưng không lúc nào anh ca thán nhỏ to, miệng lúc nào cũng mỉm cười, động viên mẹ con tôi”.
Cô Châu Thị Duyên, hàng xóm nhà anh K’đây cho hay: “Ảnh hiền lành nhưng rất tự trọng. Có người thấy anh mù mà còn trèo cây thốt nốt liền nói mù vậy sao không đi ăn xin mà phải làm chi cho cực, ảnh tự ái đáp: “Tui mù nhưng còn hai tay, hai chân, còn lao động được, sao phải xin tiền của người khác”.”.
Căn nhà của anh chỉ có cái giường và chiếc xe đạp cũ kỹ. Mấy cột gỗ đã mối mọt, trần nhà mạng nhện chăng đầy, vách lợp bằng lá dừa cũng đã nát tươm. Anh nghẹn ngào nói: “Tuy một ngày cũng kiếm được 100.000đ nhưng tằn tiện lắm cũng không đủ.
Giờ thêm hai đứa cháu ngoại đang tuổi bú sữa, cực lắm nên vẫn chưa xây được nhà mới, ở tạm vậy thôi. Mấy bữa trước lũ quét sạch cả nhà cửa, mưa to nước ngập giường chiếu. Tui già cả không sao, tội nghiệp đám nhỏ chịu không nổi. 55 tuổi rồi nhưng đành ráng kiếm tiền một vài năm nữa xem có làm được cái vách cho con ở không”.
Nước rút để lại trên nền nhà vương vãi đầy cát, bám cả vào những trái thốt nốt để dưới gầm. Anh vừa nói chuyện, tay cầm dao chặt rời từng trái thốt nốt, chính xác và nhanh nhẹn.
Anh chỉ vào tấm hình treo trên vách: “Tôi ráng nuôi đứa con gái út đã học hết lớp 12, giờ đang làm công nhân ở Bình Dương. Dù sao cũng đỡ cực hơn ở nhà”. Tôi biết, đằng sau những lời nói ngậm ngùi ấy, anh đã phải nỗ lực rất nhiều.
HOÀNG HOA