Giá như là cơn mưa rào ào ào một chút thì đã tươi cây tốt đất, đằng này lại mưa đá. Đài truyền hình Bỉ dành sóng trực tiếp lướt theo cơn mưa đá chuyển dần từ Pháp qua Bỉ. Trong khi người bản xứ cuống cuồng lôi chăn ra bọc xe hơi, cô bạn Việt Nam của tôi gọi điện nhắc chồng Tây ra sân bê vào nhà mấy chậu rau thơm mà cô kỳ công gây giống từ quê mang sang.
Đầu những năm 70, Paul Theroux ngồi tàu khách Sài Gòn - Biên Hòa kể trong cuốn “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” rằng “Ấn tượng đã in trong suốt thời gian tôi ở đây, là khả năng xoay xở của người Việt”.
Định cư nơi đất khách, khả năng xoay xở của người Việt càng tài tình. Ví như chỉ cần mang sang một nắm hạt giống, thế là đã có những mảnh vườn quê trong chậu sành, hộp xốp đặt trên ban công hứng nắng sân thượng mùa hè, nếu ở chung cư. Nhà riêng có một mảnh sân nho nhỏ thì dưới gốc táo hoặc sát chân tường rào cũng lấp ló vài cụm cây tía tô, ngò gai, diếp cá. Vào đông, dây mướp và su su vẫn được leo giàn trong một góc ga ra xe hơi mặc cho ngoài kia khu vườn đang ngập tuyết. Ở Hà Lan có những khu đất vườn riêng được chia lô cho thuê trồng rau cải, cà chua, rau thơm... Giá mướn lô đất trồng trọt nho nhỏ kiểu này khoảng 100 EUR/năm.
Một góc sân và một mảnh vườn người Việt thuê để trồng đủ loại rau vừa ăn vừa bán tại Hà Lan. Ảnh: Lan Anh
Vài cọng húng quế, mấy lát ngò gai hay mớ dọc mùng ở quê mình rẻ rề, chợ cóc nào cũng có, bày biện mát mắt trên quang gánh người bán hàng rong. Nhưng ở châu Âu, thứ rau đậm đà hương vị ấy quả đắt đỏ với người gốc Việt. Chẳng thế mà tình cờ tìm được một nhà hàng Việt trong lần qua thành phố Ghent chơi, nhìn ông chủ bê ra bát phở nhỏ xíu chỉ kèm rau giá và chanh tươi, tôi trách “Phở của chú ngon quá mà sao không bán tô to, thêm nhiều rau giá ăn cho đã thèm?”. Ông chủ thẳng thắn: “Không ham bán phở cô ơi. Có nấu phở cũng chỉ thích bán cho dân Tây vì họ không đòi thêm rau giá như người Việt mình. Cô tính coi, phải mua 15 EUR/kg rau thơm mà bán phở kèm rau còn lãi lời gì”.
Chuyện trồng rau của người Việt mình ở châu Âu hóa ra làm ăn lớn hẳn hoi. Một người bạn ở Nga kể: “Thời anh nhiều tiền nhất là lúc thuê đất của người Nga chỉ để trồng rau muống, rau cải trong nhà kính. Quy trình sạch hoàn toàn, có năm bất cẩn để lọt châu chấu vào nhà kính, đau đớn nhìn nó sinh sôi nảy nở đạp nát mấy sào rau mà không dám phun thuốc. Đều đều mỗi xe rau cải, rau muống lãi cả ngàn EUR”.
Giống rau thơm của người Việt được dân Âu sành ăn khen vị thơm ngon hơn hẳn rau bản xứ. Người Việt làm ăn chăm chỉ, trồng trọt đúng nghề. Berlin có chợ Đồng Xuân, cái gì ở nhà có, bên này cũng có. Nào là cải ngọt, cải cúc, rau muống, mồng tơi, rau đay, rau ngót, tía tô..., nhưng đưa được vào hệ thống siêu thị lớn của châu Âu không dễ. Một người quen làm ở chợ buôn bán rau quả lớn nhất Munich (Đức) ngao ngán: Rau quả xứ nhiệt đới chủ yếu nhập từ Thái, có sản phẩm Việt vẫn phải đội lốt Thái để dễ dàng vào châu Âu. Còn đường dây trồng rau của người Việt ở Đông Âu cả chục năm nay đưa sang Đức cũng mạnh, nhưng là cái mạnh kiểu lấn át người Việt trồng rau ở Đức thôi. Và chủ yếu bán cho người gốc Việt, gốc Á. Dân Âu chưa hẳn tin dùng. Không chỉ rau, người Việt cũng nhanh nhạy nhập mì gói quê nhà sản xuất vào Đức từ cả chục năm nay và cũng rất thành công.
Có lẽ ngày mai tôi cũng ra vườn vỡ đất trồng rau. Cô bạn ở Hà Lan hứa: “Hôm nào sang Bỉ sẽ mang cho vài gói hạt. Còn xẻ cho gốc dọc mùng (cây bạc hà) nữa. Năm ngoái, mẹ cô sang chơi, xin xỏ che chắn hải quan sân bay tài tình thế nào mà đã mang được cả một gốc dọc mùng gây giống”.
Kiều Bích Hương