Vượt khó

Kinh tế cả nước nói chung và kinh tế TPHCM nói riêng bước vào năm 2012 với nhiều khó khăn thử thách. Suy giảm kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến mọi ngành và len lỏi vào từng doanh nghiệp. Chỉ số lạm phát có nguy cơ khó kiểm soát. Việc tiêu thụ sản phẩm của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng tồn kho lớn khiến chu trình tái sản xuất không thực hiện được theo kế hoạch. Trong bối cảnh đó, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý là mục tiêu bao trùm của nền kinh tế.

Hơn 9 tháng qua, với nỗ lực điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, các bộ ngành và cố gắng khắc phục khó khăn của các doanh nghiệp cùng sự chia sẻ của người tiêu dùng, đến nay nền kinh tế đã có những tín hiệu lạc quan.

Mấy tháng gần đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tương đối thấp và đặc biệt là giảm trong 2 tháng 6 và 7. CPI tháng 9, tháng có mức tăng cao nhất tính từ đầu năm cũng chỉ tăng 5,13% so với tháng 12-2011. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 8 năm trở lại đây.

Một khía cạnh khác: Lần đầu tiên trong nhiều năm, Việt Nam xuất siêu 34 triệu USD so với cùng kỳ. Con số này không lớn nhưng nếu nhìn lại những năm trước, nhập siêu của chúng ta luôn ở mức hàng chục tỷ USD, 34 triệu USD xuất siêu này là đáng quý. Nó cho thấy xuất khẩu của chúng ta đang có bước phát triển tốt, góp phần đảm bảo cán cân thương mại, là dấu hiệu của nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh. Việc kiềm chế lạm phát ở mức một con số trong năm 2012 có thể thành hiện thực. Các gói giải pháp lớn của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Giá trị đồng bản tệ ổn định. Tỷ giá hối đoái không tăng, thậm chí tỷ giá với đồng USD còn giảm 0,94%…

Tuy nhiên, những thành tựu trong thời gian qua không thể che lấp những khó khăn đang đón chờ nền kinh tế trong những tháng còn lại. Mặc dù GDP có mức tăng trưởng đều, tháng sau cao hơn tháng trước nhưng vẫn ở mức thấp so với mục tiêu đặt ra và còn kém xa một số nước trong khu vực. Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ và lãi suất có thể kiềm chế lạm phát trước mắt, song nếu không linh hoạt trong điều hành nó có thể gây hiệu ứng giảm phát cho nền kinh tế. Hơn 2 tháng còn lại là thời gian quá ngắn để khắc phục tác động tiêu cực của những “cơn bão” từ kinh tế thế giới ập vào Việt Nam mấy năm qua. Những thông số tích cực của cán cân thương mại còn quá mong manh, chưa có cơ sở phát triển bền vững. Đặc biệt là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường thế giới đối với các mặt hàng xuất khẩu vốn là thế mạnh của nước ta lâu nay như gạo, dệt may, thủy sản, cà phê, hồ tiêu…

Đối với thị trường trong nước, giá cả các mặt hàng những tháng cuối năm thường bị đẩy lên cao, khó kiểm soát. Do đó, nếu không có giải pháp tích cực, CPI sẽ tăng cao, khiến mục tiêu cơ bản của nền kinh tế trong năm 2012 không đạt được như dự kiến…

Trước tình hình này, trong những tháng cuối của năm 2012, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt khó của mọi ngành, mọi cấp, mọi doanh nghiệp và của toàn xã hội. Chính phủ cần có chính sách cụ thể, trọng tâm hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn và thị trường xuất khẩu. Các bộ ngành cần phải triển khai triệt để Nghị quyết 13/NQ-CP nhằm phát triển kinh tế đúng yêu cầu của Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp, phải tích cực đổi mới công nghệ, trang bị kỹ thuật hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đặc biệt là nhanh chóng giải phóng hàng tồn đọng, thu hồi vốn và mở rộng sản xuất.

Với những giải pháp đồng bộ cùng sự cố gắng vượt khó của mọi cấp mọi ngành và của toàn xã hội, hy vọng dù thời gian còn lại không nhiều nhưng nền kinh tế của nước ta sẽ đạt được những mục tiêu đề ra. 

PHAN LỘC

Tin cùng chuyên mục