Vượt qua rào cản

Chưa có năm nào câu chuyện về xuất khẩu hàng hóa lại được đề cập dày đặc tại các hội thảo ngay trong quý đầu tiên như năm nay. Điều đáng lưu ý, tại các cuộc họp này, hầu hết ý kiến của các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp (DN) đều cho rằng, nếu năm 2011 xuất khẩu của Việt Nam (VN) đã có sự tăng trưởng bứt phá với kim ngạch đạt tới 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2010 thì bước sang năm 2012 tình hình xuất khẩu đã bộc lộ quá nhiều khó khăn, thách thức.

Do khủng hoảng kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu nên kinh tế tại nhiều nước vẫn trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút, nhập khẩu giảm, đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực của VN như dệt may, thủy sản, nông sản… Hiện đơn hàng ngành da giày đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vào EU trong quý 1-2012 cũng giảm 20% - 30% so với cùng kỳ. Các DN trong ngành này cũng rất khó tìm được những đơn hàng có số lượng lớn như những năm trước.

Ngoài việc cắt giảm chi tiêu, các nhà nhập khẩu EU cũng đang chuyển dần đơn hàng từ VN với thuế suất nhập khẩu 10% sang Campuchia, Lào và Bangladesh để hưởng mức thuế nhập khẩu 0% theo tiêu chuẩn Tối huệ quốc vẫn đang được áp dụng tại các quốc gia này. Nếu năm 2011 là năm cực thịnh của ngành nông sản thì đầu năm nay đang gặp rất nhiều bất lợi về thị trường tiêu thụ... Giá xuất khẩu hàng hóa giảm trong khi nhiều DN đã nhập nguyên liệu từ năm trước với mức cao, đã tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các DN do không bán được sản phẩm với giá có lãi, dẫn đến tồn kho lớn, ứ đọng vốn cho sản xuất.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, khó khăn, để bảo hộ sản xuất trong nước, các quốc gia cũng dựng lên ngày càng nhiều các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT/SBS) nhằm hạn chế hàng nhập khẩu. Riêng quy định TBT mang tính chất bảo vệ sức khỏe hoặc an toàn con người đã có tới 782 biện pháp. Hàng rào được dựng lên dày đặc và phức tạp, đã khiến cho xuất khẩu của VN càng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những thách thức từ bên ngoài, nội lực của các DN xuất khẩu là vấn đề rất đáng lo lắng. Tại hội thảo “Triển vọng một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam” do Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp VN tổ chức ngày 18-4, các diễn giả chưa chỉ ra được những triển vọng, thế mạnh của từng ngành, trong khi các DN đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, thị trường xuất khẩu đang co lại, bên cạnh sự mất cân đối trong cấu trúc ngành, những bất cập về phương thức sản xuất…

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là chất lượng hàng xuất khẩu của VN cho đến thời điểm này vẫn chưa được cải thiện. Có nhiều mặt hàng đứng tốp đầu thế giới nhưng giá trị xuất khẩu lại kém hơn nhiều so với các nước có trình độ phát triển tương đương. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là tổ chức xuất khẩu và tổ chức xâm nhập thị trường chưa tốt, chưa có những biện pháp để xây dựng thương hiệu để nâng giá trị hàng hóa...

Theo các chuyên gia, trong tình hình khó khăn hiện nay, mức tiêu thụ cũng như khả năng mở rộng khối lượng xuất khẩu đã đạt ngưỡng, do vậy cách duy nhất là cần tổ chức, sắp xếp lại các ngành hàng xuất khẩu và cạnh tranh bằng chất lượng. Đó là giải pháp hiệu quả nhất để vượt qua rào cản rất lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu của nước ta hiện nay và về sau. 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục