Hôm qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2012 khu vực ĐBSCL. Chỉ số PCI đã được VCCI công bố ngày 14-3 vừa qua, với kết quả nghiêng hẳn về ĐBSCL.
Dư âm của câu chuyện này đến nay vẫn còn đọng lại. ĐBSCL có 9/17 tỉnh nằm trong nhóm “tốt”, không có tỉnh nào nằm dưới nhóm “khá”. Trong đó, Đồng Tháp đạt quán quân, kế đến là An Giang, ngoài ra còn có 3 tỉnh trong tốp 5 và 6 tỉnh trong tốp 10 của PCI năm 2012. Điều đó cho thấy, các tỉnh, thành ĐBSCL đã có bước đột phá vượt bậc so với các tỉnh thành trong cả nước.
Nhìn lại kinh tế - xã hội năm 2012 với rất nhiều khó khăn, chúng ta mới thấy sự phấn đấu của ĐBSCL thật sự có ý nghĩa. Cụ thể, Vĩnh Long từ thứ hạng 54 lên vị trí thứ 5, Trà Vinh từ 42 lên 8, An Giang từ 19 lên 2, Bạc Liêu 39 lên 7, Hậu Giang 43 lên 11 và Kiên Giang 28 lên 6...
Những bước nhảy vọt này đã phản ánh thực tế về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các tỉnh ĐBSCL bởi như kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp năm 2012 của VCCI cho thấy, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều có chiều hướng xấu đi, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số, hàng tồn kho, số lượng doanh nghiệp giải thể lớn…Đối với ĐBSCL, những hạn chế về hệ thống cảng, dịch vụ hậu cần, quy hoạch đô thị, du lịch, tầm nhìn chiến lược trong phát triển vùng còn nhiều lúng túng, thiếu tập trung… là những trở ngại lớn để ĐBSCL thu hút đầu tư.
Từng tụt hạng PCI ở năm 2011, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL hiểu rằng, trong khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nếu không cải thiện về thể chế, thu hút đầu tư sẽ rất khó khăn. Đồng Tháp tuy đạt được thứ hạng cao nhưng điểm số năm 2012 lại thấp hơn năm trước 3,27 điểm. Cùng với đó là Đồng Tháp cũng không nằm trong nhóm tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Trong 9 chỉ số thành phần, ngoại trừ chỉ số tiếp cận đất đai có sự tiến bộ về điểm số thì còn lại đều giảm, đáng lo ngại là thiết chế pháp lý giảm gần 2 điểm so với năm 2011. Thiết chế pháp lý là chỉ tiêu khó thực hiện mà cả nước đang loay hoay tìm ra giải pháp. Cùng với thiết chế pháp lý, vấn đề đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp cũng rất đáng quan tâm và cuộc đua giữa các địa phương hiện nay cũng nằm ở 3 chỉ số này.
“Đồng Tháp nắm giữ vị trí quán quân trong giai đoạn kinh tế khó khăn và doanh nghiệp đang phải chống chọi với những tác động tiêu cực, trái chiều của kinh tế thị trường để duy trì sản xuất, kinh doanh. Đây là thời điểm mà doanh nghiệp rất cần sự giúp sức của chính quyền, chính vì vậy không được bằng lòng, tự mãn với những kết quả vừa đạt được”, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.
Bên cạnh những yếu tố thành phần mà VCCI công bố, còn một yếu tố khác chắc hẳn cũng tác động không nhỏ đến chỉ số PCI, đó là chuyện ăn nhậu. ĐBSCL từng “nổi tiếng” cả nước về chuyện ăn nhậu, kể cả nhậu vào buổi trưa ngày làm việc. Từ năm 2005, khi mới khởi xướng chuyện xếp hạng PCI, buổi trưa ngày làm việc ở ĐBSCL, cán bộ - công chức còn ăn nhậu thoải mái. Đến giữa năm 2007, tỉnh Long An đã “tiên phong” cấm cán bộ - công chức uống rượu bia buổi trưa ngày làm việc. Sau đó là Bến Tre, rồi nhiều tỉnh khác. Đến năm 2012 thì 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL đều không cho phép cán bộ - công chức uống rượu bia vào buổi trưa ngày làm việc. Đồng Tháp không phải là tỉnh đi đầu trong việc cấm cán bộ - công chức uống rượu bia trong ngày làm việc nhưng đã thực hiện rất triệt để, nghiêm túc. Điều đó chắc chắn ít nhiều đã góp phần vào việc đoạt ngôi quán quân PCI năm 2012 của địa phương này.
Theo VCCI, mặc dù các địa phương khu vực ĐBSCL có sự cải thiện năng lực cạnh tranh tương đối đồng đều. Song thu hút FDI còn hạn chế, chất lượng lao động thấp, hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh… Do đó, các chuyên gia khuyến cáo các tỉnh, thành ĐBSCL cần làm ngay một số việc như: Có chính sách cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả; cải cách hành chính phải cụ thể, nhất là các thủ tục có liên quan đến doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động; nâng chất dịch vụ giới thiệu việc làm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động về hội chợ triển lãm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia, phát triển và ưu tiên, khuyến khích cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia trong các lĩnh vực tư vấn về pháp luật, dịch vụ khoa học kỹ thuật, dịch vụ cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp… Nếu làm được tất cả những điều đó, ĐBSCL sẽ giữ được thế mạnh cạnh tranh của chính mình.
T.M.TRƯỜNG