
Trong trận đấu thứ hai của vòng chung kết, Pelé bị chấn thương nặng không tiếp tục thi đấu được. Ông phải ngồi ngoài sân làm khán giả cho đến hết giải. Thế nhưng, Brazil vẫn sản sinh một nhà vua mới. Đó là Garincha. Một “thuật sĩ” bóng đá, với tài điều khiển quả bóng như ma thuật, mà người hâm mộ lúc bấy giờ so sánh ông còn chơi hay hơn cả Pelé.

Toàn đội Brazil chạy vòng quanh sân mừng chiến thắng sau trận chung kết.
Thế nhưng, kết cuộc của Garincha thật buồn thảm. Ông mất như một người hùng bị lãng quên (a forgotten hero) vào năm 1983, với cái bụng trống không, lúc mới 49 tuổi. Nơi mộ phần của ông ghi dòng chữ: “Đây là nơi yên nghỉ của một con người đã từng đem niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người”.
Còn trang web Wikipedia trích nhận định của các cây bút lão làng: “Pelé đã xuất sắc, nhưng Garincha còn xuất sắc hơn. Pelé là một cỗ máy, Garincha là một nghệ sĩ. Garincha là Stanley Matthews, Tom Finney và một con rắn hổ mang trộn lẫn với nhau làm một”.
Trở lại với World Cup lần thứ bảy. Ngày 10-6-1956, cuộc họp Hội đồng FIFA tại Lisbon quyết định chọn Chile làm nơi tổ chức World Cup 1962. Kết quả này có được một phần nhờ vào sự vận động xuất sắc, không biết mệt mỏi của Carlos Dittiborn, một người Chile, nhưng sinh trưởng ở Rio de Janeiro, Brazil. Đáng tiếc, vào ngày 28-4-1962, tức một tháng trước khi Word Cup khai mạc, ông qua đời… Tên của ông đã được đặt cho tất cả các sân vận động tổ chức World Cup tại Chile.
Brazil bảo vệ chức vô địch với 9 cầu thủ từng đăng quang tại Thụy Điển 4 năm trước. Họ khởi đầu bằng trận thắng Mexico 2-0, hòa Tiệp Khắc 0-0 (sau trận này Pelé chia tay với giải), thắng Tây Ban Nha 2-1, rồi Anh 3-1 ở tứ kết, Chile 4-2 ở bán kết và thắng Tiệp Khắc 3-1 trong trận chung kết diễn ra ngày 17-6, trước 70.000 khán giả.
Tuy về nhì, nhưng Tiệp Khắc được kính trọng như một đội bóng có lối chơi thiên về kỹ thuật, được vận hành bởi những nghệ sĩ không kém gì các cầu thủ Nam Mỹ như Masopust, Pluskal, Popluhar, Pospichal, Kadabra …
World Cup 1962 cũng để lại kỷ niệm không vui, với vụ bạo động sân cỏ ngay sau trận đấu đầu tiên của giải giữa Colombia và Uruguay (1-2), buộc FIFA phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp các trọng tài để nhắc nhở phải cứng rắn hơn. Nhiều trận đấu được cây bút Orlando Duarte bình luận: “Như những trận chiến thật sự”. Chính Pelé là nạn nhân của lối chơi ấy và sự bất lực đến khó hiểu của các trọng tài. Tệ nạn này vẫn còn tiếp tục đến World Cup 1966.
May mà có trận chung kết Brazil-Tiệp Khắc cứu vãn. Một trận chung kết của kỹ thuật chọi kỹ thuật.
* Con số và sự kiện:
– 56 đội dự vòng loại khu vực.
– 16 đội vào vòng chung kết.
– 32 trận đấu trong giải.
– 89 bàn thắng được ghi, trung bình 2, 78 bàn/trận.
– 776.000 là lượt khán giả đến sân, trung bình 24.250 người/trận.
– 5 bàn là số bàn thắng của “Vua phá lưới” Drazen Jerkovic (Nam Tư) ghi được.
MINH HÙNG