Xã hội hóa đào tạo phi công: Nhu cầu cấp thiết

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không và giải quyết tình trạng thiếu phi công, tiết kiệm ngoại tệ, tránh phụ thuộc nước ngoài như hiện nay, việc xã hội hóa đào tạo phi công là hết sức cần thiết.
Xã hội hóa đào tạo phi công: Nhu cầu cấp thiết

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không và giải quyết tình trạng thiếu phi công, tiết kiệm ngoại tệ, tránh phụ thuộc nước ngoài như hiện nay, việc xã hội hóa đào tạo phi công là hết sức cần thiết.

Học viên khóa 1 của Bay Việt thực hiện thành công chuyến bay đơn đầu tiên tại trường bay Cam Ranh.

Học viên khóa 1 của Bay Việt thực hiện thành công chuyến bay đơn đầu tiên tại trường bay Cam Ranh.

Dự án gần 15 năm “đắp chiếu”

Theo đánh giá của Hiệp hội Hàng không thế giới (IATA), Việt Nam có khả năng trở thành thị trường vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế phát triển nhanh thứ ba trên thế giới và tương lai của ngành hàng không Việt Nam rất khả quan. Trên thực tế, trong những năm gần đây, ngành hàng không cũng đã đạt được những bước phát triển đáng khích lệ, khi chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, đã xây dựng được một hệ thống sân bay, bến cảng, cơ sở hạ tầng hàng không tương đối hoàn chỉnh và Hãng hàng không quốc gia - Vietnam Airlines (VNA) đã gia nhập SkyTeam (liên minh hàng không lớn thứ 2 thế giới). 

Tuy nhiên, ngành hàng không đang phải đối mặt với không ít những khó khăn. Một trong những khó khăn tiêu biểu nhất là thiếu trầm trọng nguồn nhân lực bậc cao, trong đó phi công là một ví dụ điển hình. Các doanh nghiệp hàng không trong nước  hiện nay đều phải thuê phi công nước ngoài và lượng ngoại tệ chúng ta bỏ ra để thuê phi công rất lớn. Vì vậy để có một ngành công nghiệp hàng không phát triển, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế - xã hội, không phụ thuộc vào nước ngoài thì tất yếu phải xây dựng được một trung tâm đào tạo phi công trong nước. Và trung tâm ấy phải đào tạo được nguồn lực phi công là người Việt để cung cấp cho các hãng hàng không.

Năm 1995, dự án thành lập Trung tâm Đào tạo phi công được đánh dấu bằng sự kiện Việt Nam ký hợp đồng 02-95-97 sử dụng vốn ODA của Pháp để xây dựng một trung tâm đào tạo phi công tại Cam Ranh. Thế nhưng, vì nhiều lý do vướng mắc về cơ chế nên dự án này đã giậm chân tại chỗ, nằm “đắp chiếu” trong suốt 15 năm liền.

Để thực hiện dự án này, vào ngày 11-6-2008, VNA đã thành lập Công ty CP Bay Việt với các cổ đông chiến lược gồm: VNA, Quân chủng phòng không - không quân, Tổng Công ty trực thăng, Công ty cho thuê máy bay và Học viện hàng không Pháp. Để hỗ trợ  Bay Việt, Hãng Airbus - nhà sản xuất và cung cấp máy bay lớn cho VNA, đã tài trợ 850.000 EUR thông qua Học viện hàng không Pháp để thực hiện chuyển giao công nghệ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo huấn luyện phi công.  

Chỉ 3 năm sau, Bay Việt đã cho ra lò những phi công cơ bản đầu tiên và mới đây, ngày 7-9-2012, khóa phi công thứ 2 của Bay Việt, sau đúng 3 tháng kể từ ngày khai giảng, phần thực hành bay tại Cam Ranh đã bắt đầu vào giai đoạn bay đơn theo hợp đồng huấn luyện của Bay Việt và Học viện Hàng không Pháp. Thành công này được tiếp nối từ thành công của khóa phi công thứ 1 do Bay Việt huấn luyện lý thuyết tại Việt Nam, và phần thực hành bay tại Học viện hàng không Pháp. Đến nay, 19/20 học viên do Bay Việt huấn luyện đã tốt nghiệp về nước, nhận nhiệm vụ tại Đoàn bay 919, bổ sung vào lực lượng phi công của VNA.

Xóa bao cấp

Ông Nguyễn Nam Liên, Tổng Giám đốc Bay Việt, cho biết: Chi phí đào tạo một phi công rất lớn (khoảng 115.000 - 120.000 USD) và lâu nay chi phí này được nhà nước bao cấp. Vì  bao cấp nên việc tuyển sinh rất dễ nảy sinh tiêu cực với những ưu tiên về điều kiện tuyển chọn chưa được mở rộng. Điều này cũng dẫn đến tình trạng chất lượng phi công không cao, nhiều phi công học xong lại bỏ nghề, gây lãng phí ngân sách rất lớn. Để khắc phục tình trạng này, việc xã hội hóa công tác đào tạo phi công rất cần thiết. “Khi xã hội hóa đào tạo phi công thì cánh cửa vào nghề phi công sẽ rộng mở với mọi đối tượng. Và khi người ta đi học bằng tiền của mình, người ta sẽ cố gắng học tập, rèn luyện và gắn bó với nghề hơn” - ông Nam Liên chia sẻ.

Với tiềm lực kinh tế hiện nay, rất nhiều gia đình đã cho con em du học nước ngoài. Chi phí du học tại một trường đại học ở Mỹ hoặc Úc cũng đã lên đến trên 100.000 USD, tương đương kinh phí đào tạo một phi công thương mại hiện nay.

So với mức thu nhập hiện tại của 1 phi công, chi phí học phi công không phải quá lớn. Theo đó, đầu tư khoảng 100.000 - 120.000 USD để học phi công, khi ra hành nghề được trả lương như VNA hiện nay (2.000 - 3.000 USD/tháng) có thể sẽ lấy lại vốn sau 2 - 3 năm. Chưa kể, thời gian tới, khi lực lượng phi công trong nước được đào tạo dồi dào và được nhà nước cho phép bay ở các hãng hàng không nước ngoài, thì chỉ hơn 1 năm là lấy lại vốn.

Tăng chuyến bay dịp tết

Theo dự báo của ngành hàng không, dịp Tết Nguyên đán năm 2013, nhu cầu đi lại của hành khách tăng khoảng 10%-12% so với cùng kỳ năm 2012. Do vậy, các hãng hàng không vừa “tranh thủ” mua thêm máy bay, tăng chuyến bay, tăng giá vé.

Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific vừa thêm một chiếc Airbus A320 trên đường bay nội địa và dự kiến đến cuối năm 2012 sẽ khai thác bằng toàn bộ máy bay Airbus A320. Đồng thời công bố bán 110.000 vé Tết Nguyên đán 2013.  VietJet Air  đã khai trương đường bay TPHCM - Hải Phòng (mỗi ngày một chuyến bằng Airbus A320, từ tháng 10-2012) và tăng tần suất các chuyến TPHCM - Hà Nội, TPHCM - Đà Nẵng, TPHCM - Nha Trang, Hà Nội - Đà Nẵng.

Nguyễn Thu Tuyết

Tin cùng chuyên mục