Xã hội hóa trồng dược liệu quý và cơ hội xóa đói giảm nghèo cho người nông dân

Xã hội hóa trồng dược liệu quý và cơ hội xóa đói giảm nghèo cho người nông dân

Là một nước được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có khoảng hơn 4.000 cây thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý được thế giới công nhận. Tuy nhiên thời gian gần đây, nguy cơ cạn kiện nguồn dược liệu do việc khai thác tận diệt, không lưu tâm đến việc bảo tồn, phát triển… cây thuốc đang được cảnh báo rõ nét. Việc xã hội hóa trồng dược liệu quý đang là hướng đi đúng đắn của nhiều doanh nghiệp dược trong nước, vừa bảo tồn và phát triển được nguồn dược liệu sạch, đảm bảo cho việc sản xuất thuốc, vừa tạo được sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân thoát được cái nghèo.

Cà gai leo - dược liệu quý và cơ hội thoát nghèo của người dân Quảng Ngãi

Cây Cà gai leo có tên khoa học Solanum hainanense, một số vùng còn gọi là cà gai dây, hay gai cươm. Cà gai leo là cây nhỏ, cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và có nhiều gai. Theo kinh nghiệm dân gian, Cà gai leo được dùng làm thuốc chống viêm, chữa phong thấp, chống u và có tác dụng giải rượu. Từ năm 1980 đến nay, các nhà khoa học Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu và chứng minh loài cây này có tác dụng rất tốt với bệnh viêm gan, đặc biệt là viêm gan virus B mãn tính thể hoạt động và xơ gan. Kết quả thử nghiệm lâm sàng sản phẩm chứa Cà gai leo tại các bệnh viện cho thấy bệnh nhân sau khi sử dụng sản phẩm đã cải thiện đáng kể các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da, men gan trở về bình thường nhanh sau 2 tháng. Đặc biệt sau 3 tháng sử dụng, hầu hết các bệnh nhân đều giảm nồng độ vi rút trong máu rõ rệt.

Xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi từ lâu vẫn được biết đến là một địa phương nghèo, với đa số diện tích đất là hoang hóa, cằn cỗi, cây cối không mọc nổi. Tuy nhiên, đặc điểm thổ nhưỡng của Nghĩa Hành - Quảng Ngãi lại đặc biệt phù hợp với sự phát triển của Cà gai leo bởi loại dược liệu này không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, rất dễ dàng sinh sôi, phát triển trên đất cằn lại có nhiều công dụng quý. Nhiều trường hợp trong xã Nghĩa Hành chỉ với 1,5 sào đất, trong vòng 4 đến 5 tháng, mỗi gia đình thu về trên 17 triệu đồng sau khi thu hoạch xong 2 lứa cà gai leo, rồi những gia đình có diện tích nhỏ, chỉ tận dụng khoảng đất rẫy rộng chưa đến nửa sào để trồng Cà gai leo nhưng họ vẫn thu được 5 triệu đồng sau 5 tháng.

Còn đó những doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với những người nông dân.

Từ những công trình nghiên cứu về dược liệu Cà gai leo của Viện Dược liệu TW và Trường ĐH Dược Hà Nội, Công ty TNHH Tuệ Linh là đơn vị tiên phong phát triển dược liệu này và là công ty đầu tiên triển khai xây dựng vùng nguyên liệu Cà gai leo tại xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Vùng nguyên liệu sạch Cà gai leo của Công ty Tuệ Linh được trồng và thu hái theo tiêu chuẩn GACP (tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Theo đó, công ty chủ động cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, đầu ra của dược liệu cũng được công ty cam kết đảm bảo. Vì vậy khi tham gia mô hình mới này, người nông dân không phải bỏ ra bất cứ đồng vốn nào mà vẫn thu được lợi nhuận.

Anh Nguyễn Đức Tuệ - Công ty Tuệ Linh cho biết: “Công ty chúng tôi đã tiến hành trồng thí điểm cây Cà gai leo tại Quảng Ngãi được hơn 1 năm nay. Và sau 1 năm thì đã có thể khẳng định cây cà gai leo phát triển rất tốt với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Quảng Ngãi, không chỉ về năng suất mà còn về chất lượng, hàm lượng hoạt chất. Và chúng tôi đang rất phấn khởi vì dự án này bước đầu thành công và đem lại nhiều cơ hội thoát nghèo, tăng thu nhập cho bà con trong vùng ”. Với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ dự án, bà con nông dân rất vui mừng bởi vì việc trồng Cà gai leo khá đơn giản mà họ lại có thu nhập và giải quyết việc làm cho bà con lúc nông nhàn. Vừa không phải đi xa quê hương, vừa có công việc làm với thu nhập ổn định là mong muốn của nhiều bà con nông dân.

Ông Trần Dần ở Hành Trung, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi cho biết: “So với trồng đậu, bắp, mỳ… thì trồng Cà gai leo cho thu nhập gấp từ 2 đến 3 lần, nên bà con chúng tôi vô cùng phấn khởi. Hơn nữa cách trồng và chăm sóc lại rất dễ, chúng tôi cứ làm đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của công ty thôi”. Việc làm này sẽ được Công ty TNHH Tuệ Linh phát huy, mở rộng trong thời gian tới để nâng cao diện tích dược liệu sạch, đảm bảo nhu cầu sản xuất sản phẩm, đồng thời đem lại cơ hội xóa đói giảm nghèo cho người dân theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

 Nguyên Khang

Tin cùng chuyên mục