Trong các cuộc họp, hội thảo về lĩnh vực thể thao, người ta nghe nhiều đến chuyện cương quyết không chạy theo thành tích, xóa bệnh thành tích, trong sạch hóa môi trường thể thao… Thế nhưng, thực tế bên ngoài các cuộc họp, các cuộc hội thảo ấy lại diễn ra ngược lại hoặc có vẻ như người ta không muốn thực hiện chính xác những điều mình nói.
Mới nhất, chuyện Bộ GD-ĐT bật đèn xanh cho chủ trương cử các cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp đình đám hiện nay như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… tham dự Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á khiến nhiều người ngã ngửa.
Tháng 12-2014 sẽ diễn ra Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á ở Indonesia. Như tên gọi, đây là sân chơi của sinh viên các trường đại học trong khu vực, mục đích giao lưu học hỏi, rèn luyện sức khỏe, tăng cường hữu nghị là chính. Việt Nam cử đoàn tham gia ở nhiều môn, mà vận động viên là sinh viên đang học tập ở các trường đại học trên toàn quốc. Chuyện sẽ bình thường nếu môn bóng đá vẫn được tuyển chọn đúng tiêu chí này. Nhưng không, Trường ĐH Sư phạm TDTT TPHCM được Bộ GD-ĐT đồng ý cử riêng đội bóng đá tham dự với thành phần là những tân sinh viên vừa nhập học hơn tháng nay. Nói là tân sinh viên, nhưng họ đều là các cầu thủ đã thi đấu cho đội tuyển U19 Việt Nam, U19 HAGL, là học viên Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG đã chinh chiến mấy chục trận đấu chuyên nghiệp trong năm qua.
Về pháp lý, người ta không bắt bẻ được bởi đây là những… sinh viên, có đầy đủ giấy tờ. Nhưng xét thực tế, cách làm việc này không thể lý giải bằng điều gì khác ngoài bệnh thành tích. Đang có một giải bóng đá sinh viên toàn quốc diễn ra tại Hà Nội từ 5 đến 16-11-2014, vì sao không chọn các sinh viên xuất sắc tại giải này mà lại có một “cơ chế” riêng? Ngay ở giải bóng đá sinh viên toàn quốc, các cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Sơn, Đông Triều… đã không được tham dự với lý do họ đã được đào tạo chuyên sâu, nhưng trớ trêu là cũng tại thời điểm này, tên các cầu thủ trên đã có trong danh sách dự giải sinh viên Đông Nam Á! Một thành viên BTC giải bóng đá sinh viên toàn quốc giải thích do kinh phí quá lớn, không kham nổi nên Bộ GD-ĐT phải xã hội hóa. Trong bối cảnh đó, Trường ĐH Sư phạm TDTT TPHCM đứng ra chịu kinh phí nên họ… có quyền quyết định nhân sự. Mà trường này vừa tiếp nhận khóa sinh viên mới gồm nhiều học viên từ Học viện HAGL - Arsenal - JMG nên tận dụng đó mà cử đi luôn.
Nếu đó là sự thật cũng đã là một sự bẽ bàng với những sinh viên khác có thành tích xuất sắc trong thi đấu, đằng này, thông tin mà nhiều người có trách nhiệm tuyên bố còn “nặng đô” hơn, muốn đội sinh viên Việt Nam vô địch Đông Nam Á để tham dự giải sinh viên thế giới! Câu chuyện giờ đây đã vượt quá sự quan tâm của một giải sinh viên mang tính chất phong trào, mà tiếp tục trở thành nơi kiếm thành tích của nhiều người. Nền bóng đá nổi tiếng với việc tuyển chọn tài năng từ học đường là Hàn Quốc chắc khi biết câu chuyện cũng phải… “bái phục” cách làm này. Với họ, cầu thủ chuyên nghiệp hầu hết xuất thân từ học sinh, sinh viên, được tuyển chọn qua các giải trường học, từ đó họ tiến lên thi đấu chuyên nghiệp. Còn nếu cách làm như đội tuyển bóng đá sinh viên Việt Nam lần này thì khi cầu thủ đã đá chuyên nghiệp rồi được đưa trở lại vào trường đại học để đá… phong trào, một cách làm đi ngược tiến trình phát triển.
Với các học viên của Học viện HAGL, dư luận đã nhiều lần nêu băn khoăn về cách bố trí họ sao cho khoa học, hợp lý. Vậy nhưng, cho đến lúc này, một thực tế không đâu có là cũng chính bao nhiêu cầu thủ ấy lại được gắn vào nhiều tên, cấp bậc khác nhau để thi đấu nhiều giải khác nhau như đội tuyển U19 Việt Nam, U19 HAGL và giờ là… tuyển sinh viên Việt Nam! Xã hội hóa trong thể thao là giải pháp hay, nhiều cá nhân, tập thể đã làm tốt điều này như lứa cầu thủ U19 và học viện đào tạo của HAGL thời gian qua. Nhưng chưa hẳn cách làm xã hội hóa nào cũng đúng, càng không nên dung túng cho những kiểu làm lệch lạc ấy.
PHƯƠNG NAM