Chủ trương xã hội hóa y tế và giáo dục là một trong những chủ trương mang tầm chiến lược không chỉ đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, học hành hết sức to lớn và bức bách của xã hội, mà còn tạo ra kênh thu hút vốn đầu tư rất quan trọng vào khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Thế nhưng, ít ai biết được khởi phát của chủ trương này bắt đầu từ đâu và thực hiện với kết quả ra sao…
Bác sĩ nuôi heo ra làm phòng khám
Năm 1977, ở tuổi 28, BS Phan Thanh Hải trúng cử đại biểu HĐND TPHCM khóa I. Dù là đại biểu của dân, nhưng ông cũng giống như bao bác sĩ lúc bấy giờ vẫn nằm im, ăn cơm ở nhà rồi nuôi heo. Nếu có làm nhà nước thì tới giờ vào ngồi đó, chiều về nắm bao gạo, bọc mì phân phối. Nhiều người bạn thân thiết khuyên với nhau nên nuôi heo để cứu mình, để tồn tại…
BS Bệnh viện An Sinh TPHCM đến khám bệnh cho bà con nghèo xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: MAI HẢI
Một buổi chiều cuối tháng 10-1977, BS Phan Thanh Hải tìm gặp ông Năm Xuân (đồng chí Mai Chí Thọ), nói: “Anh Năm Xuân à, anh có lúc bị bệnh không? Nếu bệnh anh trị làm sao? Anh bệnh đã có người khác lo, dân bệnh làm sao lo bây giờ?”. Không đợi ông Năm Xuân trả lời, BS Phan Thanh Hải giãi bày: “Bác sĩ phải ngồi không, nuôi heo mãi không thơm tho chút nào...”. “Chú mày muốn làm bác sĩ phải không? Bác sĩ có bệnh nhân nào đến khám không mà chú đòi khám”. “Bây giờ anh cứ việc cho thử nghiệm đi, coi có ai đến mới nói được”. “Ờ vậy được đó, chú lấy cái nhà kế bên Thành ủy (68 Trương Định) làm, mỗi chiều tôi đi làm về ghé qua xem chú làm ăn thế nào”…
Lúc đó tôi đang làm ở Bệnh viện Bình Dân, chiều đi làm về tôi trương cái bảng khám bệnh lên. Lúc đầu còn mới nên không có ai, dần dần cũng có dân đến khám. Tôi khám buổi chiều từ 5 đến 6 giờ, mỗi ngày cũng có 5 - 10 bệnh nhân. Sau đó tôi tập hợp máy điện tâm đồ, xét nghiệm máu, dân đến khám đông lắm. Tôi mời anh Năm Xuân đến coi, anh nói: “À thế à, chú giàu to rồi”. “Người ta trả tôi con gà, con cá lóc, trái bí… không à anh Năm ơi”… Đến năm 1980, TP chính thức cho bác sĩ làm phòng mạch tư -BS Hải kể.
Theo BS Hải, chủ trương cho bác sĩ tư hoạt động như cởi trói để hướng đến mục tiêu xã hội hóa y tế với hình thức rộng hơn. Đầu tiên là ở Bệnh viện Bình Dân với phòng khám quy mô nhỏ, hoạt động theo hình thức 3 lợi ích: bác sĩ, bệnh nhân và bệnh viện. BS Thanh Hải kể: “Bệnh viện lấy khu nhà đối diện bên đường giao tôi thành lập khu chẩn đoán. Tôi làm thử nghiệm ở đó, có ca nặng mới đưa qua bệnh viện nằm. Các bác sĩ ở Bệnh viện Bình Dân ai muốn làm, hết giờ qua làm thêm. Bệnh nhân đông lắm, rồi chụp X quang, điện tâm đồ, xét nghiệm, cho toa, bán thuốc ngoài giờ như phòng khám đa khoa bây giờ. Có 3 lợi ích: ai làm thêm đến 7, 8 giờ tối được trả công, rồi Công đoàn của bệnh viện thu hết phần lợi nhuận chia cho tập thể; người bệnh thì có nơi đến khám, điều trị. Được 5 năm hoạt động rất hữu ích thì bắt đầu gặp sóng gió khi BS Mười Nhâm, Giám đốc bệnh viện - người cho làm chủ trương này mất. Các bác sĩ phó giám đốc nghi ngờ việc làm của tôi nên lập một đoàn thanh tra, kiểm kê hết tài sản rồi nói: “Lúc thành lập anh có 2 tay không thôi, nhờ 5 năm trên mảnh đất của bệnh viện anh gầy dựng lên cả cơ ngơi thế này, anh chứng minh tài sản của anh đi, nếu không chứng minh được anh để lại cho Nhà nước”. “Coi như sạt nghiệp rồi. Tôi ra đi với hai bàn tay không, tôi gầy dựng lên cơ ngơi nhưng họ không công nhận công lao của tôi... Tôi cũng buồn nên mới xin nghỉ việc Nhà nước”, bác sĩ Hải nhớ lại.
Nghỉ việc, BS Hải xin về làm ở một phòng khám khu vực, kế bên là khu nhà quàn Tang Nghi quán. Ông thuê lại khu này rồi kêu gọi anh em hùn vốn thành lập Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic Hòa Hảo tại số 254 Hòa Hảo, phường 4, quận 10 hoạt động và phát triển lớn mạnh trong 25 năm qua. Ông đúc kết: “Xây dựng mạng lưới y tế tư nhân để gánh vác trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho dân là chủ trương đúng. Trong quá trình phát triển y tế tư nhân ở TP, tôi là người đi tiên phong trong 25 năm qua và không ít lần vấp ngã. Mỗi lần vấp ngã, tôi đều được các vị lãnh đạo TP động viên, hỗ trợ. Tôi luôn nhớ lời đồng chí Nguyễn Minh Triết trước khi ra làm Chủ tịch nước: “Hình thức và tên gọi là gì không quan trọng, cái chính là người dân tin đến khám bệnh, ở đó làm tốt thì dân đến, cái tên chỉ là dán nhãn thôi…”. 25 năm phát triển y tế tư nhân tại TPHCM đã hình thành một mạng lưới với 34 bệnh viện tư, thu hút 2.000 bác sĩ và hàng trăm phòng khám tư nhân trải khắp TP, chăm sóc sức khỏe cho hàng vạn người dân mỗi năm không chỉ ở TPHCM mà còn ở nhiều địa phương trong cả nước”.
Từ lớp hệ B đến trường tư thục
|
Sau giải phóng, ông Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM), làm Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1). Ở thời điểm này Nhà nước đang thực hiện “công lập hóa trường tư”, có nghĩa là tất cả các trường tư thục đều công lập hết. Đây là chủ trương ưu việt của Nhà nước ta để bằng mọi cách làm cho người dân được đi học không mất tiền. Thế nhưng, khi làm vấn đề đầu tư ngân sách gặp khó khăn, trường lớp xuống cấp, điều kiện chăm sóc thầy cô giáo thấp. Vào năm 1978, 1979, Trường Bùi Thị Xuân mở thêm lớp hệ B, để tăng cường điều kiện cho các em đi học. Hồi đó tuyển sinh vào lớp 10 trường công chỉ chiếm 30%, trong khi lớp buổi chiều bỏ trống. Tại sao không tận dụng cơ sở vật chất, thầy cô giáo để con em đi học và đóng một ít tiền? Nghĩ vậy, Ban giám hiệu trường họp bàn và “xé rào” làm “chui” từ 1 lớp, rồi 2 lớp, lên 4 lớp hệ B thu tiền ngay trong trường. Đó là thời điểm đánh dấu khai sinh hệ tư thục đầu tiên của cả nước.
Ông Huỳnh Công Minh kể tiếp: “Đến năm 1987, tôi về làm Trưởng phòng Giáo dục quận 10 và tiến tới một bước xây dựng các trường hệ B. Đến năm 1989, TP chính thức gọi các trường và lớp hệ này là bán công. Nhưng đến năm 1991, 1992 trước sức ép của dư luận và nhiều ý kiến bàn ra, bàn vào, nhận xét này nọ của các địa phương sao TPHCM làm được mà nơi khác thì không? Bộ Giáo dục lúc đó thành lập các đoàn nhiều lần vào kiểm tra. Thấy cách làm hay và mang lại hiệu quả rõ rệt, bộ mới chính thức ban hành Quy chế hoạt động của các trường ngoài công lập. Cách làm này của TPHCM được cả nước đặt cho cái tên “đa dạng hóa trường lớp” và biến thành chủ trương chung thực hiện trong cả nước”.
Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Minh: “Quá trình đi trước, làm trước có khó khăn gì không?”. Ông Minh nói: “Bao giờ cũng vậy, vạn sự khởi đầu nan. Đối với tôi chuyện gì khởi đầu cũng khó khăn, dễ thì đã có nhiều người làm. Rất nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình làm, ví dụ như trong Hiến pháp của nước ta có nói, trẻ em đi học không mất tiền, trong khi dư luận và báo chí lại phản đối, cho rằng thu tiền cao, dân không đủ tiền đi học… Chúng tôi cũng phải giải trình, báo cáo lên các cấp để xin chủ trương và thể chế hóa chủ trương này bằng chính sách xã hội hóa giáo dục sau này...”.
Một suy nghĩ khác được ông Minh bộc bạch, đó là trong nhiều năm làm quản lý giáo dục, thấy con em mình từ chỗ thi vô công lập bị rớt không có chỗ học, bây giờ có chỗ học là mọi người vui. Các em vui, xã hội vui và các thầy cô giáo cũng vui luôn, đó là hiệu quả lớn lắm rồi. Từ “xé rào” thực hiện thành công chủ trương này, ông Minh đúc kết: “Theo tôi, cái cơ bản nhất của trường tư thục là có sự tham gia của phụ huynh cùng Nhà nước để đầu tư hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, những đóng góp của phụ huynh lại có mấy loại: đầu tiên không dám gọi tư thì gọi hệ B, tiến tới một bước nữa là bán công. Nhưng bán công nguồn gốc vẫn còn của Nhà nước, chưa huy động được nguồn lực của dân, nên gọi là dân lập. Sau đó thấy dân lập cũng chỉ là cách gọi chơi chữ, không rõ, nên đổi thành tư thục, chính thức khai sinh một hệ thống giáo dục theo hướng xã hội hóa thu hút nguồn lực của xã hội vào đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của TP và của nước nhà”.
HOÀI NAM - ÁI CHÂN
- Thông tin liên quan:
>> Bài 13: Bùng nổ doanh nghiệp tư nhân