Thủy điện Tây Nguyên "hại rừng, giết sông''
Tây Nguyên đang xảy ra hạn hán khốc liệt, nhưng nhiều nhà máy thủy điện (NMTĐ) ở khu vực này không chịu xả nước, làm những con sông lớn nơi đây chết khô. Trong khi đó, nhiều cánh rừng đặc dụng Tây Nguyên đang bị “hạ sát” không thương tiếc để làm thủy điện. Hệ quả, khí hậu biến đổi và người dân luôn phải sống trong cảnh khô khát mỗi khi mùa khô về. Trên thượng nguồn sông Sê San (tỉnh Kon Tum), sông Ba (tỉnh Gia Lai) và sông Srêpốk (tỉnh Đắk Lắk) có nhiều NMTĐ đang “đánh cắp” nước sông khi nắn dòng đổ nước về nơi khác. Hễ cứ đến mùa khô Tây Nguyên, các NMTĐ này chỉ xả nước phập phù khiến người dân ở hạ lưu sông phải sống lay lắt vì thiếu nước.
Xả nước ngẫu hứng
Thủy điện An Khê - Kanak được xây dựng trên sông Ba, gồm NMTĐ Kanak (ở huyện Kbang, công suất 13MW) và NMTĐ An Khê (ở thị xã An Khê, công suất 160MW). Vào tháng 9-2010, thủy điện An Khê - Kanak bắt đầu chặn dòng tích nước. Cũng từ đó, con sông Ba nằm sau thủy điện chảy qua các huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai và Phú Yên thường xuyên cạn khô nước. Khi chúng tôi có mặt tại chân đập NMTĐ An Khê vào giữa tháng 4 vừa qua, chỉ có một trong 4 cửa xả nước về hạ du sông Ba được mở nên dòng sông chảy liu riu.
Hạ du sông Ba qua thị xã An Khê có chiều dài hàng chục kilômét nhưng nước chỉ đủ chảy ở chỗ sâu, còn hai bên cạn trơ bãi đá. Xuôi về xã Chư Gu (huyện Krông Pa, Gia Lai), dòng sông Ba rộng hàng chục mét đã cạn khô. Trước kia, người dân địa phương dùng đò để di chuyển qua lại sông Ba, nay họ tự bỏ tiền mua gỗ về dựng cầu đi tạm.
Hồ thủy điện An Khê có 4 cửa nhưng chỉ xả nước 1 cửa nên nước chảy về hạ du rất yếu (Ảnh: VÕ PHÚC)
Từ lúc thủy điện An Khê - Kanak chặn dòng đến nay, lượng nước xả về hạ du là vấn đề gây nhiều tranh cãi và đã được điều chỉnh nhiều lần. Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt vào năm 2007 quy định lượng nước xả về hạ du là 4m³/giây. Nhận thấy mức xả này không đủ nhu cầu sử dụng của người dân, tỉnh Gia Lai đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công thương, Chính phủ cho tăng lượng xả.
Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1077 quy định việc vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Trong đó điều chỉnh theo hướng gia tăng lượng nước xả vào một số thời kỳ và thời điểm. Nhưng thực tế, nhiều lần thủy điện này xả không đúng như cam kết. Vào ngày 16-11-2015, tỉnh Gia Lai đã có công điện yêu cầu Công ty Thủy điện An Khê - Kanak phải tăng lưu lượng xả nước lên ít nhất 4m³/giây thay vì 1,5m³/giây như thủy điện này đang thực hiện, gây khô cạn vùng hạ du…
Gần đây nhất là vào lúc 9 giờ 40 ngày 4-3-2016, Sở TN-MT tỉnh Gia Lai phối hợp với Sở Công thương, UBND thị xã An Khê đi kiểm tra tình hình xả nước về hạ du đập thủy điện An Khê. Tại thời điểm kiểm tra, lẽ ra lượng nước xả về hạ du là 6m³/giây như quy định nhưng phía thủy điện lại xả thấp hơn con số trên.
Trong khi đó, NMTĐ Srêpốk 3, 4 và 4A cũng xả nước ‘’phập phù’’ làm 20km sông Srêpốk chết khô. Ngày 1-1-2014, NMTĐ Srêpốk 4A (có công suất 64MW, do Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư) đã phát điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Nguồn nước cung cấp cho thủy điện này được lấy trực tiếp từ cửa xả của thủy điện Srêpốk 4 đáng lẽ nó phải đổ về lại sông Srêpốk, nhưng thủy điện này lại đào kênh dẫn dòng (dài khoảng 15km) chạy từ xã Ea Wer qua xã Krông Na, sau đó mới đổ về đoạn sông Srêpốk ở xã Ea Huar. Vì thế, khoảng 20km sông Srêpốk chảy qua các xã Ea Wer, Ea Huar, Krông Na và Vườn quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) thường xuyên bị trơ đáy vào mùa khô.
Vào ngày 12-4 vừa qua, khi chúng tôi có mặt dưới chân đập NMTĐ Srêpốk 4 (nơi NMTĐ Srêpốk 4A nắn dòng sông Srêpốk) thì cống xả môi trường từ NMTĐ Srêpốk 4A sang sông Srêpốk bị đóng kín mít. Dòng nước từ kênh dẫn dòng này chỉ xả lượng rất nhỏ, không đủ lưu lượng 27m³/giây theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Srêpốk.
Qua kiểm tra vào dịp đầu năm nay, Cục Quản lý tài nguyên nước (thuộc Bộ TN-MT) phát hiện NMTĐ Srêpốk 3 (cung cấp nước cho NMTĐ Srêpốk 4) và NMTĐ Srêpốk 4 (cung cấp nước cho NMTĐ Srêpốk 4A) có nhiều ngày xả nước không đủ lưu lượng và thời gian theo quy định.
Dân ở hạ du khốn khổ
Thủy điện An Khê - Kanak nắn dòng đã làm sông Ba trở thành ‘’sông chết’’ vào mùa khô. Kéo theo đó, đời sống hàng trăm ngàn hộ dân phía hạ du sông Ba bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Trần Bằng (ở phường Tây Sơn, thị xã An Khê) làm nghề đánh cá từ thời bé. Hồi chưa có thủy điện, chỉ vài giờ đánh cá ở đoạn sông cạnh nhà, ông Bằng kiếm vài chục ký cá. Từ khi thủy điện An Khê - Kanak chặn dòng, cá không sinh sôi được nên việc kiếm cơm từ nghề đánh cá khó khăn hơn. Mỗi ngày ông phải chạy xe đến đầu vùng sông Ba (ở huyện Kbang), cách nhà hàng chục kilômét để đánh cá nhưng chỉ kiếm bằng 1/5 thu nhập so với lúc trước. Ông Bằng cũng có nghề “tay trái” là đan lưới nhưng hiện ế ẩm vì cá không còn nên phải bỏ nghề.
Thủy điện An Khê - Kanak làm đoạn sông Ba chảy qua xã Chư Gu (huyện Krông Pa, Gia Lai) khô cạn, người dân đi bộ dưới lòng sông (Ảnh: VÕ PHÚC)
Chung cảnh ngộ, hàng ngàn hộ dân sống dọc sông Ba ở các huyện Krông Pa, Kông Chro cũng vô cùng khốn khổ. Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, cho biết: Vào mùa khô, thủy điện chặn dòng khiến lượng nước không đảm bảo làm sạt lở bờ sông. Cũng vì thiếu nước, hai trạm bơm của huyện không có nước để hút nên nhiều lúc phải nằm chờ nước từ thủy điện. Một số đoạn sông khô cạn nên để có nước tưới, bà con phải nối ống dài cả trăm mét ra giữa sông để bơm nước rất tốn kém. Còn vào mùa mưa, thủy điện An Khê - Kanak xả lũ cũng làm dân hạ du khốn khổ.
Bà Đinh Thị Yến, Trưởng phòng TN-MT thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), bức xúc: ‘’Về cơ bản, từ khi thủy điện xây dựng, tôi chưa thấy người dân địa phương hưởng lợi gì từ thủy điện. Thậm chí có thời điểm thiếu nước, địa phương phải đi xin thủy điện xả nước’’. Còn ông Huỳnh Thành, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, cho biết, nhiều lần đi tiếp xúc cử tri, dân vùng hạ du cứ phàn nàn về hệ lụy thủy điện An Khê - Kanak. Họ phản ánh chuyện mùa khô thiếu nước, mùa mưa gây xói lở, ngập úng.
Dù mới bước vào đầu mùa khô, nhưng đoạn sông Srêpốk chảy qua địa phận huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đã cạn kiệt nước vì bị thủy điện Srêpốk 4A chuyển dòng chảy. Hàng trăm hộ dân ở các thôn 9, thôn Nà Ven (xã Ea Wer), buôn Jang Lành, buôn Trí A, buôn Trí B (xã Krông Na)… đang sống trong cảnh ‘’nhịn nước’’. Trong khi đó, nghề đánh cá của những người dân ở xã Krông Na cũng mất dần.
Anh Nguyễn Văn Thao cho biết: ‘’Trước đây, mỗi ngày đánh lưới họ cũng kiếm được vài ba ký cá. Từ khi thủy điện mọc lên, trên sông Srêpốk chẳng còn thấy bóng dáng con cá nào cả”! Đoạn sông Srêpốk chảy qua thôn 9 và thôn Nà Ven (xã Ea Wer) cũng có khoảng gần 1km đang trong tình trạng khô kiệt. Nhiều diện tích lúa nằm ven sông của người dân đang dần héo khô vì không có nước tưới, còn hàng chục giếng khoan cũng hết nước vì sông cạn làm mực nước ngầm giảm mạnh. Tại đoạn sông Srêpốk chảy qua địa phận Vườn quốc gia Yok Đôn, cũng có khoảng 3km bị cạn kiệt và gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây.
* Kỳ tiếp: Đánh đổi rừng đặc dụng
CÔNG HOAN - VÕ PHÚC
|