Ngày 8-10, tại một số địa phương tỉnh Quảng Bình lũ đã rút. Khi đi qua vùng lũ dữ PV Báo SGGP chứng kiến nhiều cảnh hoang tàn đổ nát sau lũ. Trong cảnh phờ phạc, nhiều người tính mạng được cứu sống đã kể về những con người dũng cảm giữa lũ dữ vẫn lao ra cứu đồng bào mình.
Xã Sơn Trạch (Bố Trạch), lũ lên đến mái nhà, hàng ngàn người kêu cứu. Tại thôn Xuân Tiến, lũ lên to, trưởng thôn Hoàng Văn Ninh (32 tuổi) có chiếc thuyền đã bươn lũ đi cứu dân trên từng nóc nhà.
Lũ hồng hộc vào thẳng từng nhà dân, Hoàng Văn Ninh để mặc đồ đạc, vợ con trong căn nhà lạnh giá nước bạc để đi cứu dân. Chuyến đầu tiên Ninh cứu sống 2 chuyên gia người Đức bị lũ dâng ngập văn phòng làm việc, đưa đến nhà cao tầng nhờ cho họ ăn uống. Chuyến tiếp theo của ngày lũ dâng cao nhất 5-6, Ninh lại cứu được một đoàn khách du lịch đang chen chân tại nhà văn hóa thôn. Đưa được những người khách đến nơi an toàn, Ninh lại nổ thuyền máy đi cứu dân.
Thuyền ra trước ngõ, vướng đường dây điện bị lật, Ninh vật lộn với dòng nước cuốn anh trôi xa hàng trăm mét, vướng vào bụi tre. Bằng kinh nghiệm từng sống vùng sông nước, Ninh bơi vào được nhà ông Nguyễn Văn Phú. Biết ông Phú có thuyền, đầy dầu máy, dù lạnh giá, một mình ướt sũng, anh mượn thuyền ông Phú tiếp tục đi cứu dân. Suốt 2 ngày, Ninh đã cứu được 200 người dân trong thôn mình và các thôn khác.
Bà Nguyễn Thị Trứ, 78 tuổi, được cứu thoát khỏi nước lũ ngập mái nhà nói: “May có thằng Ninh, hắn mần trưởng thôn mà không lo việc nhà, hắn đi cứu dân. Mấy trăm dân sống là nhờ hắn”. Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch Nguyễn Văn Hòa nói: “Ninh không chỉ cứu người vùng lũ mà giờ đây gia sản của anh trưởng thôn này đã trắng tay”.
Tìm hiểu mới biết, trong cơn lũ khốn cùng, anh để lại vợ cùng con ở nhà dọn lũ để đi cứu người. Ở nhà, chị Nguyễn Thị Tình (vợ Ninh) dọn không kịp, lũ cuốn mất ti vi, thóc gạo, áo quần, nhổ luôn căn nhà mà vợ chồng gom góp dựng nên. Bây giờ, Ninh và vợ phải ở nhờ nhà em trai. Nay anh đang ốm nặng vì dầm lâu dưới nước bạc.
Một thanh niên khác ở Sơn Trạch cũng đã nỗ lực cứu người, anh Lê Văn Điệp 29 tuổi. Lũ lên dữ, Điệp dùng thuyền máy gia đình đi cứu dân, vợ - chị Huế 28 tuổi, ôm đứa con 24 tháng ở nhà leo lên nóc tránh lũ trong mưa. Lũ nhấn chìm nóc, Huế lại dùng bè vượt nước qua nhà người quen tránh lũ. Điệp cứ thế theo lũ cứu người, hơn 200 người đã được cứu.
Ông Nguyễn Công Trứ, Phó Chủ tịch xã nói: “Anh Điệp là đoàn viên, nói được, làm được, trẻ nhưng gan dạ, cứu cả 200 người là chuyện có thật ở vùng quê rốn lũ”. Nhưng cũng như anh Ninh, khi Điệp trở về nhà sau lũ rút, căn nhà đã bị lũ cuốn sập hoàn toàn. Cả nhà lại dắt díu đi ở nhờ hàng xóm. Cả làng Xuân Tiến ai cũng biết ơn Điệp.
Ông Lê Anh nói mừng: “Làng có thằng Điệp mới sống, hắn thương người, cứu sống dân làng, chừ hắn mất nhà, không chi ăn, làng gom góp thổi lửa cho vợ con hắn ăn ấm lòng mà sống cùng dân”.
Một người khác đã già, 76 tuổi nhưng rất thương dân làng trong lũ, ở xã Hạ Trạch, ông Lưu Trọng Tham khi thấy lũ lên mái nhà, đã chèo thuyền đi cứu dân lên núi tránh lũ. Trong đêm 5-10, khi cơn lũ dữ tràn về, ông Tham mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn một mình chèo thuyền vượt dòng nước lũ cứu những người dân gặp nạn trong xã. Chuyến đầu ông đưa được 20 người thoát chết trong dòng lũ lớn, chuyến thứ hai vừa mới ra được khỏi rặng tre, ông đã bị sóng dữ đánh úp thuyền. Ông đã ra đi. Ông mất nhưng người làng mãi biết ơn ông đã để cho 20 người được sống.
4.200 nhân khẩu của 903 hộ ở xã Liên Trạch đã gánh một trận lũ khốc liệt. Có 8 người chết, hơn 100 căn nhà bị đổ và cuốn trôi, hàng trăm tấn lúa gạo bị nước thổi bay ra sông. Hiện cả 4.200 con người trông chờ 500 thùng mì tôm cứu trợ lần đầu của huyện để dìu nhau qua bao gian khó bởi thiên tai.
MINH PHONG