Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng phải đi xa, nhìn từ xa để thấy gần hơn nơi ta đang sống. Xa mà gần, gần mà xa, như cha ông hay nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” hay “bụt chùa nhà không thiêng”, cứ phải thoát ly cái lũy tre làng với ao tù, hương ước, sự tù túng, ngột ngạt bên trong để mở rộng tầm nhìn, vừa thấy được tổng thể lẫn những chi tiết của những vấn đề đặt ra. Đi để trở về với tâm thế khác của một thời hội nhập trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc “tình làng, nghĩa xóm”.
Bởi vậy, dịp cuối tuần, người viết cũng đi thật xa sang tận nước Nga xa xôi với băng tuyết, với thảo nguyên bát ngát, với một nền văn hóa độc nhất vô nhị có đính kèm (khả dụng) cả một núi tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Tất nhiên là đi “ảo” theo kiểu “du lịch qua màn ảnh nhỏ” với những cú click chuột không visa, không biên giới mà vẫn có được cảm giác mình dường như nghe thấy tiếng chuông đồng hồ điện Kremlin đổ dài.
Đập vào mắt trước tiên là phóng sự trên kênh truyền hình nhà nước Nga RT về cuộc họp của Tổng thống Putin với Hội đồng Khoa học và Giáo dục Liên bang Nga có trích thảo luận việc Viện Hàn lâm Khoa học Nga mới bầu bổ sung một số viện sĩ và viện sĩ thông tấn là các quan chức nhà nước hàm từ thứ trưởng trở lên:
Tổng thống Putin tuyên bố: Nếu họ đúng là các nhà khoa học xuất sắc thì tôi buộc phải tạo điều kiện cho họ làm khoa học vì với họ hoạt động này quan trọng hơn công tác quản lý.
Tiếp đó, ông quay sang Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga V.Fortov, đang hốt hoảng nhìn vào ống kính truyền hình: “Ông cho biết tại sao viện lại làm vậy? Họ có thật là những nhà khoa học xuất sắc mà thiếu họ viện không thể hoạt động được? Đó là câu hỏi thứ nhất, câu hỏi thứ hai là tôi phải làm gì với họ?”.
Ông Fortov thất thần: “Tất cả đều nói rằng đã được phép của cơ quan chủ quản…”.
Tổng thống Putin cắt ngang: “Câu hỏi không phải vậy. Họ có thật sự là những nhà khoa học xuất sắc để buộc phải là viện sĩ và viện sĩ thông tấn?”.
Dạ, họ đã trải qua toàn bộ cuộc thi công bằng, không ngoại lệ…
Ông chưa trả lời câu hỏi của tôi. Và thế nghĩa là họ là những nhà khoa học xuất sắc? - Tổng thống Putin lại cắt ngang câu trả lời.
Fortov trong tình huống không lối thoát, giống như bị chiếu tướng sắp hết cờ. Thú nhận rằng quan chức là các nhà khoa học tầm cỡ thế giới thì lương tâm không cho phép mà nói ngược lại thì còn đâu thanh danh của Viện Hàn lâm Khoa học.
Dạ, họ xứng đáng được bầu chọn, - cuối cùng Chủ tịch viện cũng ấp úng nói.
Tổng thống Putin mỉm cười, hỏi một lần nữa: “Nghĩa là họ là những nhà khoa học xuất sắc?”.
Fortov giương cờ trắng: “Dạ, họ quả thật là như vậy”. Và Tổng thống Putin kết luận: “Tôi sẽ để họ làm khoa học. Nó quan trọng hơn công việc quản lý nhàm chán. Với những ai lựa chọn cho mình con đường sáng tạo khoa học tôi chúc họ thành công. Làm việc gì cũng phải tận lực, toàn tâm không thể có chuyện làm tốt cả 2 nhiệm vụ cùng lúc”.
Đấy là trích đoạn phóng sự đường xa mà ngẫm lại sao giống với chúng ta thế. Nó giống như câu hỏi từng làm trăn trở chàng hoàng tử Hamlet “tồn tại hay không tồn tại?”, phải rũ bỏ hư danh hay để cái hữu danh bám chặt cái tôi suốt đời? Đến giờ chúng ta đã có một đội ngũ khoa học hùng hậu bậc nhất Đông Nam Á với số lượng tiến sĩ khoa học tới 22.000 người và mục tiêu 20.000 tiến sĩ cho ngành giáo dục đến năm 2020 - theo như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga - là khả thi, trong tầm tay. Đó là điều đáng mừng. Ít nhất là về số lượng. Song chất lượng - giống như ở nước Nga xa xôi - lại là vấn đề báo động. Nhiều người bâng khuâng: tiến sĩ nhiều thế mà sao cái đinh vít cũng không làm nổi?, rồi chuyện “phổ cập hóa” tiến sĩ đến mức cán bộ một phường ở Hà Nội cũng không thể giảm biên được vì lỗi… có bằng tiến sĩ… thì thật hết nói!
Phải nói thẳng chưa bao giờ bộ máy nhà nước của chúng ta có nhiều tiến sĩ đến vậy, cấp phường có tiến sĩ, cấp huyện càng nhiều, cấp sở nhiều hơn nữa, cứ thế theo cấp số nhân lên trên nữa. Nghĩa là nếu xây Văn Miếu thì không biết kiếm đâu ra đất để đặt bia tôn vinh! Mà nhìn vào cơ cấu phân bổ tiến sĩ mới thấy sự hụt hẫng kinh khủng khi chín phần mười trong số họ đều theo chuyên ngành khoa học xã hội hoặc kinh tế - những ngành mà nhiều người nói có “cũng không chết ai” đều không làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người hoặc cũng chẳng tác hại đến an ninh quốc gia. Tóm lại, cái ta cần thì không có, cái ta có thì lại ít cần cho cuộc sống. Từ nước Nga trở về, lại lướt mạng đọc được bài báo về một chàng trai sinh năm 1982, quê Hà Nội, chỉ học hết phổ thông đã chế tạo loại máy nông nghiệp có 15 chức năng bán khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước và còn xuất khẩu sang Lào mà thấy mừng. Mừng cho người nông dân đã không còn phải cắm mặt xuống đất, nhưng buồn cho các viện sĩ chỉ biết ngửa mặt nhìn trời đoán xem người dân cần gì cho đời bớt cơ cực. Và nhìn gần nữa, lại đọc được bài tường thuật tỉnh Sóc Trăng cử cán bộ trong đó có GS Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua, người sáng chế ra giống lúa thơm ST nức tiếng sang Campuchia học trồng lúa hữu cơ và kinh nghiệm làm sao họ có giống lúa thơm ngon nhất thế giới bán với giá gần 1.500 USD/tấn trong thời giá lúa gạo ảm đạm trên thị trường chung. Cũng lại mừng khi chúng ta đã trở lại mặt đất ở những lĩnh vực trong nhiều năm ta cứ tưởng mình là nhất.
Xa mà gần, gần lại thấy xa. Và rõ ràng phải tách bạch giữa làm khoa học và làm nhà quản lý như nước Nga đang thực thi. Hãy nhớ rằng chúng ta làm ra 10 đồng thì tiêu hết 7 đồng, 1 đồng để trả nợ, chỉ còn 2 đồng dành cho các hoạt động đầu tư - phát triển, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực. Như thế mới thấy quý những nhà khoa học thực sự vì dân, vì sự phát triển đi lên của đất nước, chứ không phải sự giả danh khoa học với cái mác bằng cấp này kia. Xa mà gần, ở đâu cũng vậy, cũng có quan niệm bộ cánh không làm nên thầy tu.
BÍCH AN