Xắn tay giải quyết

Lần chất vấn này tại Quốc hội cũng là một sự tổng kết trách nhiệm của cả nhiệm kỳ. Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn qua cách thức đổi mới chất vấn: không chất vấn theo từng thành viên Chính phủ mà chất vấn theo vấn đề, “động” đến lĩnh vực nào, vị bộ trưởng, trưởng ngành đó phải trả lời.

Lần chất vấn này tại Quốc hội cũng là một sự tổng kết trách nhiệm của cả nhiệm kỳ. Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn qua cách thức đổi mới chất vấn: không chất vấn theo từng thành viên Chính phủ mà chất vấn theo vấn đề, “động” đến lĩnh vực nào, vị bộ trưởng, trưởng ngành đó phải trả lời.

Đúng như nhận xét của đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), bằng cuộc tổng rà soát của Quốc hội đợt này đã khẳng định rằng, chúng ta không quên, không bỏ sót những gì đã đặt ra đối với Chính phủ với các bộ ngành, địa phương. 

Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về kết quả chất vấn và triển khai các nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII tới nay cho thấy sự cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan địa phương trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình đối với những vấn đề dân sinh bức xúc đã được đặt ra. Một số ngành, bằng quyết tâm, trí tuệ đã tập trung giải quyết những vấn đề, đạt được những vấn đề cụ thể. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đưa ra ví dụ cụ thể: Bộ GTVT đã giảm được vấn đề ùn tắc giao thông, giảm một số tiêu chí về tai nạn giao thông; ngành ngân hàng giải quyết được một số ngân hàng hoạt động yếu kém; ngành xây dựng đã không để cho thị trường bất động sản xảy ra đổ vỡ. Một số bộ trưởng, trưởng ngành cũng luôn kịp thời xuất hiện ở các điểm nóng. Đưa ra những hành động đầy trách nhiệm xử lý những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, được nhân dân hoan nghênh.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ vẫn còn có những vấn đề cử tri chưa yên tâm. Tham nhũng vẫn là vấn đề nhức nhối nhất trong đời sống, nhưng theo phản ánh của cử tri thì cứ vào năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội, trước đại hội Đảng các cấp, cuộc đấu tranh này chưa được đẩy lên quyết liệt đúng mức. Trong bối cảnh hiện nay, hàng triệu người dân đang vật lộn với chi tiêu sinh hoạt ở mức lương vài triệu đồng/tháng thì nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ ở vị trí thấp giàu lên một cách rất nhanh chóng. Như vậy, việc xử lý hiện tượng tham nhũng chưa được mạnh mẽ. Tương tự, vấn đề chủ quyền biển đảo dù Chính phủ đã nhiều lần báo cáo trước cử tri, đã trả những câu hỏi chất vấn trước Quốc hội, nhưng cho đến nay, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời trọn vẹn. Điều đó khiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn lại đau đáu nợ cử tri câu trả lời dứt khoát. Hay như vấn đề lương thực, thực phẩm bị nhiễm độc, nguyên nhân dẫn đến những cái chết được báo trước mà hàng chục triệu người dân Việt Nam đang hàng ngày nơm nớp lo sợ... vẫn chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết. Nhiều vị ĐBQH đã tâm tư, họ đại diện cử tri không chỉ là đại diện về quyền lực pháp lý, mà đại diện cả ý chí, tình cảm cử tri. Chừng nào mà cử tri vẫn chưa chưa yên lòng với vấn đề chưa có lời giải đáp thì chừng đó ĐBQH chưa thôi day dứt.

Báo cáo trước Quốc hội sáng 16-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành. Một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài đang được triển khai tích cực. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng thực tế là có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân ngoài lý do có bất cập trong cơ chế, chính sách, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian, còn do việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ. Trong bối cảnh mà nợ công tăng cao, ngân sách khó khăn, chi tiêu tiền nhà nước vẫn bị kêu lãng phí, bất cập; sức cạnh tranh của nền kinh tế chậm được cải thiện; ngày càng nổi lên nhiều vấn đề xã hội đáng lo ngại... thì người dân đòi hỏi và chờ đợi hơn bao giờ hết các thành viên Chính phủ sẽ nâng cao trách nhiệm của mình. Còn nhiều, rất nhiều những vấn đề nóng, bức xúc của cuộc sống đòi hỏi phải được các bộ trưởng “xắn tay” vào cuộc. Không chỉ là những phát biểu đầy tâm huyết, trăn trở khiến người dân mát lòng; không chỉ là những cam kết, lời hứa khiến xã hội hy vọng..., nhân dân đang mong mọi phát biểu, lời hứa của các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ phải biến thành hành động thực sự, thành kết quả thực sự.

Vẫn biết rằng các bộ trưởng là chính khách, là những người giúp Chính phủ xây dựng và hoạch định chính sách chứ không phải làm những nhiệm vụ quá cụ thể, tỉ mỉ. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay khi mà “trên bảo dưới chưa chắc đã nghe”, “trên nói một đằng dưới làm một nẻo” thì việc những người lãnh đạo xuống hiện trường, trực tiếp xắn tay giải quyết các vụ việc bức xúc, tồn đọng là hết sức cần thiết. Việc các bộ trưởng, trưởng ngành sâu sát hơn nữa trong việc giải quyết thực tế chính là sự mong mỏi của các ĐBQH, là mong mỏi chung của toàn thể người dân, cử tri.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục