Xây bãi đậu xe, vẫn rất khó

Phương tiện vận tải ở TPHCM tiếp tục tăng nhanh, vì thế nhu cầu bãi đậu xe cũng đang nóng lên. Đặc biệt ở những khu vực quá tải về đường sá, phương tiện giao thông các loại phải dừng, đậu trên lòng, lề đường. Thế nhưng, theo nhiều nhà đầu tư, việc xây dựng bãi đậu xe ở TPHCM vẫn… cực khó.
Xây bãi đậu xe, vẫn rất khó

Phương tiện vận tải ở TPHCM tiếp tục tăng nhanh, vì thế nhu cầu bãi đậu xe cũng đang nóng lên. Đặc biệt ở những khu vực quá tải về đường sá, phương tiện giao thông các loại phải dừng, đậu trên lòng, lề đường. Thế nhưng, theo nhiều nhà đầu tư, việc xây dựng bãi đậu xe ở TPHCM vẫn… cực khó.

Lo giá giữ xe

Luật Phí và Lệ phí năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 tới đây, đã xác định chi phí cho dịch vụ giữ xe là giá, không phải là phí. Phí khác giá ở chỗ, mức phí như thế nào do Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh có quyền phê duyệt. Giá ra sao, chủ yếu do nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm chủ động xây dựng. Cơ bản là thế, tuy nhiên, cũng theo Luật Phí và Lệ phí năm 2015, chi phí cho dịch vụ giữ xe tuy đã được xác định là giá song lại là giá do Nhà nước quy định.

Ô tô đậu vào nơi cấm trên đường Alexandre De Rhodes (quận 1).  Ảnh: ĐỨC TRÍ

Mặc dù quyết tâm theo đuổi dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới Sân khấu Trống Đồng, nhưng chủ đầu tư công trình là Tập đoàn Đông Dương vẫn tỏ ra lo lắng trước quy định này. Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Đông Dương cho biết, do rất tâm huyết với nghề xây dựng và quan trọng hơn nữa, do Tập đoàn đã đeo đuổi dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm này từ gần 10 năm nay nên không thể không triển khai thực hiện công trình. Thế nhưng, thực lòng, bà cũng như nhiều lãnh đạo trong đơn vị rất băn khoăn khi bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng xây dựng bãi đậu xe mà lại không thể chủ động quyết định giá giữ xe. “Ngày trước, TPHCM có chủ trương ưu đãi bằng cách hỗ trợ lãi suất vay đầu tư, miễn giảm một phần tiền sử dụng đất thì việc Nhà nước can thiệp vào giá giữ xe do chủ đầu tư xây dựng còn có thể hiểu được. Nay Nhà nước không còn ưu đãi gì, sao vẫn muốn định giá giữ xe cho doanh nghiệp?”, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh nói. Một nhà đầu tư xây dựng bãi đậu xe khác (xin được phép giấu tên) còn so sánh: nhiều hoạt động đầu tư xây dựng khác có vai trò xã hội quan trọng không kém, thậm chí trong nhiều trường hợp còn hơn hẳn như xây nhà, phát triển bất động sản…, nhà đầu tư còn được quyền chủ động xây dựng giá bán cho sản phẩm của mình. Tại sao nhà đầu tư xây dựng bãi đậu xe lại không?

Chưa kể, theo như bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh nhận xét, việc trở bộ của nhiều cơ quan nhà nước thường rất chậm so với chuyển động của thị trường: “Đã mấy năm nay, giá giữ xe ở nhiều nơi do Nhà nước quy định tại TPHCM vẫn giữ nguyên. Trong khi đó, giá nhiều loại vật liệu xây dựng, mức lương, thưởng cho nhân viên… đã phải tăng lên đến hàng mấy chục phần trăm. Kinh doanh trong bối cảnh như vậy, ai dám làm?”. “Các dự án xây dựng bãi đậu xe đã hoàn thành trong thời gian qua chủ yếu là các bãi đậu xe của các doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan nhà nước chuyển bộ chậm thì doanh nghiệp nhà nước chịu được; còn các doanh nghiệp tư nhân hoặc cổ phần như chúng tôi, sao dám?”, nhà đầu tư xin được giấu tên nêu trên nhận xét.

Lo… không có xe vào

Câu chuyện sau đây đã xảy ra gần 10 năm nhưng nhiều nhà đầu tư xây dựng bãi đậu xe vẫn nhắc lại để… răn mình. Hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư của TPHCM, một doanh nghiệp có tiếng trong làng vận tải đã quyết định xây dựng một bãi đậu xe ở khu vực cửa ngõ đi về miền Tây Nam bộ của thành phố. Nhà đầu tư ước tính, lưu lượng xe, đặc biệt là xe tải từ TPHCM về miền Tây và ngược lại rất lớn. Khi vào TPHCM đúng giờ cao điểm, họ sẽ phải dừng, đậu chờ ở khu vực cửa ngõ. Đây sẽ là lượng khách hàng lớn cho bãi đậu xe. Thế nhưng, bãi đậu xe xây xong, nhiều tháng trôi qua vẫn chỉ có lèo tèo vài xe vào lưu đậu. Không quá khó để nhà đầu tư này biết được nguyên nhân. Nhiều tuyến đường ở khu vực cửa ngõ gần với bãi xe vẫn cho xe tải lưu đậu trên lòng đường. Vào bãi giữ xe phải tốn phí còn lưu đậu trên lòng đường chẳng mất đồng nào hoặc có thì rất ít (thời điểm đó), tại sao xe phải vào bãi? Nhà đầu tư đã có nhiều văn bản “kêu” với ngành chức năng, đề nghị cấm xe dừng, đậu trên đường. Cho rằng Nhà nước không thể ép xe vào bãi, nhiều sở, ngành liên quan đã “quay lưng” với đề nghị này. Kết quả, nhà đầu tư buộc phải cho dự án phá sản.

Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư các cao ốc trong nội thành cũng muốn khi đầu tư xây dựng hầm ngầm đậu xe cho cao ốc của mình, làm thêm vài hầm nữa để giữ xe cho khách vãng lai. Thế nhưng, cứ nhớ lại câu chuyện nêu trên, họ lại ngại. Nhất là khi, nhìn nhiều cao ốc hiện tại dù xây thêm 3-4 tầng ngầm làm bãi đậu xe nhưng rất ít khi đầy xe. Nhiều ô tô vẫn dừng, đậu “vô tư” dưới lòng, lề đường của nhiều tuyến đường gần đấy.

Không phải là doanh nhân nhưng thạc sĩ Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cũng cho rằng, với việc cho xe dừng, đậu tràn lan trên nhiều tuyến đường như hiện nay, không khuyến khích các nhà đầu tư xây bãi đậu xe. Đáng lẽ, các cơ quan chức năng phải liên tục cập nhật nhu cầu lưu đậu xe với khả năng cung ứng chỗ đậu xe của từng khu vực. Nơi nào đã có bãi đậu xe (có thể là hầm đậu xe ngầm của các cao ốc) thì nên hạn chế cho xe dừng, đậu ở các tuyến đường gần đó. “Phải nghĩ đây là một trong những giải pháp giữ gìn trật tự an toàn giao thông, không để cho lòng, lề đường bị lấn chiếm, mà hành xử thì mới có quyết tâm làm”, thạc sĩ Lê Trung Tính nói. Cũng theo thạc sĩ Lê Trung Tính, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã dùng công cụ “giá giữ xe” để hạn chế xe cá nhân. TPHCM đang quá tải về giao thông nên hoàn toàn có thể tham khảo kinh nghiệm này. Bên cạnh giá giữ xe do nhà đầu tư đưa ra, TPHCM có thể đặt thêm phí ra vào, lưu đậu xe trong nội thành để thực hiện mục tiêu hạn chế xe cá nhân. Khoản phí này có thể nhờ chủ đầu tư các bãi giữ xe thu hộ, sau đó hoàn trả cho Nhà nước.

Gần 10 năm trước đây, hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu xe của thành phố, nhiều doanh nghiệp đã xin được thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 3 bãi đậu xe cao tầng lớn được xây dựng. Đó là bãi đậu xe của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và một doanh nghiệp tư nhân sử dụng chính đất của gia đình để xây. Tổng công suất lưu đậu xe của các bãi này vào khoảng 10.000 chỗ. Các dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm như bãi đậu xe ngầm dưới Công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng… vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Trong khi đó, theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, hiện TP có khoảng 7,45 triệu xe cá nhân, tăng gấp 1,5 lần so với 3 năm trước. Với số phương tiện như trên, cộng thêm số phương tiện từ các tỉnh, thành đổ về, mỗi ngày TP có khoảng 10 triệu phương tiện lưu thông. Mật độ đường giao thông chỉ đạt 1,9km/km2, thấp hơn quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng là 10 - 13,3km/km2. Mỗi ngày, công an TP tiếp nhận đăng ký mới 150 ô tô, 900 xe máy. Do vậy, nếu để tình trạng xe lưu đậu trên lòng, lề đường như hiện nay, giao thông TPHCM đã khó khăn còn khó khăn hơn.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục