Gần 10 năm nay, TPHCM đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng bến bãi vận tải cho tất cả các loại hình vận tải. Thế nhưng, đến nay TPHCM vẫn thiếu trầm trọng bãi dừng, đậu xe và tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông của thành phố. PV Báo SGGP đã trao đổi với Thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành VTHKCC thuộc Sở GTVT TPHCM về vấn đề này.
Mạnh dạn thực hiện các cơ chế mới
- PV: Thời gian gần đây Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM liên tiếp thỏa thuận được với các trường đại học, dành đất cho Liên hiệp làm bến bãi dừng, đậu để đưa đón sinh viên - hành khách ngay trong khuôn viên trường hoặc ký túc xá của trường. Từ việc này, ông nghĩ gì về việc hình thành các điểm đầu, điểm cuối, các bến bãi đưa đón khách của các tuyến xe buýt - vốn rất thiếu ở TPHCM?
>> Thạc sĩ LÊ TRUNG TÍNH: Theo Quyết định số 101 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể Phát triển Giao thông Vận tải TPHCM đến năm 2020, từ năm 2007, tổng quỹ đất dành cho bến bãi đối với tất cả các loại hình vận tải trên địa bàn thành phố là 1.141ha. Tuy nhiên cho đến hết tháng 9-2013, thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho thấy, quỹ đất dành cho hoạt động xe buýt mới chỉ đạt khoảng 30% so với yêu cầu (khoảng 26ha trong tổng số 81ha).
Quỹ đất dành cho bến bãi nói chung của các loại hình vận tải mà Sở GTVT TPHCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cùng các quận, huyện thống nhất được bằng văn bản tuy đã đạt khoảng 90% so với yêu cầu song việc thỏa thuận này cũng chỉ mới dừng trên giấy, chứ chưa được UBND TPHCM ra văn bản duyệt và công bố. Do đó, việc bến bãi dành cho xe buýt đậu đỗ hiện nay nói riêng và các loại hình bến bãi dành cho các phương tiện giao thông khác còn thiếu rất nhiều. Hiện vẫn còn khá nhiều điểm đầu - cuối tuyến xe buýt phải sử dụng lòng lề đường để đậu đỗ.
Chính vì lẽ đó, việc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM thỏa thuận được với các trường đại học, xây dựng điểm đến cuối cùng cho nhiều tuyến xe buýt của Liên hiệp, dành đất cho Liên hiệp làm bến bãi dừng, đậu và đưa đón sinh viên - hành khách đáng được hoan nghênh.
Thế nhưng, để khuyến khích hơn nữa những việc làm tương tự, tôi cho rằng, chính quyền thành phố cần mạnh dạn thực hiện các cơ chế như: Quyền sử dụng đất các bến bãi này thuộc về các đơn vị đã được giao, nhưng nếu các bến bãi xây dựng trên đất phù hợp với quy hoạch thì giao cho Trung tâm QLĐH VTHKCC thuộc Sở GTVT quản lý. Về quyền quản lý trực tiếp, TPHCM tạm thời giao cho những đơn vị đã hoặc sẽ bỏ vốn đầu tư vào bến bãi này với một số điều kiện: được miễn các khoản thuế đất; đồng thời cho phép họ thu lệ phí bến (nếu là bến dành chung cho nhiều đơn vị vận tải cùng hoạt động) như là một cách hoàn vốn với thời gian giao đủ để đơn vị vận tải hoàn lại khoản tiền đã bỏ ra đầu tư; dưới sự giám sát của Trung tâm QLĐH VTHKCC.
- Theo ông có thể khuyến khích cách làm này ở tất cả các đơn vị vận tải?
Thực ra, cách làm nêu trên mới chỉ ở mức hấp dẫn được với một số đơn vị vận tải vừa có nguồn vốn tối thiểu (đủ để đầu tư) và vừa có nhu cầu đậu đỗ xe bởi nếu họ không bỏ vốn ra đầu tư thì họ phải đi thuê và trả phí cho đơn vị có bến bãi, chứ chưa thể hấp dẫn những đơn vị khác.
Chế tài đối với các đơn vị thiếu trách nhiệm
- Vậy theo ông cần có cơ chế nào cho việc dành đất đầu tư xây dựng các bến bãi, điểm dừng, nhà chờ cho xe buýt?
Theo tôi, để cho các bến bãi thuộc hệ thống xe buýt TPHCM phát huy tác dụng, vừa tạo thuận lợi để thu hút khách đi lại, vừa góp phần thiết thực trong việc giảm tai nạn giao thông, giảm ách tắc giao thông; đồng thời tạo vẻ mỹ quan cho thành phố, chúng ta không chỉ cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và Sở GTVT, mà còn cần có sự hỗ trợ trực tiếp của các ban ngành khác như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc dưới sự điều hành trực tiếp của UBND TPHCM.
Trong đó trách nhiệm được phân công khá rõ ràng như sau: Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác lập và công bố quy hoạch bến bãi đầy đủ và đúng theo quy định, Sở GTVT lên kế hoạch xây dựng bến bãi cho từng giai đoạn, phù hợp với nhu cầu phát triển hệ thống VTHKCC nói riêng và vận tải nói chung, Sở Kế hoạch - Đầu tư phân bổ nguồn vốn đủ và đáp ứng được tiến độ phát triển hệ thống bến bãi, Sở Tài chính cung cấp đủ vốn cho công tác đầu tư. UBND các quận, huyện dành đất (theo quy hoạch) và phối hợp thực hiện trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo điều kiện trật tự - vệ sinh - an toàn cho các bến bãi trạm dừng, nhà chờ…
Ngoài ra, rất cần một chính sách ưu đãi đầu tư đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư ngoài ngành vận tải tham gia đầu tư chứ không chỉ là những đơn vị vận tải có yêu cầu như Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM hiện nay.
Về lâu dài, UBND TPHCM cần sớm công bố danh mục các bến bãi theo quy hoạch mà Sở GTVT và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã thống nhất với các quận, huyện. Trên cơ sở đó, UBND TP giao cho UBND các quận huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (đối với những bến bãi thuộc hệ thống xe buýt) và giao quỹ đất này cho ngành GTVT để triển khai thực hiện. Bến bãi phục vụ cho xe buýt không thể có lãi trừ trường hợp thành phố có chính sách cho các nhà đầu tư này kinh doanh phụ nhằm tìm kiếm thêm lợi nhuận. Riêng đối với những bến bãi khác như bến bãi cho taxi, cho ô tô cá nhân, xe tải.. sẽ giao cho các nhà đầu tư có khả năng thực hiện công tác đền bù giải tỏa theo chính sách khuyến khích hoặc ưu đãi mà thành phố sẽ ban hành trong thời gian tới.
- Ông có nghĩ rằng nên có chế tài đối với các hành vi cản trở việc thu hút đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng bến bãi vận tải dành cho xe buýt nói riêng và bến bãi vận tải nói chung?
Nếu nói về chế tài trong trường hợp này thì chế tài đầu tiên là phải dành cho một số đơn vị chức năng đã và đang thiếu trách nhiệm trong việc bố trí quỹ đất cũng như chưa đề ra những cơ chế chính sách cho việc phát triển hệ thống bến bãi như hiện nay.
| |
NGUYỄN KHOA (thực hiện)