Bến bãi vận tải đường bộ trên địa bàn TPHCM không những là nhu cầu có thật mà còn cần phát triển nhanh.
Cầu cao hơn cung
Nhu cầu chính đáng và bức xúc này ít nhiều đã phần nào phản ánh qua kiến nghị mới đây nhất vừa được Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM nêu ra khi thí điểm xây dựng bến taxi khu trung tâm quận 1 theo hình thức xã hội hóa. Có một thực tế, lâu nay khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt những nơi tập trung đông khách du lịch như tại các phường Bến Thành, Bến Nghé (quận 1), luôn xảy ra tình trạng taxi dừng đỗ không đúng nơi, đúng chỗ. Du khách nước ngoài cần xe taxi và bản thân xe taxi cũng cần khách và mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu có bến bãi cho taxi lưu đậu hợp pháp trong khu vực.
Xe buýt đậu trong Công viên 23-9 Ảnh: CAO THĂNG
phương tiện vận tải đường bộ duy nhất bức xúc về bến bãi, bởi vì xe buýt và kể cả ô tô cá nhân các loại cũng có nhu cầu giống thế. Nhu cầu ấy càng lúc càng cao, tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế đất nước và tốc độ bùng nổ phương tiện. Ngay từ những năm cuối của thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, cơ quan chức năng đã rà soát xác định chi tiết về quỹ đất, các địa điểm cụ thể dành cho xây dựng hệ thống bến bãi vận tải. Kết quả là đã thống kê được hơn 67,7ha vị trí các bến bãi hiện có. Trong số này thực tế chủ yếu là đầu mối trung chuyển hành khách, chiếm 23,74ha; trung tâm tiếp chuyển hàng hóa với 27,7ha; bến kỹ thuật chuyên dụng xe buýt vỏn vẹn 9,77ha; bãi đậu ô tô và bến taxi gộp lại cũng chưa đầy 6ha, còn bến xe liên tỉnh chỉ 0,9ha! Những số liệu khiêm nhường mặc nhiên giải thích vì sao bến bãi dành cho đậu ô tô tại TPHCM chỉ mới “đạt” tỷ lệ 0,6% quy hoạch; bến xe liên tỉnh chỉ 1,1%; tương tự bến kỹ thuật chuyên dụng dành cho xe buýt là 18,9%; bến taxi chỉ 7,68%...
Một điểm đáng chú ý là không phải toàn bộ 67,7ha đang là vị trí bến bãi nêu trên đều thuộc quyền quản lý của Sở GTVT. Bởi vì thực ra sở này chỉ quản lý chưa đầy 10ha trong số đó và đa phần đều là các bến bãi xe buýt nhỏ lẻ. Tính ra các “bến bãi xe buýt nhỏ lẻ” ấy chỉ chiếm khoảng 11% so với các bến bãi hiện có và chỉ bằng 0,66% so với với tổng diện tích quy hoạch. Phần tỷ lệ 89% các bến bãi hiện có còn lại thuộc quyền quản lý của quận huyện, các trường và các doanh nghiệp! Theo Sở GTVT, TPHCM đang rất thiếu bến bãi cho nhu cầu đậu đỗ đối với các phương tiện vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa, đặc biệt đối với các bến bãi dành cho vận tải hành khách công cộng như bến trung chuyển xe buýt, bến taxi và bến chuyên dụng xe buýt. Các chuyên gia chỉ ra một dẫn chứng bất cập từ thiếu bến bãi vận tải, đó là tình trạng các điểm đầu - cuối bến của không ít tuyến buýt đều phải sử dụng lòng lề đường để lưu đậu phương tiện trong khi chờ tài xuất bến. Hậu quả kéo theo từ sự “xuống đường” này của các xe buýt trong lúc chờ tài xế làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, đặc biệt ảnh hưởng đến an toàn giao thông và không thuận lợi cho việc đón trả khách.
Chậm triển khai các dự án
Trong khi đó tình trạng thiếu các khu bãi hậu cần chuyên dụng đã khiến cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng buýt phải lưu đậu qua đêm trên đường hoặc tá túc tại nhà do chủ phương tiện quản lý còn gây ra một tác hại khác: xe buýt nằm “vật vạ” như thế hầu như không được thực hiện hoặc không thực hiện được đầy đủ chế độ bảo dưỡng, bảo trì, bàn giao ca… và rồi toàn bộ những yếu tố ấy quay lại ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của chính bản thân các phương tiện vào ngày hôm sau!
Trước thực trạng này, cách đây nhiều năm, Sở GTVT đã khẩn trương rà soát, xác định quỹ đất dành cho bến bãi phục vụ cho GTVT ở các quận huyện. Từ những rà soát ấy, Sở GTVT cũng đã khoanh vùng, nhận diện các địa điểm cụ thể thuộc diện hoàn toàn có thể phù hợp cho việc xây dựng hệ thống bến bãi vận tải. Sở GTVT cũng đã xác định sơ bộ quỹ đất phục vụ giao thông tĩnh là 643,34ha trong tổng số 1.141ha theo quy hoạch, bao gồm các bến bãi hiện có và đã xác định với quận huyện, tính ra đạt tỷ lệ khoảng 56,38% và tăng gần 9,4 lần so với diện tích bến bãi hiện hữu. Điểm tích cực là tuy quỹ đất đã xác định cho hệ thống giao thông tĩnh chỉ dừng lại ở ngưỡng 56,38% nhưng nhìn chung con số ấy đã đáp ứng tương đối đầy đủ đối với các danh mục bến bãi theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu đậu đỗ cho các loại hình phương tiện giao thông trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, từ bến kỹ thuật chuyên dụng xe buýt, đầu mối trung chuyển hành khách, bến xe liên tỉnh, bãi đậu ô tô, bến taxi… cho đến kho thông quan nội địa.
Nói cách khác, vấn đề của thành phố hiện nay không phải là không có đất để phát triển bến bãi vận tải đường bộ, mà câu hỏi là khi nào và như thế nào các bến bãi ấy được triển khai trong thực tế.
THIỆN NHÂN