Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đoàn viên công đoàn

Khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH
Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đoàn viên công đoàn

Ngày 20-9, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về tình hình người lao động (NLĐ). Nhiều vấn đề bức xúc như khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH; xây nhà ở cho công nhân..., đang được công đoàn chuẩn bị triển khai.

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đoàn viên công đoàn ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến ngày 31-5-2016, cả nước có trên  9,2 triệu đoàn viên công đoàn, trong đó khu vực nhà nước có trên 4 triệu đoàn viên; khu vực ngoài nhà nước có trên 5 triệu đoàn viên. Một trong những vấn đề bức xúc của NLĐ hiện nay là doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã cùng MTTQ Việt Nam, Bộ LĐTB-XH, BHXH Việt Nam, Thanh tra Chính phủ tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp tại 4 tỉnh thành Hà Nội, Hà Tĩnh, TPHCM, Bình Dương. Đặc biệt, Tổng LĐLĐ cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức tập huấn cho các cấp công đoàn về công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để thí điểm tiến hành khởi kiện một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, an toàn vệ sinh lao động tại một số địa phương.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, công đoàn sẽ phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, BHXH thí điểm 1-2 vụ khởi kiện một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, BHXH, an toàn vệ sinh lao động.

Trước thông tin này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoan nghênh việc thực hiện khởi kiện nhưng đề nghị cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, cả về con người, lực lượng để triển khai hiệu quả. Mặt trận cũng sẽ tiếp tục phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách BHXH đối với NLĐ.

Xây dựng các thiết chế công đoàn các KCN-KCX

Theo ông Bùi Văn Cường, thực tế nhức nhối hiện nay là đoàn viên, NLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) rất khó khăn về nhà ở, không có nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, nơi gửi trẻ. Điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy xấu trong suốt những năm qua. Trước tình hình này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX. Đề án đặt mục tiêu từ 2016 đến năm 2017 sẽ hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX; từ năm 2017 - 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX. Đến năm 2030, phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn để nâng cao đời sống và tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực (nhà ở, nhà trẻ, trường học, siêu thị công đoàn…
).
Ông Cường cho biết, ngay trong tháng 9 này, Tổng LĐLĐ sẽ trình Chính phủ đề án. Toàn hệ thống công đoàn sẽ quyết tâm làm đề án này, phấn đấu mỗi năm tiết kiệm 1.000 tỷ đồng để làm. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nghiên cứu những mô hình tốt nhất, các địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia, cơ chế xã hội hóa. Mục tiêu là bảo đảm công nhân được mua, thuê nhà giá rẻ; được sử dụng các dịch vụ tiện lợi…

Đặc  biệt, ông Bùi Văn Cường cho biết, ngay trong tháng 9 này, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác, doanh nghiệp để xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đoàn viên công đoàn Việt Nam. Theo đó, NLĐ là đoàn viên công đoàn sẽ có thẻ công đoàn và được hưởng các ưu đãi, giảm giá khi sử dụng các dịch vụ như mua sắm ở siêu thị, du lịch, tiêu dùng các ngành hàng.  Rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến chương trình này, bởi 9,2 triệu đoàn viên công đoàn là lượng khách, người tiêu dùng rất lớn.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhất là thời kỳ hội nhập với nhiều thách thức, hoạt động công đoàn cần chú trọng chăm lo lợi ích công đoàn viên hơn nữa; tham gia, giám sát phản biện; đẩy mạnh thi đua sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, chú trọng tôn vinh người lao động tiêu biểu, sáng tạo; tôn vinh các doanh nghiệp chăm lo tốt cho NLĐ. Tiếp tục phát triển tổ chức công đoàn, mở rộng đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, trong đó có vấn đề thỏa thuận tăng lương. Cần đề xuất thêm với Trung ương để kiện toàn Hội đồng tiền lương quốc gia; mời thêm các chuyên gia, thậm chí mặt trận tham gia để nâng tính phản biện. Lộ trình tăng lương nên được xây dựng từ 3-5 năm để đến thời điểm nào đó thì đạt lộ trình tăng lương theo đề án, không nhất thiết năm nào Hội đồng tiền lương quốc gia cũng phải ngồi lại thương lượng việc tăng lương cho NLĐ. Mặt trận ủng hộ đề án xây dựng các thiết chế cho NLĐ ở các KCN, KCX, nhưng cơ chế làm phải có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, chủ sử dụng lao động, NLĐ để tăng cường giám sát.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục