Vừa qua, dư luận vô cùng bức xúc trước vụ việc một cán bộ Sở Ngoại vụ Hà Nội đánh người già sau khi xảy ra va chạm giao thông. Trước đó, một cán bộ Sở GTVT Hà Nội đã có hành vi lăng mạ, chửi bới nhân viên làm thủ tục tại sân bay Nội Bài, đồng thời có hành vi hành hung một phụ nữ là cán bộ sân bay. Những hành vi đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của người cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Dư luận càng bất bình, không thể chấp nhận CBCCVC có văn hóa ứng xử kém, đặc biệt là hành vi đánh người, nhất là đánh người già, phụ nữ, trẻ em.
Một vấn đề đặt ra là tại sao ngày càng có nhiều vụ CBCCVC có hành vi ứng xử kém, gây bất bình trong nhân dân? Phải chăng, việc rèn giũa đạo đức, tác phong, lối sống của CBCCVC đang có xu hướng bị buông lỏng? Lâu nay, người dân, doanh nghiệp đã phàn nàn rất nhiều về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu trong một bộ phận không nhỏ CBCCVC, và nay người dân còn phải chứng kiến những hình ảnh một số CBCCVC đánh người. Đó là một thực tế không thể xem nhẹ.
Một trong vấn đề nổi lên trong những ngày qua khi Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, tái cơ cấu kinh tế là yêu cầu, đòi hỏi nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, hoạt động của bộ máy hành chính mà nòng cốt là đội ngũ CBCCVC. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, người dân cảm nhận được sự sâu sát, quyết liệt của Chính phủ hành động và kiến tạo như mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, xã hội vẫn còn nhiều bức xúc, do còn một số hạn chế trong vận hành của bộ máy và sự thực thi công vụ của đội ngũ CBCCVC. ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đã thẳng thắn nhận xét, bộ máy nhà nước tự thân nó không làm nên được điều gì, mà nó được tạo nên bởi hành động của đội ngũ CBCCVC.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra cấp bách hiện nay là phải rà soát, sửa đổi tổng thể cả bộ máy nhà nước hợp lý hơn, tinh giản biên chế hiệu quả hơn. Cùng với đó, chấn chỉnh đội ngũ CBCCVC kiên quyết hơn, yêu cầu thực thi đúng pháp luật gắn với đẩy mạnh rèn đạo đức, phong cách lối sống trong sạch, trọng dân, vì dân, hạn chế chủ nghĩa cá nhân và lòng tham.
Để bộ máy nhà nước với đội ngũ CBCCVC thực sự là những người hành động, có phẩm chất tốt thì phải thường xuyên coi trọng việc giáo dục, rèn luyện đạo đức “cần kiệm liêm chính”, tôn trọng và ý thức phục vụ dân. Muốn thế phải xây dựng đạo đức công vụ, phải có chính sách tiền lương, thu thập thỏa đáng để bảo đảm đời sống cho CBCCVC. Chính sách lương, phụ cấp phù hợp sẽ khuyến khích công chức luôn phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, bởi nếu cuộc sống quá thiếu thốn thì con người dễ bị tha hóa. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước có hạn, nguồn chi tiền lương không nhiều thì việc tăng cường xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công, chuyển giao một số dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân đảm nhận cần được đẩy mạnh. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm của CBCCVC. Cần thẳng tay loại khỏi đội ngũ những CBCCVC thiếu tài, thiếu tâm, có biểu hiện coi thường, xúc phạm người dân. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của tòa án hành chính trong giải quyết yêu cầu, khiếu nại của công dân đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của công chức, bảo vệ kịp thời lợi ích chính đáng của công dân.
Mỗi CBCCVC cần ý thức bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp, tu dưỡng đạo đức, đồng thời lên án những biểu hiện tiêu cực, suy thoái. Chỉ khi đội ngũ CBCCVC liêm chính, trọng dân thì chúng ta mới có một bộ máy vận hành hiệu quả, niềm tin của dân vào bộ máy nhà nước mới trọn vẹn, bền vững.
LÂM NGUYÊN