Xây dựng mô hình nông thôn mới tại TPHCM - Vì lợi ích của dân

Lâm Đồng: Hàng chục ngàn nông dân được vay vốn sản xuất
Xây dựng mô hình nông thôn mới tại TPHCM - Vì lợi ích của dân

Ngày 30-12, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) năm 2010 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2011. Sau gần 2 năm, việc thực hiện đề án xây dựng mô hình thí điểm NTM tại 6 xã trên địa bàn TPHCM đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tạo nên bộ mặt mới cho nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Nhiều mô hình hiệu quả

Mục tiêu trong năm 2011, ngoài 6 xã thí điểm xây dựng mô hình NTM đang thực hiện, TPHCM sẽ nhân rộng mô hình NTM tại 22 xã gồm (Củ Chi 9 xã, Hóc Môn 5 xã, Bình Chánh 4 xã, Nhà Bè 2 xã và Cần Giờ 2 xã). Hoàn thành các tiêu chí về quy hoạch NTM tại 58/58 xã nông thôn ngoại thành. Đến năm 2015 sẽ có 28/58 xã hoàn thành xây dựng NTM và đến năm 2017, 100% xã trên địa bàn TPHCM đạt các tiêu chí của quốc gia về NTM.

Xã Tân Thông Hội huyện Củ Chi là 1/11 xã thí điểm xây dựng mô hình NTM trong cả nước (đại diện vùng ven đô các tỉnh phía Nam) và cũng là 1/6 xã xây dựng mô hình NTM trên địa bàn TP. Chia sẻ kinh nghiệm thành công bước đầu trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban quản lý xây dựng NTM xã Trần Văn Chí cho biết: Xã giảm dần các cây – con có hiệu quả thấp để tập trung vào các cây trồng – vật nuôi hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Việc này cũng kéo theo sự dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ có thu nhập cao hơn.

Tại xã Thái Mỹ huyện Củ Chi, mô hình liên kết để sản xuất sản phẩm sạch đã thu hút đông đảo các hộ dân tham gia. Tại xã đã hình thành 9 tổ hợp tác sản xuất với 50 hộ, trồng 300ha bắp giống cho các công ty lớn. Điều nông dân tâm đắc nhất là giá đầu ra ổn định và được bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy, từ 20ha ban đầu ở ấp Bình Thượng 1, đến nay đã phát triển ra 5 ấp với diện tích lên đến 340ha. Bên cạnh đó, Hội nông dân xã tập hợp nông dân có tay nghề thành lập Hợp tác xã (HTX) trồng rau an toàn Thỏ Việt. Được HTX chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp hạt giống, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, nỗi lo tìm đầu ra của các xã viên được giải tỏa.

Gần đây, những quán cà phê khuyến nông trên địa bàn xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh đã trở thành điểm hẹn quen thuộc để các nông dân trao đổi kiến thức, phổ biến kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi hiệu quả. Tại xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ xuất hiện các mô hình làm ăn có hiệu quả cao như bao đê thủy lợi nội đồng, xây dựng mô hình HTX do người dân tự góp vốn để tìm đầu ra cho sản phẩm (chẳng hạn HTX muối Tiến Thành do 23 diêm dân góp vốn sản xuất, chế biến và tiêu thụ 50ha muối cùng với 1 nhà máy công suất 20 - 25 tấn/ngày).

Đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (thứ 2, bên phải) tìm hiểu một phương pháp tạo giống cây mới. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (thứ 2, bên phải) tìm hiểu một phương pháp tạo giống cây mới. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Một trong những đổi thay rõ rệt nhất tại 6 xã xây dựng theo mô hình NTM là phát triển cơ sở hạ tầng. Những con đường được mở rộng, bê tông hóa, trải nhựa khang trang, sạch đẹp sẽ không thể có được nếu thiếu sự ủng hộ của người dân. Bởi lẽ bên cạnh nguồn vốn do ngân sách cấp, nếu nông dân không hiến đất thì không có mặt bằng để nâng cấp đường sá.

Ông Bùi Ngọc Quý, Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban quản lý xây dựng NTM xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn, nêu kinh nghiệm vận động người dân hiến đất làm đường: giải thích cho người dân ý nghĩa, lợi ích của việc thực hiện dự án; vì khi đó người dân sẽ nhận thức được việc làm đường là để phục vụ cho chính bản thân mình và cho địa phương, từ đó tự nguyện hiến đất. Với sự đồng thuận của người dân, Ban quản lý xây dựng NTM của xã vận động được 946 hộ dân hiến 30.180m², vật kiến trúc trong phạm vi mở đường trị giá khoảng 1,695 tỷ đồng - chiếm 62,83% tổng giá trị công trình.

Bà Tô Từ Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, xác định: “Muốn thực hiện thành công xã NTM thì trước hết từng người dân phải thông suốt. Vì vậy, song song với triển khai thực hiện các tiêu chí, lãnh đạo huyện Củ Chi quán triệt tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ Đảng, đặc biệt là người dân hiểu được mục đích, mục tiêu của xây dựng NTM. Nhờ phát huy vai trò dân chủ, các đề án triển khai đều được công khai đến tận hộ dân để người dân bàn bạc thảo luận, biểu quyết và cùng tham gia nên khi triển khai thí điểm xã NTM ở Tân Thông Hội và Thái Mỹ, người dân đã tự nguyện hiến đất trị giá khoảng 126 tỷ đồng để xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng”.

Minh chứng cho điều này, bà Nguyễn Thị Biền (ấp Trung xã Tân Thông Hội huyện Củ Chi, gia đình hiến gần 1.000m² đất và hàng rào kiên cố trị giá gần 200 triệu đồng để làm đường) nói: “Trước kia, con đường trước nhà tôi lầy lội, trơn trượt, cây cối mọc um tùm làm cho nhiều người đi lại bị trượt té. Nhờ chính quyền địa phương quan tâm nên mới có con đường cao ráo, sạch sẽ, đi lại thuận tiện thì việc gia đình tôi hiến đất để mở rộng đường là việc cần phải làm để góp phần xây dựng xã NTM. Dù có ảnh hưởng đến kinh tế nhưng gia đình tôi rất vui”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, yêu cầu trong thời gian tới, các đề án xây dựng NTM tại xã phải được chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ, nhất là việc lấy ý kiến của nhân dân nhằm xác định các tiêu chí và bước đi cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Bí thư Thành ủy cũng giao UBND TP tiếp tục rà soát bổ sung chính sách hỗ trợ của TP đối với sản xuất nông nghiệp, hình thức hỗ trợ là hỗ trợ lãi vay ngân hàng, hỗ trợ cho vay vốn qua các quỹ…

Lâm Đồng: Hàng chục ngàn nông dân được vay vốn sản xuất

Ngày 30-12, tại Đà Lạt, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 59 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. Trong những năm qua, Hội Nông dân Lâm Đồng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho trên 42.000 hộ nông dân vay hơn 600 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, học nghề và sinh viên vay vốn học tập. Hàng năm, hội phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT tín chấp cho khoảng 1.700 hộ vay 15 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã cho 2.400 hộ nông dân nghèo vay số tiền trên 2 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

 
N.Viên 


ÁI CHÂN – HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục