Xây dựng nền giáo dục trung thực

Sát kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, để tăng cường vai trò giám sát của thí sinh với kỳ thi, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy chế mới theo hướng khuyến khích thí sinh tố cáo gian lận thi cử. Việc thí sinh được sử dụng thiết bị điện tử không xem được hình ảnh và âm thanh tại chỗ khiến nhiều trường lúng túng.

Hầu hết các trường đều “than” các cán bộ giám thị rất khó nhận biết thiết bị nào chỉ thu mà không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh tại chỗ, thiết bị nào có cả thu và phát. Thực tế, khi chuẩn bị thi ĐH đợt 1 vừa qua và cả đợt 2, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và nhiều trường phải dành “mối bận tâm” nhiều hơn cả cho nội dung này.

Dù vậy, trong đợt thi đầu tiên, đã có một số vấn đề phát sinh, trong đó có nghi vấn đề thi Toán bị tuồn ra ngoài sớm từ phòng thi nhờ thiết bị công nghệ cao. Hiện cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận về việc đề có bị tuồn ra ngoài trước 9 giờ sáng 4-7 hay không. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, không có chuyện đề bị đưa ra ngoài do công tác quản lý in sao vận chuyển. Bộ GD-ĐT đang chờ kết luận cuối cùng của A83. Và để kịp thời rút kinh nghiệm cho đợt thi thứ 2, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tất cả các hội đồng thi phải giám sát chặt chẽ các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi.

Tuy nhiên qua đó có thể thấy, khi công nghệ ngày càng phát triển thì thí sinh càng dễ lợi dụng để thực hiện hành vi tiêu cực. Vì vậy, việc bộ khuyến khích thí sinh tố cáo gian lận thi cử trong kỳ thi ĐH năm nay vẫn đang bị nhiều người chỉ trích. Nhiều ý kiến này cho rằng, bộ khuyến khích thí sinh tố cáo gian lận thi cử ở kỳ thi ĐH-CĐ là không cần thiết, vì bản thân kỳ thi này khá nghiêm túc, không thể đánh đồng với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặt khác, chưa thấy tác dụng của tố cáo gian lận ở đâu nhưng đã xảy ra nghi vấn thí sinh đã lợi dụng công nghệ cao để… gian lận.

Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 8-7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, việc cho phép thí sinh mang thiết bị vào phòng thi ghi lại những hình ảnh tiêu cực để cung cấp cho các cơ quan chức năng thể hiện quyết tâm của ngành giáo dục trong việc đẩy mạnh chống tiêu cực nhằm xây dựng một nền giáo dục trung thực.

Điều này có thể thêm việc cho cơ quan quản lý, gây tâm lý e ngại cho giám thị nhưng ngành giáo dục chấp nhận phần khó khăn để tạo thuận lợi nhất cho thí sinh có được điều kiện trong đấu tranh chống tiêu cực. Quyết tâm xây dựng nền giáo dục trung thực thì thiết nghĩ xã hội đều ủng hộ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý môi trường giáo dục không phải là nơi để “tố” nhau. Muốn có một nền giáo dục trung thực thì ở đó thầy thực sự là thầy, trò phải chăm ngoan, trung thực. Giữ được cái gốc ấy thì không cần đến thiết bị “giám sát” nhau, nền giáo dục Việt Nam cũng có thể vững vàng phát triển.

Lâm Nguyên

Tin cùng chuyên mục