Xây dựng tinh thần cởi mở, hòa hợp dân tộc

Tăng cường đoàn kết, đảm bảo lợi ích của dân

Kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, ngày 9-11, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân tổ chức hội thảo khoa học - thực tiễn “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế”. Rất nhiều ý kiến tâm huyết đã kiến nghị những vấn đề để tăng cường đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Tăng cường đoàn kết, đảm bảo lợi ích của dân

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, 85 năm qua cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã xây dựng nên những truyền thống cách mạng vẻ vang gắn liền với lịch sử quang vinh của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Từ sau ngày thống nhất đất nước, nhất là sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, MTTQ Việt Nam đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của các tổ chức mặt trận trước đây, rút ra từ quá khứ những bài học lịch sử để củng cố, mở rộng, tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Vị trí vai trò của mặt trận ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội ta hiện nay.

Tất cả các ý kiến đều khẳng định, MTTQ Việt Nam là tổ chức rộng rãi nhất của nhân dân Việt Nam, nơi huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Đảng CSVN lãnh đạo là sự nghiệp không thể tách rời sự ủng hộ, đóng góp của nhân dân. Chỉ gắn bó mật thiết với nhân dân bằng hành động thực tế thì Đảng ta mới hoàn thành sứ mệnh cầm quyền hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều biến động hiện nay, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, công tác đại đoàn kết toàn dân tộc cần được tiếp tục tăng cường, đổi mới phương thức vận động, tập hợp nhân dân.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận xét, nhân dân đang lo lắng trước tình hình kinh tế của nước ta tụt hậu ngày càng xa hơn so với các nước trong khu vực. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục khai thác những thiếu sót, yếu kém của ta hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội… “Trong bối cảnh đó, cần nắm vững những quan điểm cơ bản và cũng là những định hướng chủ yếu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đó là lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc ta ngày nay là độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lợi ích đó thể hiện cụ thể hàng ngày trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng. Củng cố và tăng cường đoàn kết ngày nay không thể chỉ chung chung mà phải gắn chặt với việc đảm bảo các lợi ích đó của nhân dân”, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Phát huy và nhân lên các điểm tương đồng

Theo PGS-TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 30 năm đổi mới để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, một trong những bài học đó là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật với tinh thần khoa học và cách mạng về tình hình thế giới và đất nước những năm qua, hiện nay và trong những năm tới. Đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, đặc biệt trên biển Đông còn nhiều diễn biến rất phức tạp.

Theo PGS Bùi Đình Phong, hiện nay Đảng ta xác định “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cần lấy đó làm điểm tương đồng. Tất cả những ai nhất trí với mục tiêu này, chúng ta đều đoàn kết với họ. Phải xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, phân biệt đồng bào ở trong nước với đồng bào định cư ở nước ngoài. Xây dựng tinh thần cởi mở, hòa hợp dân tộc, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. “Đây là nhiệm vụ to lớn, nặng nề không dễ thực hiện, càng không thể thực hiện một sớm một chiều. Tuy nhiên, khó vẫn phải làm và phải làm tốt theo lời dạy của Bác “khó dễ là tại mình”, PGS Bùi Đình Phong nhấn mạnh. Theo đó, với phương châm “cầu đồng tồn dị”, và “dân ta xin nhớ chữ “đồng””, “dĩ bất biến ứng vạn biến”... chúng ta còn phải làm rất nhiều để các điểm tương đồng ngày càng được phát huy và nhân lên, những điểm còn khác nhau ngày càng giảm bớt. Phải tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc.

Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Phú Bình, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về đối ngoại và kiều bào của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã không phân biệt đối xử về quá khứ, quan điểm chính trị trên cơ sở mẫu số chung về ý thức dân tộc, lòng yêu nước. Khuyến khích những người đã từng phục vụ chế độ cũ, thù địch với đất nước về thăm quê hương, tham gia các hoạt động xã hội trong nước; chuyển nghĩa trang Bình An, chôn cất sĩ quan, binh lính chế độ cũ ở Bình Dương thành nghĩa trang dân sự; cho phép và hỗ trợ một số bà con tìm và cất bốc hài cốt thân nhân bị chết trong quá trình cải tạo… Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Bình tiếp tục kiến nghị cần khuyến khích bà con ngoài nước tham gia vào việc tìm kiếm người mất tích của cả hai bên trong chiến tranh; tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo tiến hành lễ cầu siêu cho những người chết trong chiến tranh; có hình thức tôn vinh những người phục vụ chế độ cũ nhưng đã hy sinh bảo vệ chủ quyền quốc gia (Hoàng Sa) .


PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục