Xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị: Vẫn ngổn ngang

Để xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, vấn đề cần phải giải quyết chính là tình trạng vỉa hè nhiều nơi bị chiếm dụng, nạn xả rác vẫn tràn lan và nhiều chuyện “linh tinh” khác.Rác… trong nhà lẫn ngoài phố
Xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị: Vẫn ngổn ngang

Để xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, vấn đề cần phải giải quyết chính là tình trạng vỉa hè nhiều nơi bị chiếm dụng, nạn xả rác vẫn tràn lan và nhiều chuyện “linh tinh” khác.

Rác… trong nhà lẫn ngoài phố

Cũng giống như nạn lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán kinh doanh, tình trạng xả rác vô tội vạ cũng tràn lan, phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm. Một cách tổng quát, khu vực nội thành trung tâm thành phố “bệnh” theo kiểu nội ô, còn vùng ngoại thành “bệnh” theo kiểu nông thôn.

Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự công cộng tuy có ràng buộc cụ thể mức phạt bằng tiền, ở nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng các chuyên gia cho rằng mức phạt ấy chưa đủ sức răn đe, cần phải được điều chỉnh theo hướng tăng mạnh gấp nhiều lần. Hiện nay theo Nghị định 73, mức phạt thấp nhất từ 60.000 - 100.000 đồng cho những hành vi như đổ nước ra lòng đường, vỉa hè hoặc để gia súc gia cầm phóng uế nơi công cộng… cho đến mức phạt cao nhất vài chục triệu đồng, như phạt 30 triệu đồng cho hành vi sử dụng lề đường làm nơi họp chợ hoặc treo biển quảng cáo không đúng quy định!

Những vi phạm điển hình có thể nhắc đến như xả rác, xả nước thải, phóng uế bừa bãi trên lòng lề đường, vỉa hè, dưới dạ cầu, bến xe; vứt xác chuột chết ra nơi công cộng; tùy tiện đổ rác, chất thải vào hố ga công cộng, vào hệ thống thoát nước chung; vô tư xả thải xây dựng ra hè phố từ các công trình xây dựng… Còn ở nông thôn ngoại thành thường gặp hình ảnh trâu bò, gia súc gia cầm được thả rong, phóng uế trên đường; người dân “hồn nhiên” vứt rác, tiểu tiện hoặc đại tiện thẳng xuống sông, kênh, rạch…

Có thể nói tình trạng xả rác, phóng uế bừa bãi, không đúng nơi đúng chỗ trên toàn địa bàn thành phố là một thực tế kéo dài triền miên bao lâu nay. Nó vừa làm mất vệ sinh môi trường sống của cộng đồng dân cư, vừa làm xấu xí bộ mặt mỹ quan đô thị. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng ấy. Trước hết là do nhận thức của không ít người dân, khách vãng lai, khách tạm trú, người lao động về bảo vệ môi trường sống còn chưa tốt, chưa đồng đều trong khi nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ vẫn bất chấp luật pháp, công khai hoặc lén lút tống chất thải chưa qua xử lý vào môi trường.

Ngoài ra nhiều tuyến đường, khu vực trong thành phố vẫn còn xảy ra tình trạng tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh, trong khi những hoạt động tụ tập đông người và kinh doanh như vậy chính là tiền đề dẫn tới chất thải, rác thải vứt xả bừa bãi.

Buôn bán chiếm dụng lòng đường Lê Đại Hành, TPHCM. Ảnh: CAO MINH

Buôn bán chiếm dụng lòng đường Lê Đại Hành, TPHCM. Ảnh: CAO MINH

Đau đầu vì nạn lấn chiếm vỉa hè

Trên 16 tuyến đường được chọn triển khai xây dựng tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị tiêu biểu cho thành phố trong giai đoạn từ 2013 - 2015, chúng ta nhận thấy tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi buôn bán vẫn còn xảy ra nhiều nơi nhiều lúc.

Thực tế là tại nhiều nơi, nhiều thời điểm khác nhau vẫn còn xảy ra phổ biến tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, đặc biệt khi về đêm hoặc vào các ngày nghỉ trong tuần, và đương nhiên khi lực lượng quản lý, kiểm tra kiểm soát đã rút đi.

Chẳng hạn như trên toàn tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, đặc biệt quanh các khu vực Thảo Cầm viên, đoạn từ Cao Thắng đến tiểu đảo Ngã sáu, đoạn đối diện khách sạn Âu Lạc, đoạn trước Đài Truyền hình TP, đoạn Công viên Tao Đàn…; đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Lê Quý Đôn, đoạn từ đường Hoàng Sa đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm; suốt tuyến đường Võ Văn Tần trong đó nổi cộm là đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến Cao Thắng; đường Nguyễn Tri Phương đoạn từ Ngô Gia Tự đến đường 3 Tháng 2, đoạn trước cổng Trường Hoàng Văn Thụ và trước chợ Nhật Tảo… là những đoạn đường điển hình về tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng bởi đội quân buôn bán hàng rong và đủ kiểu hàng quán lộ thiên khác. Giờ giấc hoạt động của những người kinh doanh này khác nhau tùy nơi tùy lúc, hầu hết bán suốt ngày nhưng cũng có những nơi chỉ rộ lên từ sau 17 giờ trở đi mà tiêu biểu là trên tuyến đường Võ Văn Tần và đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Một hình thức chiếm dụng khác là việc đậu xe tràn lan trên vỉa hè, đậu xe không đúng quy định, đậu xe gây mất trật tự khu vực… Có thể nhắc đến khu vực trước chợ Vườn Chuối trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đường Điện Biên Phủ đoạn trước Bệnh viện Bình Dân, đường Nguyễn Chí Thanh đoạn từ Hùng Vương đến Nguyễn Thị Nhỏ hoặc đoạn từ Nguyễn Kim đến Nguyễn Thị Nhỏ. Khu vực trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn xảy ra tình trạng mất trật tự và mất an toàn giao thông.

Không chỉ bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, vỉa hè lòng đường dành cho giao thông đi lại còn bị co hẹp bởi những nguyên nhân “linh tinh” khác như vỉa hè bị xuống cấp, hư hỏng, bị sụp lún không đồng đều, gạch lát nền bị bong tróc, bảng quảng cáo to đùng choáng chỗ… Đó là “chuyện thường ngày ở huyện”.

16 tuyến đường được chọn triển khai xây dựng thành tuyến đường văn minh - mỹ quan đô thị tiêu biểu cho thành phố trong giai đoạn 2013 - 2015 là: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Duẩn thuộc quận 1; Nguyễn Thị Minh Khai thuộc quận 1 và 3; Điện Biên Phủ, đoạn từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm; Võ Văn Tần - quận 3; Nguyễn Đình Chiểu - quận 1 và 3; Khánh Hội - quận 4; Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo - quận 1 và 5; đường 3 Tháng 2 đoạn từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến đường Lý Thường Kiệt; Nguyễn Tri Phương đoạn từ đường Ngô Gia Tự đến đường 3 Tháng 2; Nguyễn Chí Thanh đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Thị Nhỏ; Trường Sơn - quận Tân Bình; tuyến đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất đi qua các quận Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Đức.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục