Nhằm đáp ứng chỗ học cho con công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), từ năm 2013 đến nay, UBND TPHCM đã phê duyệt 22 dự án đầu tư xây dựng mới trường mầm non tại 12 KCN, KCX đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Trong đó, nhiều dự án trường xây xong vẫn chưa đưa vào sử dụng do gặp khó khăn về nhân sự.
Trường Mầm non Việt - Đức (quận Bình Tân, TPHCM) nhận giữ trẻ cho các công nhân trên địa bàn. Ảnh: Hiếu Nghĩa
Cạn “bầu sữa” biên chế
Quận Thủ Đức là một trong số ít các quận, huyện của TPHCM khánh thành cùng lúc 2 công trình trường mầm non dành cho con công nhân vào đầu năm học 2016-2017. Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, cho biết với hai công trình xây mới Trường Mầm non KCX Linh Trung 1 (phường Linh Xuân) và Mầm non KCX Linh Trung 2 (phường Linh Trung) sắp đưa vào sử dụng, địa phương cần bổ sung thêm 169 biên chế nhân sự cho hoạt động của hai đơn vị này. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu biên chế nhân sự thành phố giao cho Thủ Đức năm 2016 chỉ có 2.682 người, giảm 160 biên chế so với năm 2015. Bà Nga bày tỏ: “Chưa tính các dự án xây mới sắp đưa vào hoạt động, chỉ tính những đơn vị đang tồn tại hiện nay chúng tôi đã phải cắt giảm người. Nhưng trường, lớp đang hoạt động, tổng số học sinh mỗi năm chỉ tăng chứ không giảm, làm sao có thể giảm nhân sự?”. Đồng cảnh ngộ, tính đến ngày 31-3-2016, ngành GD-ĐT quận Bình Tân đã sử dụng 3.105 biên chế trên tổng số 3.003 biên chế được giao trong năm 2016. Trong khi đó, năm học 2016-2017, địa phương sẽ có thêm 250 lớp với 10.349 học sinh, tăng thêm so với năm học 2015-2016, nên phân bổ nhân sự gặp nhiều khó khăn. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận Bình Tân, kiến nghị thành phố bổ sung thêm cho địa phương 694 biên chế giáo viên cho các trường công lập, trong đó cấp bổ sung 102 biên chế đang thiếu, 44 biên chế cho các trường thành lập mới năm 2016 và 548 biên chế tuyển dụng tiếp theo cho năm học 2016-2017.
Theo một chuyên viên Phòng Tổ chức, biên chế (Sở Nội vụ TPHCM), kết quả thanh tra tổng cơ cấu nhân sự của TPHCM mới đây cho biết thành phố được trung ương giao 8.313 biên chế, nhưng thực tế hiện nay đã sử dụng hết 13.000 nhân sự, dư gần 5.000 nhân sự. Trong khi đó, theo số liệu thống kê năm 2015 từ các quận, huyện, toàn thành phố cần bổ sung thêm 1.730 biên chế cho các công trình trường học, bệnh viện xây mới sắp đưa vào sử dụng. Trước tình hình khó khăn đó, UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện đồng loạt cắt giảm 5% tổng chỉ tiêu biên chế năm 2016 so với năm 2015, không tăng biên chế đối với các đơn vị, tổ chức đang hoạt động hiện hữu. Riêng những dự án trường học, bệnh viện xây mới, nếu không tự cân đối được nhân sự, địa phương phải lập đề án gởi Sở Nội vụ thẩm định, xem xét, sau đó trình UBND TP và Bộ Nội vụ phê duyệt.
Dự án xây mới Trường Mầm non Đỗ Quyên (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) đã hoàn thành 90% tiến độ thi công, dự kiến sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng trong tháng 5-2016
Nan giải tiền hỗ trợ giáo viên
Theo một kết quả khảo sát tại KCX Tân Thuận (quận 7), trong tổng số 618 gia đình công nhân có con từ 6 tháng đến 5 tuổi đang sinh sống và làm việc ở địa phương, có 194 gia đình có nguyện vọng gởi con đến 18 giờ, 133 trường hợp muốn gửi con đến 20 giờ và 508 trường hợp có nhu cầu gửi con học ngày thứ bảy. Qua đó cho thấy, nhu cầu gửi con sau 16 giờ và gửi con học thứ bảy ngày càng tăng trong giới công nhân. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có hai quận tổ chức thí điểm giữ trẻ sau 17 giờ là Bình Tân và Thủ Đức. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, hiện nay địa phương đang tổ chức thí điểm nhận giữ trẻ theo ca, mỗi lớp thí điểm có 4 giáo viên (2 giáo viên/ca), mỗi trường 6 lớp với hai khung giờ, 6 giờ - 14 giờ và 14 giờ - 21 giờ. “Song hiện nay, “chúng tôi mới thực hiện được ở các lớp mẫu giáo, chưa tổ chức ở lớp nhà trẻ vì giữ trẻ dưới 36 tháng tuổi đòi hỏi nhân sự cao hơn, chưa kể nhiều rủi ro vào buổi tối”, bà Nga cho biết. Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề hỗ trợ chi phí trả lương giáo viên, đại diện phòng GD-ĐT cho biết, đơn vị đã nhiều lần làm việc với các KCN, KCX nhưng công đoàn các KCN, KCX đều cho rằng chưa có quy định về khoản hỗ trợ này. Trong khi đó, theo một chuyên viên Phòng Quản lý ngân sách (Sở Tài chính), do giữ trẻ theo ca là mô hình mới triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố nên chưa có quy định nào về chi phí trả lương giáo viên ngoài giờ. Do đó hiện nay, việc trả lương ngoài giờ chỉ phụ thuộc vào túi tiền của phụ huynh; tùy theo mức nhà trường và phụ huynh thỏa thuận, tiền thu thêm dao động trong khoản 10.000 - 20.000 đồng/trẻ/giờ.
Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, kiến nghị thành phố và các cơ quan ban ngành, đoàn thể tại địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp hỗ trợ căn cơ hơn đối với hoạt động giữ trẻ ngoài giờ dành cho đối tượng con công nhân. Bên cạnh đó, đại diện Ban Quản lý các KCN, KCX trên địa bàn TPHCM (Hepza) cho biết, hiện nay đã có quy định hướng dẫn hỗ trợ xây nhà lưu trú cho công nhân nhưng chưa có quy định hỗ trợ học tập cho con đối tượng này. Do đó, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị UBND TP nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách hỗ trợ xây trường và chi phí học tập của con công nhân. Về lâu dài, hoạt động này không thể dựa mãi vào sự căng kéo của địa phương mà cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng để việc giữ trẻ đi vào ổn định, người lao động có thể yên tâm công tác.
THU TÂM