Xe bon bon ngoài ruộng

Con đường trong mơ
Xe bon bon ngoài ruộng

Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, nhiều huyện ngoại thành ở TPHCM chú trọng phát triển hệ thống giao thông, trong đó có không ít những con đường nhựa, đường bê tông, cấp phối làm ngay trên đồng ruộng. Diện mạo nông thôn vì thế đang dần đổi thay. Thành quả này có phần đóng góp không nhỏ của những người nông dân hiến đất làm đường.

Xe chạy bon bon trên tuyến đường 67.

Xe chạy bon bon trên tuyến đường 67.

Con đường trong mơ

Tuyến đường 67 tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM vừa đưa vào sử dụng giữa tháng 5-2014 được xem là một trong những con đường điển hình của xã trong năm, thuộc phong trào xây dựng nông thôn mới do Đảng bộ và nhân dân cùng làm. Đường rộng gần 7m, dài hơn 1,5km đã giúp đời sống người dân trên địa bàn khởi sắc.

Đảng viên Nguyễn Thị Giỏi, người đã hiến hơn 1.000m² đất, tính ra giá thành hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng đường 67, vui vẻ cho biết: “Trước đây, con đường này là đường đê, rất lầy lội. Để bán được nông sản, nông dân phải dùng gánh, hoặc xe rùa để vận chuyển hàng ra đường lớn. Giờ có con đường, xe đã chạy đến tận ruộng, vườn để thu mua nông sản của bà con. Các em nhỏ không còn cảnh lội sình bì bõm đến trường, có hôm trời mưa trơn trợt phải nghỉ học vì té ướt hết quần áo, sách vở. Người bệnh, các bà bầu thì không phải dùng võng để cõng đi trạm xá, bởi xe đã có thể bon bon chạy trên con đường đê ngày nào”.

Nhìn thấy được lợi ích cho người dân khi có tuyến đường này, nên khi lãnh đạo xã có kế hoạch vận động nhân dân hiến đất làm đường, bà Nguyễn Thị Giỏi đã không ngần ngại quyết định ký giấy hiến đất ngay. Không chỉ vậy, bà còn tình nguyện cùng chính quyền đi vận động người dân cùng hiến đất để con đường sớm được hình thành. Đến đây mới thấy hết được sự đổi mới và sức sống của nơi này từ ngày có con đường. Dọc hai bên, ngoài những cánh đồng ruộng lúa, vườn cây ăn quả, những ngôi nhà xây khang trang đã mọc lên ngày càng nhiều.

Hơn 1 tháng nay, từ ngày khánh thành đường, đã có 3 đám cưới được tổ chức. Nhìn từng đoàn xe rước dâu chạy qua, các cụ già không khỏi vui mừng vì ước mơ bấy lâu được nhìn thấy xe cộ chạy qua lại đã thành hiện thực. Ông Trần Tấn Kiết, người hiến gần 1.400m2 đất, bảo: “Nhìn thấy bộ mặt nông thôn được đổi mới, tôi phấn khởi lắm.

Được góp sức cùng Nhà nước để giúp địa phương mình phát triển, tôi thấy thật vinh hạnh. Với lại chính con cháu chúng tôi cũng được hưởng lợi từ con đường”. Bà Trần Thị Đúng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Quý Tây, cho biết: “Với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có 91 hộ dân tại xã Tân Quý Tây hiến hơn 10.500m² đất, trị giá khoảng 26 tỷ đồng để nâng cấp mở rộng 13 tuyến đường nông thôn liên ấp. Bên cạnh đó, tính đến nay, xã đã vận động người dân đóng góp tiền của để xây dựng được 10 tuyến đường bê tông hóa. Nhờ đó, đời sống người dân được nâng cao hơn rất nhiều”.

Điểm sáng

Gần nửa năm nay, 105 nhân khẩu của 17 hộ dân xóm chài, thuộc ấp 3B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh đã thoát khỏi cảnh xắn ống quần qua đầu gối đi trên con đường đầy sình lầy khi đi chợ, đi học, đi bệnh viện. Bởi con đường hơn 1km đó đã được trải đá và gia cố chắc chắn để xe máy có thể chạy qua lại.

Để có được con đường rộng rãi, bằng phẳng như hiện nay, bác Trương Văn Đổng (84 tuổi) đã hiến gần 900m² đất của mình và UBND xã Bình Hưng đã xây dựng con đường với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Điểm đáng trân trọng ở đây là con đường này, gia đình bác Đổng không sử dụng hàng ngày như những hộ dân trong xóm. “Nhà tôi nằm ở phía ngoài nên không có nhu cầu qua lại con đường này. Nhưng nhìn thấy tụi nhỏ đi học cực khổ quá, té lên, té xuống quần áo lấm lem bùn đất, tôi thấy thương mấy đứa nhỏ nên chỉ muốn góp một chút sức mình thôi”, bác Đổng chia sẻ.

Vì thương tụi nhỏ, nên khi thấy đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hưng trong một lần xuống thăm người dân xóm chài, lội sình bì bõm từ trong xóm đi ra, bác Đổng đã mời uống nước và khi nghe đồng chí bí thư ngỏ lời đề nghị bác hiến đất để cùng Nhà nước làm đường, bác liền đồng ý.

Quá vui mừng, xã cho xúc tiến nhanh nên chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, con đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhận thấy được lợi ích của việc hiến đất làm đường của bác Đổng, bà Trương Thị Ngâu, sống tại xóm chài cũng đã hiến một phần đất của mình để Nhà nước làm giếng nước, đáp ứng nhu cầu cần nước sạch phục vụ đời sống của người dân trong xóm.

Có thể nói, những điển hình trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều, đã góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TPHCM.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục