
Chiếc xe gắn máy đang lao nhanh chuẩn bị lấy trớn lên cầu Bình Phước (thuộc địa phận khu phố 3, P.An Phú Đông, Q.12), bất chợt lảo đảo giữa đường rồi dừng lại vì cái bánh sau xẹp lép. Anh Nguyễn Tấn Thành cùng một người bạn ở P.Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai thở phào nhẹ nhõm: “Cũng hên lúc nãy không có xe tải, nếu không chắc hai anh em tụi này đi đời rồi?”. Đây là một trong nhiều trường hợp xe “ăn” đinh đang rộ lên gây nguy hiểm cho người đi xe gắn máy trên tuyến đường quốc lộ 1A (đoạn từ ngã tư Ga-Q.12 đến Trạm 2-Thủ Đức).
- Phố... vá ép

Rải đinh đang là vấn nạn (Ảnh chụp chiều 9-1) Ảnh: Q.Đ.
Nguyễn Thanh Bình, ở P.Tân Thới Hiệp hàng ngày đi làm ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) hóm hỉnh: “Những công nhân thường xuyên đi làm ở khu vực này thường hay nói đùa với nhau rằng, ở Hà Nội có phố 36 phố nhưng chắc chắn không có phố vá xe, một phố độc nhất vô nhị chỉ có ở... quận 12”.
Qua khỏi cầu vượt ngã tư Ga hướng về Thủ Đức, chỉ đi một quãng đường chưa đầy cây số thì người ta dễ dàng bắt gặp hàng chục điểm vá và sửa xe gắn máy mọc lên hai bên đường. Thậm chí có những tiệm chỉ mỗi “chức năng” là vá và rửa xe mọc kề nhau.
Tôi vào rửa xe hỏi cô chủ tiệm: “ Nhiều tiệm rửa và sửa xe mọc lên như vậy thì làm sao có khách?”. Chị đáp gọn lỏn: “Coi vậy chứ sống được lắm, chạng vạng tối khách vô thay ruột, vá xe không kịp là đằng khác!”. Ngồi chưa được 5 phút thì hai chiếc xe gắn máy nối đuôi nhau dắt bộ vào tiệm.
Chị chủ tiệm nhìn tôi, cười: “Sắp đến giờ cao điểm rồi, thấy chưa-chị giãi bày tiếp-đường này xe chở phế liệu chạy nhiều đinh, kẽm lung tung nên nhiều xe gắn máy dính lắm!”. Người khách vào thay ruột tên Hùng, làm ở khu công nghiệp Linh Trung, buột miệng than: “Làm công nhân lương tháng tròm trèm triệu bạc, xăng cộ tốn kém đã đành, nhưng xe cứ thủng ruột hoài chịu sao thấu, chưa đầy một tháng mà ba lần phải thay ruột, mất hết gần 150.000đ rồi”.
- Thợ thay ruột xe di động...

Nhiều người khốn khổ vì xe “ăn” đinh.
Gần 6g tối, đường bắt đầu nhá nhem đèn. Công nhân hướng từ các khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Linh Trung (TPHCM), Sóng Thần, Dĩ An (Bình Dương) túa ra kín cả một quãng đường dài. Chỉ những công nhân dắt xe dẫn bộ, bác Sáu chạy xe ôm dưới chân cầu Bình Phước buột miệng: “Thời gian gần đây rộ lên nạn rải đinh rất nghiêm trọng. Chạng vạng tối, bọn rải đinh mới xuất hiện”.
Theo lời bác, chúng thường chở nhau từng cặp trên xe gắn máy rồi từ từ thả đinh xuống đường, nên rất khó phát hiện. Sau khi rải, chúng tấp vào các quán nước và đợi, thấy xe nào bị “dính” đinh thì các tiệm vá xe phải trả “huê hồng” cho chúng. Giá một cái ruột xe thay ở khu vực này từ 40.000đ trở lên. Thứ bảy tuần trước, có hai cô công nhân của công ty nọ ở khu công nghiệp Sóng Thần bị té cà mặt xuống đường cũng vì xe cán phải đinh của bọn bất lương này!”, bác Sáu nói.
Rõ ràng từ khâu rải đinh đến khâu vá hoặc thay ruột xe được hoạt động như một “dây chuyền khép kín”, vì thế từ nhiều tháng qua, bọn này vẫn nhởn nhơ làm ăn mà công an và chính quyền địa phương vẫn “bó tay”.
Chị Nguyễn Tuyết N. bán cà phê ở khu phố 3, P.An Phú Đông cho biết: “Mấy tuần trước còn có cả thợ vá và thay ruột xe “di động”. Thấy xe bị cán đinh là chúng từ các quán nước ven đường chạy theo ra tay trợ giúp. Đồ nghề được để sẵn phía sau thùng xe, khi cần là chúng thao tác một cách rất chuyên nghiệp. Khách đi đường ở xa thì không biết nhưng dân sống hai bên đường này ai cũng nhẵn mặt bọn chúng. “Mấy hôm nay, công an tiến hành thu gom những thùng đồ nghề, máy bơm hơi và phạt tiền... nên bọn thay ruột xe di động này tạm lánh mặt, còn thực trạng rải đinh để ăn tiền hoa hồng vẫn âm ỉ tiếp tục!”, chị nói.
QUANG ĐẠT