Xe quá tải sẽ bị xử phạt lũy tiến theo mức độ vi phạm

Tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 1-12, Bộ GTVT cho biết sắp tới sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với hàng loạt hành vi liên quan đến việc xe chở quá tải trọng, đồng thời siết chặt việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) thông qua nhiều quy định mới về quản lý hoạt động vận tải.

Tại cuộc họp báo được tổ chức ngày 1-12, Bộ GTVT cho biết sắp tới sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với hàng loạt hành vi liên quan đến việc xe chở quá tải trọng, đồng thời siết chặt việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) thông qua nhiều quy định mới về quản lý hoạt động vận tải.

Hàng loạt hành vi bị tăng nặng mức xử phạt

Theo Bộ GTVT, mặc dù đã tăng cường kiểm soát, xử lý xe quá tải tại các địa phương, song tình trạng xe quá tải vẫn chưa thể xử lý dứt điểm mà cần có những công cụ quản lý hữu hiệu hơn. Đó là lý do ra đời của Nghị định số 107 của Chính phủ về bổ sung Nghị định số 171 với việc tăng nặng mức xử phạt lũy tiến tương ứng với mức vi phạm. Nếu như tại Nghị định số 171 chỉ quy định phạt 4 triệu đồng đối với cá nhân và 8 triệu đồng đối với tổ chức về hành vi vi phạm chở quả tải thì với Nghị định 107, mức xử phạt sẽ là 12 - 14 triệu đồng đối với cá nhân và 24 - 28 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 40% - 60% quy định; 14 - 16 triệu đồng đối với cá nhân và 28 - 32 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 60% - 100% quy định; 16 - 18 triệu đồng đối với cá nhân và 32 - 36 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe để vi phạm trọng tải phương tiện vượt trên 100% quy định.

Đồng thời, sắp tới, hành vi xếp hàng hóa lên xe cũng sẽ bị tăng nặng mức xử phạt. Trong khi Nghị định 171 chỉ quy định mức xử phạt chung từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 - 2 triệu đồng đối với tổ chức xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt quá trọng tải thiết kế thì ở nghị định mới, mức xử phạt tương ứng sẽ là từ 1 - 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 2 - 4 triệu đồng đối với tổ chức. Điểm đáng chú ý là, mặc dù các hành vi chở hàng quá tải trọng bị tăng nặng mức xử phạt nhưng nghị định mới lại cho phép bỏ, hoặc giảm thời gian tước giấy phép lái xe (GPLX) đối với một số hành vi chở vượt quá tải trọng cho phép. Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường, quy định này nhằm giảm áp lực đối với người lái xe khi vi phạm quy định ở mức độ chưa đến mức nghiêm trọng để có cơ hội sửa sai và bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, với những hành vi vi phạm ở mức nghiêm trọng, người lái xe sẽ phải chịu mức xử phạt rất nặng, đó là phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải trên 100%, đồng thời tước quyền sử dụng GPLX 3 tháng.

Siết chặt quản lý vận tải hành khách

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, sau hàng loạt các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách, từ 1-1-2015, sẽ có nhiều điểm mới trong công tác quản lý vận tải đối với loại hình vận tải hành khách. Cụ thể, từ ngày 1-7-2015, không được sử dụng xe khách có giường nằm 2 tầng để hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi. Từ ngày 1-7-2016, khoang chở hành lý của ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải được chia thành các ngăn để hành lý không bị xê dịch, đảm bảo an toàn của xe trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, Bộ GTVT cũng sẽ có những quy định chi tiết về việc sử dụng xe trung chuyển hành khách. Theo đó, xe trung chuyển không được tham gia hoạt động kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp.

Về xử lý vi phạm trong việc tổ chức và quản lý hoạt động vận tải sau vụ tai nạn tại địa bàn xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai làm chết 14 người và làm bị thương nhiều người, Bộ GTVT cho biết, cơ quan điều tra đã có kết luận làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với lái xe gây tai nạn. Sở GTVT TP Hà Nội và Sở GTVT Lào Cai đã có báo cáo về kết quả kiểm tra và đề xuất cho phép Công ty TNHH TM-DV Minh Thành Phát và chi nhánh khôi phục lại hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

BÍCH QUYÊN


* Taxi Uber kinh doanh trái phép

Ngày 1-12, Bộ GTVT cho biết đã nhận được kiến nghị của Hiệp hội Taxi TPHCM về việc thời gian qua trên địa bàn TPHCM xuất hiện loại hình taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên điện thoại để kết nối với khách hàng. Những xe này không có phù hiệu taxi, không logo, không đồng hồ tính cước, kết nối nhanh và chi phí thấp hơn so với loại taxi truyền thống.

Theo Bộ GTVT, hoạt động vận tải có thu tiền trực tiếp của người dân không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải như trên là trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc taxi Uber không đăng ký, không đóng thuế, giảm tối đa giá thành không chỉ gây thiệt hại cho nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng. Vì không có bộ máy quản lý, quyền lợi hành khách sẽ không được đảm bảo nếu xảy ra tai nạn giao thông, mất mát tài sản. Ngay với lái xe taxi tham gia vào mạng lưới này cũng sẽ không được bảo vệ trong trường hợp sự cố, ví dụ khách hàng mang hàng quốc cấm...

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục