Xem hoa lan Thái: Trông người lại ngẫm đến ta...

Sau chuyến tham quan các trang trại sản xuất và kinh doanh hoa lan tại Thái Lan, những người trồng lan tại TP.HCM đã mang nhiều trăn trở...

Đi một ngày đàng...

Các thành viên trong đoàn đều có cảm giác choáng ngợp khi tận mắt chứng kiến cách sản xuất và kinh doanh hoa lan tại đây. Thái Lan có nhiều trang trại lan ngút ngàn, phong phú chủng loại, đa dạng sắc màu. Từ những năm đầu thế kỷ 20, người Thái đã bắt đầu trồng lan như một thú tiêu khiển. Đến những năm 1950, thú chơi lan đã nhân rộng trong cộng đồng.

Trang trại lan Suvankit Chusan (tỉnh Nakhornpathum) trồng chủ yếu lan giống Denrobium, diện tích 6,4ha. Đây là trang trại quy mô không lớn nhưng ứng dụng các kỹ thuật cao. Suvankit Chusan thu lợi chủ yếu từ việc bán cây giống với doanh số hàng năm trên 10 triệu bạt (khoảng 4 tỷ đồng VN). Ngoài xuất khẩu sang Hawaii và Pháp, Suvankit Chusan còn mở một cửa hàng bán hoa tại Bangkok.

Thành lập năm 1989, Công ty Thai Orchids có một vườn sản xuất lan tại tỉnh Rachaburi và một nhà máy đóng gói xuất khẩu tại Bangkok. Trang trại lan của Thai Orchids rộng trên 32ha. Ngoài các phương tiện kỹ thuật cao như hệ thống giá thể xơ dừa (dùng để chuyển mô), hệ thống tưới tự động, có cả… hệ thống phát nhạc nhẹ.

Ông Jade Meyanyyieam, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, công ty đang thử nghiệm hệ thống này vì mới đây các nhà khoa học công bố, hoa lan phát triển tốt hơn, màu sắc đẹïp và hoa lâu tàn hơn là nhờ… hệ thống nhạc nhẹ phát liên tục trong vườn hoa. Trang trại Thai Orchids bán hơn 3.000 cành lan/ngày và bán lan giống nuôi cấy mô với 30% tiêu thụ nội địa. Phần lớn sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, doanh thu xuất khẩu mỗi năm từ 50-60 tỷ đồng.

Đoàn tham quan còn có một đêm dạo chợ hoa Pangkhok (ở trung tâm Bangkok). Họp từ  23g đến 5g sáng, chợ đêm Pangkhok là nơi tiêu thụ và là đầu mối xuất khẩu lan lớn nhất Thái Lan. Nơi đây có bán sỉ và lẻ đủ các loài hoa với các phụ kiện kèm theo (lá, vật dụng trang trí…).

Hoa lan được người Thái yêu thích nhất. 95% người Thái theo đạo Phật và họ thường chọn lan để dâng cúng Phật. Nghe đâu, Hoàng gia Thái còn dự định chọn giống lan Denrobium làm “quốc hoa” cho nước này.
 
Chừng nào theo kịp người Thái?

Sau chuyến đi, nhiều thành viên trong đoàn băn khoăn: “Đến bao giờ nghề trồng lan VN mới theo kịp Thái Lan?”. Theo Hội Hoa lan, cây cảnh TPHCM, hiện TPHCM có 61 hộ trồng lan với tổng diện tích 20ha. Đa phần vườn lan diện tích từ  500m2 đến 2.000m2, trên 1ha chỉ có vài hộ. Trong khi, tại Thái Lan vườn trồng có diện tích thấp nhất là 1,6ha, phần lớn trồng từ 10 đến 30ha.
 
Ông Trần Văn Xê, người trồng lan tại huyện Hóc Môn tâm tư: “Được mắt thấy, tai nghe, tôi cứ suy nghĩ không biết khi nào ta mới làm được như họ. Từ sản xuất đến quảng bá sản phẩm, họ rất chuyên nghiệp”.

Còn ông Trần Văn Bạch, chủ vườn lan gần 1ha (huyện Bình Chánh) thì lạc quan hơn: “Người Thái trồng lan với quy mô lớn, giá thành thấp, là yếu tố rất quan trọng để cạnh tranh. Tuy nhiên, chúng ta có thể sản xuất hoa đẹp hơn vì thời tiết tại TPHCM trồng lan thuận lợi hơn nhiều so với Bangkok. Từ lâu nay ta vẫn nhập giống chủ yếu từ Thái Lan, mà chưa có giống lan riêng”.

Ông Bạch cho hay, ông đang trình UBND TPHCM đề án thuê 5ha đất tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao (quận 12). Nếu được phê duyệt, nơi này sẽ xây dựng thành một vườn lan kiểu mẫu, ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất lan cắt cành và nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô…

Tại Thái Lan, các trang trại lan đều dự trữ giống và chuẩn bị giống mới (mua từ nước ngoài kết hợp với lai tạo giống nội địa) nhằm phục vụ thị hiếu người tiêu dùng. Ông Trần Minh Quý, chủ trại lan ở quận 2 trăn trở: “Phần lớn các trại lan ở VN đều tự nhân giống bằng cách chiết cành, muốn có một giống mới phải mất từ 3 đến 5 năm, có khi 10 năm mới chọn lọc được”. Nhiều người trồng lan bức xúc, đã có nhiều nghiên cứu về nhân giống lan, nhưng “nghiên cứu rồi để đó, không thấy áp dụng”.

Nhận định chung của các thành viên trong đoàn là: việc sơ chế, bảo quản lan ở VN còn quá sơ sài. Lan vận chuyển từ TPHCM ra Hà Nội chỉ được bảo quản bằng… cắt gốc, đóng gói nên hoa mau héo, chóng tàn. Hội Nông dân TPHCM cho biết, đến nay TP chỉ có một… đề tài nghiên cứu (sắp được bảo vệ tại Sở Khoa học - Công nghệ) về kỹ thuật bảo quản lan cắt cành!? Còn ở Thái Lan, trước khi ra thị trường, lan cắt cành được nhúng thuốc bảo quản, có thể giữ hoa tươi từ 2 tuần đến 1 tháng.

Ông Nguyễn Văn Rảnh, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM nhận định: “Tại Thái Lan, các chủ trang trại lan chủ động trong sản xuất và thị trường nhờ các biện pháp kích cầu mạnh mẽ của nhà nước: tổ chức các chợ đầu mối, triển lãm định kỳ và sự hỗ trợ từ các hiệp hội, ngành nghề… Còn người trồng hoa lan ở VN thì… tự bơi là chính”.

Theo ông Rảnh, vấn đề quan trọng là cần sớm lai tạo được giống lan VN với những ưu thế đặc thù. Có như vậy mới hạ được giá thành, phát triển nghề trồng lan và đẩy mạnh xuất khẩu.
 

MINH HỒNG

Tin cùng chuyên mục