- Không cho DN có vốn nước ngoài thuê đất trồng rừng
(SGGP).- Hôm nay 25-10, Quốc hội (QH) bước vào tuần làm việc thứ 2. Theo chương trình nghị sự, trong tuần làm việc thứ 2, QH tập trung vào công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, QH sẽ xem xét, thảo luận về các dự án Luật Phòng chống mua bán người; Luật Khiếu nại; Luật Bầu cử đại biểu QH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; Luật Viên chức; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Khoáng sản (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Cũng trong tuần này, QH sẽ dành 1 ngày làm việc ở tổ góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Trong ngày làm việc đầu tuần, QH sẽ thảo luận ở tổ về Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp. Dự kiến, nghị quyết sẽ có tác động tới hơn 11 triệu gia đình làm nông nghiệp. Theo đề nghị trước đó của Chính phủ, trong 10 năm tới, sẽ miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức của các gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất. Đồng thời, miễn giảm toàn bộ thuế đối với hộ nghèo, hộ sản xuất ở vùng đặc biệt khó khăn.
Chính phủ vừa có báo cáo mới nhất gửi đến Quốc hội, về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng. Theo báo cáo này, sau 15 năm cho phép doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trồng rừng tại VN, hiện cả nước có 8 dự án 100% vốn nước ngoài còn hiệu lực, gồm: 1 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản (tại Bình Định, diện tích đã được thuê 9.777ha); 1 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc (tại Bình Phước, diện tích 671ha); 1 dự án của nhà đầu tư Việt kiều Mỹ (tại Phú Yên, diện tích 50ha); 3 dự án tại các tỉnh Nghệ An, Lạng Sơn, Quảng Ninh được đầu tư dưới tư cách pháp nhân của doanh nghiệp Campuchia (Công ty Green Elite Group); 2 dự án tại Kon Tum, Quảng Nam được đầu tư dưới tư cách pháp nhân Công ty TNHH CP Innov Green Hồng Công (Trung Quốc).
Hầu hết dự án đều tuân thủ các quy định về cây giống, trừ việc Tập đoàn Innov Green dù chỉ mới được phép trồng thử nghiệm và khảo nghiệm giống bạch đàn cự vĩ tại tỉnh Quảng Ninh đã vội đem sang trồng tại tỉnh Lạng Sơn. Tại tỉnh Lạng Sơn, có một số diện tích đất Công ty Innov Green Lạng Sơn xin thuê trùng với diện tích rừng trồng 661, có cả phần rừng tự nhiên sản xuất xen kẽ, khu vực phòng thủ huyện. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã họp với doanh nghiệp này thống nhất sẽ loại bỏ toàn bộ diện tích thuộc 5 xã biên giới, khu vực điểm cao quân sự, khu vực chồng lấn, khu vực rừng nguyên liệu ra khỏi phạm vi dự án. Ngoài ra, Innov Green đã trồng trên diện tích 632ha đất đã khảo sát, đo đạc nhưng chưa được UBND tỉnh Lạng Sơn ký hợp đồng cho thuê đất.
Hướng xử lý, theo Chính phủ, giao Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương rà soát, kiểm tra điều chỉnh theo hướng thu hẹp diện tích các dự án trồng rừng tại các khu vực có liên quan hoặc có khả năng ảnh hưởng đến an ninh – quốc phòng. Đối với diện tích đã trồng rừng trên diện tích đã làm hồ sơ xin thuê đất nhưng chưa có quyết định cho thuê đất, chính quyền địa phương thống nhất địa điểm với cơ quan quốc phòng, nếu không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, thì trước mắt cho phép các doanh nghiệp chăm sóc, bảo vệ; trên cơ sở đó cho phép doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xin thuê đất để UBND các tỉnh cấp quyết định cho thuê đất đối với diện tích đã trồng.
Chính phủ khẳng định, sẽ không tiếp tục xem xét cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê đất đối với diện tích chưa có quyết định cho thuê. Nhà đầu tư có thể thông qua hình thức liên kết với các hộ dân, các đơn vị được giao đất để trồng rừng.
Anh Thư