Xem xét phân cấp mạnh hơn cho thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 20-5, đoàn công tác Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2016 cũng như lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của thành phố.
Xem xét phân cấp mạnh hơn cho thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 20-5, đoàn công tác Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo TPHCM về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2016 cũng như lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của thành phố.

Xem xét phân cấp mạnh hơn cho thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM

Tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng lại đang bị “trói buộc” bởi những cơ chế, kìm hãm sự sáng tạo, phát triển cũng như khả năng khai thác nguồn lực. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần coi sự phát triển của thành phố chính là sự phát triển của cả nước, để mạnh dạn phân cấp ủy quyền cho thành phố trong vấn đề tài chính công, thu chi ngân sách, quy hoạch, xử phạt hành chính… cũng như có những chỉ đạo cụ thể về cơ chế vùng để phát huy vai trò của TPHCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo đồng chí Đinh La Thăng, trước hết, Trung ương cần quan tâm đầu tư vốn ODA để phát triển giao thông cửa ngõ, kết nối thành phố với các tỉnh, thành xung quanh; đặc biệt là phê duyệt tổng mức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị, giải quyết được vấn đề ùn tắc. Cho thành phố được điều chỉnh quy hoạch, cơ chế chỉ định thầu để giải quyết tình trạng chung cư cũ xuống cấp… Về vấn đề thương mại, đồng chí Đinh La Thăng đề nghị cần mở văn phòng đại diện Ban chỉ đạo 389 tại thành phố để làm đầu mối chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái…

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ thưởng 10.000 tỷ đồng tiền vượt dự toán ngân sách năm 2015 cho thành phố; kiến nghị Chính phủ cho thành phố cơ chế đặc thù về phân cấp nguồn thu phù hợp với quy hoạch đô thị đặc biệt như cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (8% - 12% trong tổng thu) trong 10 năm; cho phép thành phố nghiên cứu cơ chế phụ thu thuế đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn phân cấp; cho phép thành phố được thu và hưởng 50% tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do cơ quan thuộc Trung ương quản lý.

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cho thành phố giữ lại nguồn thu từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm chủ sở hữu; kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho thành phố quyết định việc áp dụng cơ chế chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây mới chung cư sắp sập.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao kết quả kinh tế và tinh thần đổi mới, đột phá, trăn trở của TPHCM. Phó Thủ tướng đề nghị thành phố chủ động chuẩn bị đề án trình Chính phủ thí điểm một số vấn đề mới phát sinh chưa có quy định hoặc vượt quy định; Chính phủ sẽ xem xét cho áp dụng trên tinh thần càng sớm càng tốt.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị thành phố phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm cơ chế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị TPHCM, cũng như cơ chế điều phối giữa các địa phương trong vùng, trình Chính phủ xem xét; chủ động nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, quyết định vấn đề phân cấp mạnh hơn cho thành phố về quản lý tài chính, tự chủ thu chi ngân sách, quy hoạch, tổ chức nhân sự, thẩm quyền xử phạt hành chính… đảm bảo nguyên tắc thị trường, tự chọn tự chịu trách nhiệm, tránh tình trạng dưới đẩy lên trên. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị thành phố tăng cường quản lý nhà đất, tài sản công; sớm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017; định hướng đến năm 2020 đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ khởi nghiệp thành phố.

 Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, 4 tháng đầu năm 2016 kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,57% so với tháng 12-2015. So với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,7 tỷ USD, tăng 5%, sản xuất công nghiệp tăng 6,2%, nông nghiệp tăng 5,9%, thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2016 đạt 98.572 tỷ đồng, tăng 4,44%.

HÀN NI


Tạo cơ chế để quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia phát triển khoa học, công nghệ

Cùng ngày, đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phát triển khoa học công nghệ phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, gắn với thị trường tài chính, lao động, hàng hóa dịch vụ…; đồng thời cần có quỹ đầu tư mạo hiểm cá nhân tham gia như ở nhiều nước tiên tiến đã từng thực hiện thành công. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải nghiên cứu tạo cơ chế để các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân tham gia.

Đánh giá cao vai trò dẫn đầu cả nước trong việc thu hút đầu tư, sản xuất, phát triển năng lực khoa học công nghệ, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, Khu công nghệ cao TPHCM cần tính toán thêm nguồn lực đầu tư vì giá trị gia tăng hiện tại vẫn còn thấp, cần lựa chọn những doanh nghiệp sử dụng hàm lượng khoa học công nghệ cao chứ không đơn thuần là các nhà lắp ráp. Cùng với đó, Khu công nghệ cao thành phố cần thu hút nhiều ý tưởng, sáng kiến, phát minh khoa học từ các trường, viện, trung tâm nghiên cứu đồng thời nỗ lực thương mại hóa các sáng kiến đó thành những sản phẩm cụ thể để Khu công nghệ cao thành phố trở thành vườn ươm khoa học công nghệ và là nơi khởi nghiệp doanh nghiệp trung tâm.

TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, hiện Khu công nghệ cao TPHCM có 97 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, giá trị sản lượng sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp đều tăng. Lũy kế đến tháng 4-2016, khu công nghệ cao có giá trị xuất khẩu đạt 16,4 tỷ USD và nhập khẩu 14,6 tỷ USD. Sản phẩm của khu công nghệ cao chiếm 94% nhóm ngành sản phẩm công nghệ cao của thành phố. Tuy nhiên hiện vẫn có một số doanh nghiệp có doanh số lớn nhưng giá trị gia tăng thấp do cơ bản là lắp ráp, kiểm định sản phẩm.

MINH TÂM

Tin cùng chuyên mục