Xếp đặt bàn thờ ở đâu ?

Xếp đặt bàn thờ ở đâu ?

Từ lâu, tôi rất ít quan tâm đến phong thủy và không hiểu nhiều, có tư tưởng sai lệch cho rằng phong thủy mang nặng tính dị đoan, không phù hợp với đời sống công nghiệp phát triển hiện đại ngày nay. Gần đây, tôi được đọc mục “Khoa học Phong Thủy” của Chuyên trang Nhà đất mới thấy là mình đã sai. Qua các bài viết người đọc thấy rõ tính khoa học, giải pháp thực tế để tích lũy kinh nghiệm khi làm nhà hoặc chỉnh sửa nhà mình sao cho phù hợp hơn. Nhân đây, tôi xin hỏi và mong được phúc đáp:

– Tôi thấy người Việt luôn đặt bàn thờ tổ tiên ngay trung tâm gian chính căn nhà (phòng khách), trong khi các kiến trúc sư ngày nay lại đẩy bàn thờ lên sân thượng hoặc lầu (nhà phố), điều này có hợp không, vì trong thực tế nó mất đi tính truyền thống, rất bất tiện trong việc hương khói và chăm sóc quét dọn hàng ngày (người làm việc thờ cúng này thường là lớn tuổi mà phải lên lầu cao; ngày giỗ, Tết lại càng thấy bất tiện, thiếu ấm cúng).

– Nhà ống có cửa chính đặt lệch một bên, đặt bàn thờ (tủ thờ) đối diện cửa có nên không?
Nguyễn Văn Liêm - 219/ 6 Trần Văn Đang, P11, Q3

Xếp đặt bàn thờ ở đâu ? ảnh 1

Hình 1

Trên đây là một trong số nhiều thư bạn đọc hỏi về việc bố trí, xếp đặt không gian sao cho hài hòa Phong Thủy. Chúng tôi xin dành mục Khoa học Phong Thủy kỳ này để giải thích kỹ hơn về những vấn đề bạn đọc quan tâm.

* Vận dụng linh hoạt các giá trị truyền thống

Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt ta xưa nay luôn đặt bàn thờ tổ tiên tại trung tâm gian chính. Do gian chính cũng thường là chỗ tiếp khách nên có suy nghĩ cho rằng hai không gian này là một. Thực ra những nhà có điều kiện vẫn thường hay làm gian thờ riêng biệt, có thể kết hợp là nhà thờ tự của cả dòng họ. Người xưa không đưa gian thờ lên lầu, đơn giản là vì ngôi nhà thuở đó đa phần… không có lầu (ngoại trừ cung điện, chùa tháp) và kết cấu nhà chủ yếu bằng khung gỗ, tranh tre, chưa có sàn đúc nên gian thờ phải ở dưới trệt để vững chắc, ổn định.

Xếp đặt bàn thờ ở đâu ? ảnh 2

Hình 2

Mặt khác, người Việt vốn là cư dân vùng nông nghiệp lúa nước nên luôn làm nền nhà cao so với mặt đất, dạng nhà sàn hoặc nhà đắp nền để tránh ẩm thấp, ngập nước và đề phòng thú dữ. Gian thờ nằm trong ngôi nhà thường có bậc thềm khá cao, phía trên bàn thờ là thiên đỉnh của mái nhà và lối có thoát hơi nóng ra đầu hồi, không có sinh hoạt nào khác cao hơn bàn thờ.

Trong ngôi nhà hiện đại, xếp đặt gian thờ cũng phải tuân thủ chặt chẽ và vận dụng linh hoạt các nguyên tắc truyền thống nêu trên, đó là: tại vị trí cao, phía trên bàn thờ là nóc nhà và bầu trời, không có các phòng ốc khác đè lên, phía trước bàn thờ là các không gian trang trọng, phía sau là cầu thang và không gian phụ như sân phơi, kho. Như vậy phòng thờ đặt tại lầu trên cùng sẽ đạt được các tiêu chí này. Mặt khác, nhà phố thường bị vây chặt bởi các nhà chung quanh, nếu đặt bàn thờ dưới tầng trệt ngay trong phòng khách bước vào sẽ khó thông thoáng, thắp nhang nhiều ố vàng cả trần nhà, rồi trên đầu của bàn thờ có khi là phòng vệ sinh, phòng trẻ em chơi đùa… sẽ làm giảm tính tôn nghiêm. Đó là chưa kể đến việc từ ngoài cửa đã nhìn thấy hết bàn thờ, bài vị, hình ảnh tổ tiên. Chúng ta hãy để ý trong ngôi nhà truyền thống bộ bàn ghế tiếp khách được đặt ngay trước bàn thờ, nhưng trước khi vào chỗ này khách phải đi qua sân, rồi bậc thềm, hàng hiên rồi mới đến không gian trong nhà, nhìn từ ngoài vào hầu như không thấy bàn thờ. Đó là do khuôn viên ngôi nhà xưa rộng, bố cục thường là đăng đối, xen lẫn cỏ cây chung quanh, ngôi nhà hiện đại (nhà phố căn hộ) không thể giống vậy được.

Xếp đặt bàn thờ ở đâu ? ảnh 3

Hình 3

Bản chất Trường Khí phòng thờ (hay bàn thờ) thuộc tính Âm, không ưa sự phô trương, mang tính đối nội (ngay cả trong ngày giỗ hay Tết thì thờ cúng cũng là việc riêng của gia đình đó, người ngoài đến muốn thắp nén nhang phải xin phép gia chủ). Về Ngũ Hành thì bàn thờ thuộc hành Hỏa và Mộc là 2 hành hướng lên cao và cần sự chăm sóc mỗi ngày. Trừ bàn thờ Ông Địa Thần Tài là tín ngưỡng dân gian mọi nhà giống nhau, đặt gần cửa để nghinh tiếp tài lộc, còn lại bàn thờ gia tiên và tôn giáo riêng của mỗi gia đình (thờ Phật, thờ Chúa…) nên mang tính hướng nội, không cần phải đặt ngay trong phòng khách. Tu tại tâm, đó là điều cha ông cũng thường hay khuyên con cháu. Hơn nữa việc ngày ngày đi lên nhang khói một chút thiết tưởng không lấy gì làm nặng nhọc đối với người khỏe mạnh. Nhiều gia đình đã giáo dục con cháu ý thức hướng về tổ tiên, có sự phân công luân phiên nhau các thế hệ đều có thể lau dọn bàn thờ chứ không phải là một “đặc quyền” của người cao tuổi.

* Chọn giải pháp tùy theo hoàn cảnh

Xếp đặt bàn thờ ở đâu ? ảnh 4

Hình 4

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là phòng thờ phải đặt trên lầu thượng, nhất là đối với gia đình neo người, sức khỏe kém, đi lại lên xuống khó khăn. Giải pháp toàn diện hơn cả là phải tính toán một vị trí đặt phòng thờ (hoặc bàn thờ) ngay từ khi bắt đầu thiết kế xây nhà sao cho phù hợp. Ví dụ muốn đặt dưới tầng trệt thì phòng thờ (bàn thờ) nên nằm kề cận giếng trời hoặc trong khoảng thông tầng (nhà có lửng) và như đã nói ở trên, nên về phía sau nhà và không “lộ diện” ra phòng khách, nhất là đối với phòng khách có trang trí theo lối hiện đại vì sẽ tạo ra hình ảnh khập khễnh trong bố cục nội thất. Đặt trên lầu cũng vậy, chỗ thờ nên kín đáo đối với người ngoài và gần gũi với người trong gia đình, nhưng không được kết hợp phòng thờ làm phòng ngủ hay làm việc. Có thể đặt bàn thờ tại vị trí sảnh tầng, đầu mối giao thông lên xuống.Trường hợp nhà có khuôn viên rộng, nhà trệt dạng biệt thự vườn… thì nên thiết kế một gian nhỏ làm phòng thờ, có thể mô phòng theo hình thức truyền thống, kết hợp làm thư viện gia đình hay phòng thiền (Hình 2).

Đối với căn hộ chung cư, diện tích nhỏ thì bàn thờ nên đặt gần cửa thông thoáng, vẫn phải đảm bảo sự thông thoáng và thống nhất về hình thế của tủ thờ sao cho tương ứng với không gian căn hộ. Có thể dùng hình thức tủ thờ kết hợp với tủ trang trí, tủ ngăn phòng. Chúng ta có thể tham khảo một số mẫu bố trí dưới đây để tìm thấy cách xếp đặt bàn thờ sao cho phù hợp với nhà mình (Hình 3).

Về vấn đề bàn thờ thẳng hàng với cửa chính, giải thích ở trên đã cho ta thấy tính chất của không gian thờ cúng rồi. Thực ra khoa học Phong Thủy không bắt buộc chỗ nào thì không được, chỗ nào thì được, mà quan trọng hơn cả là các bố trí nội thất của một ngôi nhà có mối quan hệ mật thiết với nhau. Để tránh Trực Xung thì người ta thường đặt bình phong hay chậu cây thẳng với cửa chính, hướng luồng di chuyển từ ngoài không xông thẳng vào bên trong.

HOÀI AN

Tin cùng chuyên mục