Triển khai Chỉ thị 14 của Ban Bí thư

Xét công nhận người có công nếu không có khiếu nại, phản ánh

Ngày 18-9 tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đồng thời tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu thăm hỏi người có công ở huyện Nhà
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu thăm hỏi người có công ở huyện Nhà
Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư nêu rõ: Thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh liệt sĩ, người có công và phong trào “đền ơn đáp nghĩa”…, công tác người có công với cách mạng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. Một bộ phận người có công với cách mạng vẫn chưa được xác nhận, số liệt sĩ chưa tìm được hài cốt hoặc chưa xác định được danh tính còn nhiều; việc huy động, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; đời sống của một bộ phận gia đình người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn; tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội…

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020 có 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp… quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác người có công với cách mạng; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh và đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng… Ban hành pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành. Nghiên cứu thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công với cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài; chính sách đối với người bị ảnh hưởng chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến… Giải quyết hồ sơ tồn đọng, đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng và không bỏ sót. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng. Tiếp tục đẩy mạng công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ… 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực mà toàn thể ngành LĐTB-XH, quân đội, công an, các bộ ngành, đoàn thể… đã thực hiện được để thể hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” với các anh hùng liệt sĩ, người có công đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, vì tương lai của đất nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư là những nội dung quan trọng và đã được thực hiện từ nhiều năm nay nhưng cần được triển khai với một tâm thế, trách nhiệm cao hơn.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là cần tập trung giải quyết những hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng, đảm bảo đến năm 2020 sẽ giải quyết cơ bản xong tất cả hồ sơ còn tồn đọng. Theo Phó Thủ tướng, trước đây khi thẩm định hồ sơ người có công, chúng ta làm rất chặt chẽ, phải có đầy đủ bằng chứng thì mới công nhận, nhưng qua trao đổi thảo luận thì có những hồ sơ trong thực tế không thể đầy đủ như quy định, nên hướng giải pháp để tháo gỡ hồ sơ tồn đọng trong thời gian tới là thông qua nhiều phương pháp để thu thập, minh bạch thông tin và nếu không có khiếu nại, phản ánh theo chiều ngược lại thì chúng ta sẽ giải quyết cho người có hồ sơ đề nghị xem xét. Đây là một điểm rất mới cần phải quán triệt ở các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ như Chỉ thị số 14 đã nêu rõ. Hiện nay cả nước vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Đồng thời chế độ cho thương binh, liệt sĩ và người có công cũng cần được mở rộng diện đối tượng và nâng mức hỗ trợ phù hợp với khả năng hiện tại, phấn đấu đến năm 2020 có 100% người có công, gia đình chính sách có mức sống bằng mức sống trung bình của địa phương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải tuyên truyền và khơi dậy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” thành một phong trào. Phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn, chăm lo tốt hơn cho người có công, gia đình chính sách chính là thể hiện tấm lòng tri ân đối với những người đã có công với đất nước. 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cũng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích trong công tác thực hiện và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác người có công, trong đó có bằng khen cho Báo SGGP. 

Tin cùng chuyên mục