Tôi có đứa cháu 9 tuổi và do có biểu hiện không bình thường, lúc nhớ lúc quên nên cha mẹ cháu phải đưa đi khám bệnh về tâm thần và làm test về chỉ số IQ. Bác sĩ nói rằng, chỉ số IQ của cháu thấp, khó nhớ những gì phức tạp như tính toán. Vậy mà đi học cháu vẫn được xếp loại học lực khá và được lên lớp 4. Hỏi con tại sao làm được các bài toán kiểm tra trên lớp và thi học kỳ thì cháu vô tư trả lời: “Con không biết làm bài. Khi các bạn đã nộp bài rồi, cô mới chỉ cho con làm lại. Thấy con làm sai, cô đưa bài của bạn học giỏi cho con chép lại…”.
Nghe con kể như thế, gia đình tôi hiểu vì sao cháu mình được lên lớp đều đều. Biết rõ năng lực của con mình, cha cháu đến lớp xin nhà trường cho cháu học lại năm lớp 3 nhưng nhà trường không đồng ý và động viên cứ cho cháu học tiếp lớp 4. Ngoài trường hợp cháu tôi xếp loại học lực tiên tiến, còn cả lớp đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Gia đình tôi chấp nhận tình trạng chậm phát triển về trí tuệ của cháu mình nhưng thấy buồn vì bệnh thành tích của trường và nói xa hơn là của toàn ngành giáo dục. Khi có dịp tìm hiểu kỹ, tôi mới hiểu áp lực về thành tích thi đua của ngành giáo dục và rải đều từ học sinh đến giáo viên chủ nhiệm, khối học, toàn trường và cao hơn là đến phòng giáo dục quận, huyện và cấp tỉnh, TP. Do chạy theo thành tích thi đua nên nhiều trường cố tình “xếp nhầm” chỗ học cho học sinh, thậm chí học hết tiểu học, nhiều em không biết làm những bài toán đơn giản như cộng trừ, thậm chí viết sai chính tả. Nhiều giáo viên bộc bạch, biết học trò của mình không có năng lực, trí tuệ chậm phát triển nhưng không thể cho ở lại lớp vì ảnh hưởng đến thành tích chung. Không những thế, để đạt được danh hiệu này, thành tích kia, nhiều trường cố tình che giấu sự thật về học lực yếu, trung bình của học sinh và đẩy tỷ lệ học lực khá, giỏi cao hơn thực chất.
Mặc dù ngành giáo dục - đào tạo ở các cấp đã “tuyên chiến” và tuyên bố “nói không với bệnh thành tích, tiêu cực” nhưng trên thực tế căn bệnh này vẫn tồn tại, biến tấu dưới nhiều hình thức. Vì thế, để đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, phát triển nền giáo dục thực học, thực làm thì từ giáo viên đến các cấp quản lý giáo dục phải thay đổi tư duy, nhận thức và hành động đúng. Khi đánh giá sai năng lực học sinh thì chúng ta không thể có giải pháp đào tạo, hướng nghiệp đúng. Đó là chưa kể, việc đánh giá sai năng lực của học trò sẽ khiến các em và gia đình ảo tưởng về thành tích, trí tuệ của con mình.
LỆ HÒA