Xóa bằng được lỗ hổng trong công tác cán bộ

Một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 lần này là “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Gần 2 năm qua, hàng loạt công việc đã được tiến hành từ Trung ương tới địa phương để có đề án cuối cùng trình Hội nghị lần thứ 7, nhằm ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cách đây hơn 20 năm, Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được ban hành (ngày 18-6-1997) là sự thể chế hóa đường lối cán bộ của Đảng nhằm tạo ra bước chuyển biến căn bản và toàn diện của đội ngũ cán bộ. 20 năm qua, Chiến lược cán bộ đã hoàn thành sứ mệnh, tạo khung thể chế cho sự định hình và phát triển đội ngũ cán bộ của thời kỳ phát triển mới của đất nước. Có thể khẳng định rằng, sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng không mạnh. Nếu năm 1997 có hơn 1,35 triệu cán bộ, công chức, viên chức thì năm 2017, số cán bộ, công chức, viên chức đã tăng gấp đôi với hơn 2,72 triệu người. Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Trình độ tư duy và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của một bộ phận cán bộ còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế. Không ít cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa gương mẫu, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có nhiều lợi ích. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật. “Những khuyết điểm, yếu kém của đội ngũ cán bộ đã hạn chế đến khả năng phát huy các tiềm năng, thế mạnh khi thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước; xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” - đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 (tháng 1-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu ngành Tổ chức Xây dựng Đảng phải tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7. Đề án này phải kế thừa, bổ sung, đổi mới và phát triển trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ; thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh 2011, Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng; với tinh thần là chuẩn hóa và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực. Cũng tại hội nghị này, Tổng Bí thư đã nêu rõ công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức Xây dựng Đảng trong việc này thế nào?”. “Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm không đúng, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Nếu nói “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công việc của ban tổ chức các cấp, cụ thể là công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Nếu cái “chốt” này rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu “chốt” mọt hoặc trục trặc thì tình hình sẽ rất khó lường. Nói cách khác, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Xây dựng Đảng là xây dựng “tổ chức” và xây dựng “con người”, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Chính vì vậy, Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt việc xây dựng đội ngũ cán bộ một cách bài bản, khoa học, mang tính chiến lược, bảo đảm sự thống nhất giữa đường lối cán bộ với đường lối chính trị, giữa giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ với nâng cao năng lực thể chế hóa.

Tin cùng chuyên mục