Xóa bỏ “đọc - chép”

Phương án thi tốt nghiệp THPT mới, gồm 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến của xã hội khá gấp, nhưng đã nhận được sự đồng thuận tương đối lớn, và chiều 24-2 Bộ đã chốt lại để có thể áp dụng ngay từ năm 2014 này.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, cả 3 lần đổi mới giáo dục trước đây mới chỉ chú ý đến thay đổi chương trình, sách giáo khoa mà chưa chú ý đến thay đổi mục tiêu giáo dục, phương pháp giáo dục. “Cần thấy rõ thực trạng kiến thức có thể khác nhau, cách học của học sinh hôm nay có thể khác thế hệ trước, học sinh hôm nay có thể ngồi trong phòng máy lạnh, có máy vi tính... nhưng lâu nay vẫn chủ yếu là cách học thầy đọc - trò chép, truyền đạt kiến thức thụ động một chiều, học gì thi nấy. Mấy chục năm qua chúng ta vẫn giữ nguyên cách dạy và học như vậy. Gần đây, khi kiến thức nhân loại càng bùng nổ, giáo viên càng cố nhồi nhét kho kiến thức đó vào đầu học sinh, vì thế mà gây nên quá tải”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Nói để thấy, chưa bao giờ như lúc này, yêu cầu thay đổi cách dạy, cách học đọc - chép mà lâu nay ngành giáo dục Việt Nam đang vận hành lại trở lên bức thiết như vậy. Bức thiết vì những kiến thức ngày xưa được dạy ở đại học giờ đây đã tràn hết xuống phổ thông; vì ngoài đời có môn khoa học nào thì trong trường phổ thông có môn khoa học đó, vì thế không thể không tránh việc dạy - học kiến thức hàn lâm, trùng lắp, chồng lấn. Thực tế này kéo dài bao năm nay đến mức Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng phải thừa nhận: “Bây giờ tôi làm bộ trưởng cũng chả bao giờ dùng đến những kiến thức toán học đã được dạy. Nhưng lâu nay chúng ta hay an ủi nhau rằng, kiến thức được học dù không được vận dụng thì cũng trang bị cho học sinh cách tư duy”.

Rõ ràng, thay đổi cách dạy cách học đã là yêu cầu không thể chậm trễ hơn nữa. Học sinh đến lúc phải biết học một cách chủ động và giáo viên cũng dạy một cách chủ động. Phải đặt dấu chấm hết thời dạy và học theo kiểu thầy đọc - trò chép với yêu cầu ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Đổi mới giáo dục lần này yêu cầu học sinh học xong bậc THCS là lĩnh hội được những kiến thức cơ bản. Trên nền tảng đó, bắt đầu từ bậc THPT sẽ dạy học sinh theo hướng phân hóa cao, tự chọn nhằm coi trọng, khơi gợi, nuôi dưỡng những năng khiếu, thiên hướng của học sinh. Đó là lý do mà bắt đầu ngay từ năm 2014, ngành giáo dục đổi mới thi tốt nghiệp THPT với 4 môn trong đó có 2 môn tự chọn. Tự chọn để học sinh bước đầu xác định thiên hướng nghề nghiệp cho cuộc đời mình.

Một thuận lợi rất lớn là xã hội đồng tình cao với hướng đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT, đó cũng là cơ hội để hàng triệu học sinh phổ thông cả nước giảm bớt gánh nặng thi cử ở năm cuối cấp. Vấn đề đặt ra giờ đây là ngành giáo dục phải sẵn sàng đội ngũ để tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT thật trung thực, khách quan. Chỉ một kỳ thi có kết quả trung thực thì mới có ý nghĩa đối với việc đổi mới học hành, thi cử, có cơ sở để xét tuyển những em xứng đáng nhất vào ĐH-CĐ. Muốn thế, khâu ra đề thi phải được đặc biệt chú trọng để khắc phục triệt để việc yêu cầu học sinh dẫn giải, ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, học tủ, học vẹt. Thực tế, chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã kể lại câu chuyện có du học sinh nói với Bộ trưởng rằng Bộ GD-ĐT đang cản trở sự phát triển của KH-CN khi cấm học sinh mang các thiết bị công nghệ vào phòng thi, tức là thay vì khuyến khích học sinh sử dụng các thiết bị hiện đại để khai thác, tổng hợp kiến thức đã được học thì bộ chỉ dừng ở việc bắt học sinh học thuộc, nhớ máy móc những kiến thức đã được truyền thụ một chiều khi làm bài thi. Rõ ràng, đề thi phải là sản phẩm cuối cùng của việc thay đổi cách dạy và học, biến quá trình truyền thụ kiến thức một chiều hiện nay thành quá trình phát triển năng lực học sinh, để học sinh biết vận dụng, tổng hợp kiến thức đã được học. Chỉ có như thế mới hình thành được kỹ năng làm việc nhóm, lắng nghe, tiếp thu, phê bình, phản biện... của học sinh, vốn là những thứ xa xỉ đối với học sinh Việt Nam.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục