Đồng hành với doanh nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng bộ, UBND TPHCM đối với doanh nghiệp của một thành phố là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Đồng hành không có nghĩa chỉ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn, mà hơn hết và xuyên suốt là giải quyết các bức xúc, tạo môi trường thông thoáng, thông suốt cho doanh nghiệp. Hoạt động này đã được UBND TPHCM giao Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) thực hiện các chương trình “Đối thoại với doanh nghiệp”.
Với con số gần 100 cuộc đối thoại mỗi năm, tức trung bình 3,6 ngày chương trình có một cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Không chỉ giải quyết trực tiếp theo chương trình, kế hoạch, giờ đây địa chỉ www.doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn và hộp thư doithoai@itpc.gov.vn đã thành bạn đồng hành với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có bất kỳ thắc mắc, phản ánh gì đối với hệ thống chính quyền TP, có thể gởi thông tin về địa chỉ này sẽ được giải trả lời trong vòng 5 ngày.
Như vậy, mọi tâm tư, bức xúc của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thực hiện các thủ tục ở các ngành khá “nhạy cảm” như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… đã kịp thời được giải quyết.
Từ những bức xúc về cán bộ công chức thiếu trách nhiệm, vòi vĩnh người dân và doanh nghiệp đến những thắc mắc về chế độ chính sách, hay các kiến nghị, đóng góp hoàn thiện các quy định đã được doanh nghiệp và người dân bày tỏ trực tiếp với lãnh đạo đầu ngành trong các cuộc gặp gỡ. Nói như ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM: qua tiếp xúc, phản ánh của doanh nghiệp, lãnh đạo sẽ nắm rõ hơn cán bộ của mình, để từ đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại.
Không chỉ lắng nghe và thấu hiểu hay chia sẻ, mà để giải quyết tận gốc những bức xúc của doanh nghiệp, ITPC đang kiến nghị UBND TP đề xuất các bộ ngành - đơn vị, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật - cùng tham gia đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp. Như vậy, cuộc đối thoại sẽ được nâng lên một chất mới. Bởi vì như lâu nay, cuộc đối thoại chỉ dừng lại ở việc giải quyết của các sở ngành TP - chỉ là những cơ quan thực thi hành pháp luật.
Trong khi đó, hiện tại vẫn còn rất nhiều vấn đề bức xúc do các văn bản quy phạm pháp luật thiếu thực tế, không khả thi gây ra, cần được các cơ quan có thẩm quyền (bộ, ngành) lắng nghe, chấn chỉnh. Như quy định hàng vật liệu xây dựng nhập khẩu phải có ISO môi trường là không có tính khả thi, đang gây khó khăn doanh nghiệp; hay quy định chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua căn hộ khi người chuyển nhượng mới thanh toán được 20%-30% giá trị căn hộ mà phải nộp thuế trên 100% giá trị căn hộ chuyển nhượng, đang gây bức xúc trong dân… nhưng đến giờ vẫn chưa được các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa chữa.
Một khi người ban hành văn bản quy phạm pháp luật và người thực thi, thi hành pháp luật có cơ hội gặp gỡ, trao đổi để cùng hoàn thiện, chắc chắn các quy định pháp luật không còn là rào cản đối với doanh nghiệp mà trở thành động lực cho doanh nghiệp chân chính kinh doanh, phát triển.
Doanh nghiệp phát triển có nghĩa là đất nước phát triển. Song quá trình phát triển ấy, do chủ quan và khách quan, hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành chức năng để doanh nghiệp có thể vượt qua, làm giàu cho đất nước và cho sự lớn mạnh của chính doanh nghiệp.
Chế Hân