Xóa cái “khoái” vùng quê

Chuyến đi xấu hổ
Xóa cái “khoái” vùng quê

“Nhất tắm sông, nhì ị đồng” là câu cửa miệng của nhiều nông dân về sự sảng khoái trong nếp sinh hoạt của mình. Được thỏa sức vẫy vùng trong dòng nước mát trong của con sông quê hương thì thích thú đã đành. Nhưng còn cái nhì, khoái đâu chẳng biết, chỉ thấy hậu quả nhãn tiền là gây ô nhiễm trầm trọng cả môi trường tự nhiên và văn hóa. Thế nên ngày ngày, vẫn có những người cần mẫn tỏa về các vùng quê để xóa cái gọi là khoái ấy.

Một buổi kích hoạt thuộc chương trình CLTS tại tỉnh Cao Bằng.

Một buổi kích hoạt thuộc chương trình CLTS tại tỉnh Cao Bằng.

Chuyến đi xấu hổ

Hàng chục bà con nông dân đứng quây quanh sàn nhà văn hóa được hướng dẫn vẽ bản đồ của xóm. Dây ni lông là đường lớn, sợi vải xanh làm suối, lá cây làm cánh đồng lúa... sơ đồ xóm dần dần hiện lên. Rồi chị Hoàng Thị Nga, tuyên truyền viên, đề nghị mọi người lấy giấy viết tên và định vị nơi nhà mình ở. Xong xuôi, mỗi người được yêu cầu nhúm một ít bột màu vàng bỏ lên miếng giấy trắng rồi đặt vào nơi mà sáng nay mình vừa đi đại tiện. Kết quả, đa số phóng uế ngoài đồng và bột vàng phủ khắp xóm.

Tiếp đó, mọi người được yêu cầu cùng ra một khoảnh ruộng, quây quanh một bãi phân mà ai đó vừa gửi vào đất. Chị Nga nhẹ nhàng nói:

- Các bác có ngửi thấy mùi gì không ạ?

Người bảo thối, kẻ bảo hôi.

- Các bác có thấy sợ không ạ?

Người bảo sợ, kẻ bảo quen rồi.

- Các bác thấy sợi tóc này nhé (nhổ một sợi tóc trên đầu một người phụ nữ), bé như chân mấy con ruồi thôi ạ. Bây giờ con ruồi đậu vào đống phân, như mình dùng sợi tóc quệt lấy một ít phân như thế này. Ruồi đậu vào cốc nước (khuấy sợi tóc có dính phân vào cốc nước, phân dần tan trong nước không để lại dấu vết gì có thể nhận ra bằng mắt thường). Các bác đi làm về không biết có uống không ạ?

Bốn phía vang tiếng xì xào, kẻ nói “có”, người bảo “đã nhìn thấy thì không dám uống”, người quay mặt đi kêu “khiếp, ghê quá”, kẻ khịt mũi, người khạc nhổ…

Ví dụ trực quan về “Chuyến đi xấu hổ” ấy đã giúp bà con nhận ra hậu quả tai hại của việc đại, tiểu tiện bừa bãi của mình. Để rồi mọi người cùng thống nhất muốn không phải xấu hổ mỗi lúc đi ngoài, muốn không phải chịu những tác hại của phân thải bừa bãi đối với sức khỏe của chính mình và con em mình thì phải xây nhà vệ sinh tại nhà. Muốn ruồi, muỗi, côn trùng không bu vào phân rồi lại đậu vào thức ăn, nước uống thì phải làm nhà vệ sinh hai ngăn sạch sẽ. Đó là hoạt động của buổi kích hoạt chương trình Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ do ChildFund Việt Nam thực hiện tại xóm Pác Nà, xã Hồng Định, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

Dẫn chúng tôi đi xem nhà vệ sinh hai ngăn hai cửa của gia đình, anh Vi Văn Núi ở xóm Lạn Dưới, xã Đoài Khôn tự hào: Sau đợt kích hoạt tôi đã vượt qua được khoảng cách 1,5m giữa nhà tiêu tạm và nhà tiêu hai ngăn này. Điều mà 5 năm trước chưa làm được”. Chả là trước đây nơi giải quyết đầu ra của cả nhà anh chỉ là những tấm bao tải xác rắn quấn quanh mấy chiếc cọc tre, quây một cái hố đất mở. Cái chỗ ấy lúc nào cũng ruồi nhặng bu đầy, hôi thối nồng nặc. Nhưng thấy mãi cảnh ấy nên quen. Chỉ đến khi tham gia buổi kích hoạt, anh mới buồn nôn, thấy sợ rồi quyết tâm về xây cái nhà vệ sinh tử tế.

Anh Vi Văn Thà, người cùng xóm với anh Núi, nhớ lại: “Khi chuẩn bị làm (nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh) thì vợ tôi lo lắng: “Mình làm trước nếu không được hỗ trợ (tiền dự án) thì sao?”. Nhưng tôi nói: “Mình làm cho mình dùng chứ cho ai mà phải chờ. Bây giờ có nhà tiêu đi thấy sướng quá”. Ở xóm Tẩu Thoong, xã Ngọc Động người dân còn cứ gặp là nhắc nhau “xây nhà tiêu hai ngăn chưa”. Thậm chí, bà con còn rủ nhau hai nhà hàng xóm góp tiền xây nhà tiêu thấm dột, tự hoại có nước dội, có xà phòng rửa tay kết hợp với nhà tắm sạch sẽ.

Thay nhận thức, đổi hành vi

Community-led Total Sanitation (CLTS), dịch sang tiếng Việt là Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ được TS Kamal Kar (người Ấn Độ) khởi xướng. Năm 2000, lần đầu tiên ông giới thiệu phương pháp này tại làng Mosmoil, quận Rajshahi, Bangladesh và hiện đã được triển khai tại gần 30 quốc gia trên thế giới. Đây là một phương pháp mới nhằm đạt được và duy trì tình trạng không phóng uế bừa bãi qua việc hướng dẫn cộng đồng phân tích thực trạng vệ sinh, thói quen đi vệ sinh và hậu quả của nó. Không giống các cách tiếp cận khác trợ cấp bằng tiền mặt hay vật tư cho hộ gia đình và tập trung vào xây dựng nhà vệ sinh, CLTS tập trung vào động cơ thay đổi hành vi vệ sinh của cộng đồng.

Tháng 3 năm 2011, ChildFund Việt Nam bắt đầu đưa CLTS vào thực hiện tại 7 xóm thuộc 3 xã là Hồng Định, Ngọc Động và Đoài Khôn của huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Sau khi dùng liệu pháp gây sốc để các hộ gia đình tham gia chương trình kích hoạt thấy xấu hổ về hành vi của mình, ban quản lý dự án Nước sạch và vệ sinh môi trường đã hỗ trợ và hướng dẫn cho các hộ dân xây dựng nhà vệ sinh hai ngăn đúng cách. Một số hộ dân thực hiện tốt đã được hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng (50% chi phí) để xây dựng nhà vệ sinh kiên cố. Tổng kinh phí thực hiện dự án năm 2011 là hơn 1 tỷ đồng, trong đó phần thực hiện kích hoạt là 550 triệu đồng, phần hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh là 450 triệu đồng, hỗ trợ được cho 242 hộ dân xây dựng nhà vệ sinh riêng.

Sau chương trình thí điểm vào đầu năm 2011, trong năm tài chính 2011-2012, dự án đã tỏa về thêm 19 xóm ở 7 xã của huyện Quảng Uyên để thực hiện kích hoạt CLTS. 922 hộ được tham dự hoạt động kích hoạt, 239 hộ được hỗ trợ tiền xây dựng nhà vệ sinh hai ngăn sinh thái (nhà vệ sinh có hai ngăn, đi đại tiện và bỏ tro vào một ngăn, đầy thì đậy nắp ủ 6 tháng rồi lấy ra làm phân bón ruộng; trong thời gian đó thì sử dụng ngăn bên kia). Đến cuối năm 2013, 15 xóm nữa sẽ được “phủ sóng” CLTS.

Theo bà Trần Thị Kiều Hạnh, Quản lý mảng nước sạch - vệ sinh môi trường thuộc Chương trình Xây dựng cộng đồng vững mạnh và tự lực của ChildFund Việt Nam: “Việc thuyết phục, vận động, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số, luôn rất khó khăn. Qua quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy sự vào cuộc, quan tâm của Đảng, chính quyền ở các cấp thôn, xã là rất quan trọng.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Tin cùng chuyên mục