Xóm “không lời”!

Xóm “không lời”!

Xóm chỉ có 66 hộ dân với 280 nhân khẩu nhưng có đến 14 người bị câm, điếc, tâm thần và đáng sợ hơn, mỗi năm người dân lại phải tiễn đưa nhiều người “ra đi” vì căn bệnh ung thư quái ác. Nhiều người đang sống thì đang bị hành hạ bởi bệnh sỏi thận. Người dân hoang mang, lo sợ nhưng không biết nguyên nhân vì sao. Đó là xóm Cầu Sơn, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).

Những căn bệnh đáng buồn

Xóm “không lời”! ảnh 1
Nguyễn Quang Đức, 24 tuổi bị liệt nằm một chỗ

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Huy Quang, Bí thư chi bộ xóm Cầu Sơn đưa 10 đầu ngón tay ra đếm: “Nhà tui bị 1 đứa, bên kia con anh Kí 2 đứa, con anh Liệu 3 đứa… Trong bán kính chừng 300m mà có đến 11 người bị câm, điếc hoàn toàn, đó là chưa kể người bị bệnh ung thư”. Nói đến đây, ông Quang phân vân: “Lạ thật, cả mấy xã, cả tỉnh răng chỉ có vùng này bị bệnh gì lạ thế không biết?”.

Đây là xóm có số lượng người mắc bệnh nhiều nhất trong trong xã. Những người mắc căn bệnh quái ác này trước lúc sinh ra đều khỏe mạnh bình thường. Lớn lên độ tuổi 15, 16 thì bắt đầu câm, điếc, phát bệnh tâm thần đập phá lung tung. “Có đứa bị chết, đứa phát điên rồi bỏ đi  đâu mất tích không tìm ra được” - ông Quang cho biết. Những gia đình có con bị bệnh đã đưa họ đi chữa chạy nhiều nơi, từ bệnh viện đến tìm thầy... nhưng tất cả đều không chữa được khỏi.
 
Ông Quang dẫn chúng tôi đến thăm gia đình anh Trần Văn Liệu, một gia đình tiều tụy vì 3 đứa con bị câm, điếc và tâm thần. Trong căn lều che tạm bợ bằng mấy viên gạch tấp lô nham nhở, 3 người con đứng ở ba góc nhà. Chị cả Trần Thị Xuân (34 tuổi) ăn mặc rách rưới, đầu tóc xõa kín mặt, cứ cười một mình; người con thứ hai là Trần Thị Thìn (31 tuổi) nằm xuống giường co giật rồi bất động; còn Trần Thị Phương (24 tuổi) nhìn thấy chúng tôi thì thét lên rồi chạy ra vườn bắt chuồn chuồn.

Bà Mai - mẹ các cô - nói trong nước mắt: “Mọi thứ có thể bán được tôi đều đã bán để đưa con đi hết bệnh viện lớn đến bệnh viện nhỏ nhưng tình hình ngày càng tệ đi”. Lúc trước, 3 đứa con của anh chị đều khỏe mạnh, học giỏi nhưng đến chừng lớp 8 thì đổ bệnh, đứa bị điên; đứa câm, điếc.

Cùng chung cảnh ngộ là gia đình ông La Văn Tam, có con trai là La Văn Sơn (47 tuổi) bị bệnh tâm thần, phải nhốt vào cũi sắt gần 20 năm nay. Anh Sơn trước đây là một thanh niên đàn giỏi, hát hay, học xong lớp 12 rồi đi bộ đội tại Đồng Nai.  Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Sơn trở về quê sinh sống, mấy năm sau thì phát bệnh tâm thần. Ông Tam đã đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh mỗi ngày mỗi nặng. Để tránh gây tai họa cho người khác, ông buộc phải nhốt Sơn trong cũi sắt không cho ra ngoài.

Lâm vào hoàn cảnh thương tâm này còn có nhiều gia đình khác như ông La Cẩm, ông Võ Đình Tuấn… đều có con bị câm điếc nặng. Đó là chưa kể nhiều gia đình có người thân bị ung thư, sỏi thận, tiểu đường…
 
Đâu là nguyên nhân?
 
Không gì khủng khiếp hơn đối với những gia đình khi bất lực nhìn con cái, người thân bị bệnh tật hành hạ rồi từ giã họ mà ra đi. Chị La Thị  Quyết (chị gái duy nhất còn lại nuôi em trai La Văn Sơn) cho biết: “Dòng họ nhà tui trước kia đến giờ có ai bị thế này mô, từ khi về đây sống nó mới bị thế này”.
 
Bệnh không chữa được, lại không biết rõ nguyên nhân nên dân trong vùng rất hoang mang, lo lắng. Nhiều câu chuyện đồn thổi mang tính chất mê tín dị đoan. Nhưng những người từng tham gia kháng chiến và bám trụ tại ngôi làng này cho rằng: Trong chiến tranh, nơi này là địa bàn mang tính chiến lược ở Ngã ba Đồng Lộc nên bộ đội dùng làm kho cất giữ vũù khí, kho xăng, làm bệ tên lửa. Đây cũng là trọng điểm nên máy bay Mỹ bỏ bom ác liệt nhằm đánh phá căn cứ của ta. Có thể vì vậy mà môi trường đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chúng tôi nhìn thấy tại đây những hố bom sâu hoắm vẫn còn nằm trong vườn. Do quá nghèo, người dân không có điều kiện đào, khoan giếng, nên rất nhiều hộ hiện nay vẫn lấy nước trực tiếp từ những hố bom để sinh hoạt và ăn uống mà không qua một công đoạn xử lý nào.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, trước là một cán bộ địa chính cho biết: “Nguồn nước ở đây bị nhiễm hóa chất từ các kho vũ khí trong chiến tranh. Đây là vùng đồi cao nhưng nước giếng múc lên nhiều nơi bị váng nhờn, có mùi khét”.

Nguyên nhân vì sao? Câu hỏi này cần sớm được các cơ quan chức năng làm rõ và tìm ra hướng xử lý, khắc phục.

Sơn Hà

Tin cùng chuyên mục