Xóm vạn bên cồn “chim xứ”

“Làng em”
Xóm vạn bên cồn “chim xứ”

Thời kỳ “đầm vàng” - nơi cảng biển Cửa Việt vào những năm 30 của thế kỷ trước, sản vật như tôm, cá… nhiều vô kể. Nhận thấy đây là “đất lành”, có thể mưu sinh lâu dài nên dân vạn đò khắp các nẻo sông Quảng Trị đổ xô đến định cư, hành nghề đánh bắt. Từ kiếm sống trên sông nước, xóm vạn tiến dần ra biển. Nhờ đó mà hôm nay, nơi xóm vạn đã trở thành một làng biển hùng hậu nhất, nhì cảng Cửa Việt.

Những con tàu vỏ thép theo Nghị định 67, hứa hẹn cuộc cách mạng mới cho ngư dân xóm Vũng và cả thị trấn Cửa Việt

“Làng em”

“Đất Hà Lộc, cồn Chim xứ Nam Đông Hải có một vũng gọi là làng”, ông Bùi Xuân Hai, 64 tuổi, Bí thư Chi bộ khu phố 6 (thị trấn Cửa Việt) mở lời ngắn gọn bằng một câu tích cổ khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của xóm Vũng bên cồn Chim năm xưa - nay là khu phố 6, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).

Theo lời ông Hai, trước kia trong quá trình thiên tạo, nơi cảng Cửa Việt có một vũng đầm rất lớn. Mệnh danh là “đầm vàng” bởi có nhiều cá, tôm... Phía đông đầm có một cồn nổi gọi là Cồn Chim án ngữ giữa cửa biển. Phía Nam là doi cát lớn không có người ở, chỉ mọc lác đác dăm ba bụi phi lao còi cọc, thuộc quản xứ của làng cổ Hà Lộc (xã Gio Hải, huyện Gio Linh). Thời buổi ấy, người dân nơi làng cổ chưa biết hành nghề chài lưới nên vũng đầm dường như bị bỏ quên. Đến khi dân vạn đò trên các nhánh sông tìm thấy “đầm vàng” họ mới ở lại cùng nhau san phẳng doi cát để dựng nhà cửa, định cư hành nghề chài lưới. Vũng đầm từ đó mới được đặt tên và nổi danh. Về sau, nơi đó xảy ra một trận lụt lịch sử, cồn Chim đã bị nước lũ cuốn phăng ra biển, vũng đầm được thông suốt trở thành một cảng biển lớn như hôm nay.

Cũng từ cuộc nhập cư loạn lạc năm đó, đến hôm nay làng Hà Lộc mới có thêm một “làng em” như cách nói của ông Hai. Nghĩa là một làng vạn đò nằm kết trên ngôi làng cổ. Ông Hai lý giải: “Gọi “làng em” của làng Hà Lộc là bởi vì nơi doi cát vắng mà họ đã định cư trước đây là đất đai, xứ cát thuộc địa phận quản xứ của làng cổ Hà Lộc. Họ đến định cư trên đó thì mọi thủ tục với chính quyền, Nhà nước phải tuân theo làng cổ, dựa vào làng cổ để hưởng các chế độ trên ban”.

Nhớ lại ngày xưa, ông Nguyễn Công Thăng, 85 tuổi (khu phố 6, thị trấn Cửa Việt) - nhân chứng sống hiếm hoi trong cuộc di dân năm ấy, kể lại: “Quê gốc của tôi ở làng Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng. Sinh ra đã ở trên nốt (thuyền - PV), quanh năm suốt tháng lênh đênh khắp các vùng sông, suối. Rồi một ngày đi thuyền đến, nơi đây chỉ là doi cát hoang vu, không người ở nhưng nhận thấy có nhiều cá nên cha tôi cùng với một số “đồng môn” quyết định dựng chòi định cư để hành nghề chài lưới. Những ngày đầu gian khó vô cùng, đất đai eo hẹp, thời tiết lại khắc nghiệt, cơ cực lắm. Ngay cả tên gọi làng “chim xứ” mà xưa kia người dân làng cổ hay gọi, cũng xuất phát từ địa danh cồn Chim năm xưa. “Chim xứ” là cồn Chim kết hợp với dân vạn đò “tứ xứ” tha hương về”.

Nghĩa tình cửa bể

Ông Hồ Đình Cẩn, 73 tuổi, trưởng làng Hà Lợi Thượng (xã Gio Hải), cho hay: “Gò cát mà họ định cư là đất của làng cổ Hà Lộc. Gọi đó là làng cũng chưa phải. Bởi để được gọi là làng thì làng phải có “mộc bổn thủy nguyên” (nguồn gốc sinh ra), gia phả hoặc phải thỉnh được gia phả của làng gốc về thờ cúng thì mới được gọi là làng. Ở đây họ vẫn phải mượn gia phả, hương ước, thậm chí cả đất của làng khác nên chưa thể gọi là một làng được. Cho dù hôm nay nơi đó đã là một khu phố với đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu nhất, nhì cảng Cửa Việt”.

Như lời ông Cẩn, trước khi lên gò cát vắng định cư, người dân xóm vạn có dọn ra vài mâm cỗ, trong đó đa số là sản vật họ bắt được dưới sông. Rồi cả xóm cử ra vài thành viên uy tín “thưa chuyện” với dân làng cổ Hà Lộc mong xin được định cư hành nghề tại gò cát. Bên cạnh đó, họ cũng xin được tuân theo gia phả, hương ước của làng cổ. “Họ đến từ khắp mọi nơi, nên chúng tôi cứ gọi làng “chim xứ” hay xóm Vũng. Người xóm Vũng sống rất tình cảm, biết trước sau nên chúng tôi tận tình giúp đỡ, góp lời với người làng cổ Hà Lộc cho họ đất định cư để dựng nhà cửa, rồi chôn mồ mả tổ tiên giúp họ. Đôi bên sống rất thuận hòa, từ trước tới nay ít xảy ra xích mích lắm”, ông Cẩn nói.

Do không có “mộc bổn thủy nguyên” như ông Cẩn nói,  nên xóm Vũng đến nay vẫn chưa thống nhất được gia phả để thờ thành hoàng làng và cúng lễ cầu ngư. Tuy vậy, xóm vạn cũng đã tự dựng lên một ngôi đền cầu ngư riêng để cúng ngày lễ đánh bắt. Đến năm 1977, tiếp tục xây đình làng, tự đặt là Hải Lộc xứ. “Hàng năm, mỗi khi có cúng lễ, việc làng gì chúng tôi cứ tuân theo “làng anh” (làng Hà Lộc). Ngày trước ông cha chúng tôi đến đây không những xin đất ở mà còn mượn gia phả của ngôi làng cổ để lo việc làng, cúng lễ cầu ngư. Mọi định chế, thủ tục, lễ hội, ma chay chúng tôi đều phải tuân theo “làng anh” hết. Vừa có đất đai yên tâm hành nghề, lại có gia phả chính thống để thờ tự, lễ làng; ơn nghĩa đó của làng cổ Hà Lộc đối với chúng tôi lớn lắm!”, ông Thăng xúc động.

Theo lời những cao niên trong vùng thì khi xóm cát đã tụ về đông đúc những nhà đò đậu khắp nẻo sông. Họ bắt đầu kết lại thành một đội tàu chuyên hành nghề chài lưới. Cuộc sống của dân vạn càng lúc càng khấm khá, no đủ hơn trước. Bên cạnh đó, người nơi xóm vạn cũng chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt cho người dân làng cổ. Họ đem cá mú đánh bắt được ở vũng cảng đến làm quà biếu cho người làng cổ. Người làng cổ sau đó đem lương thực, nông sản đến đổi lấy số cá mú ấy. Cứ thế, nhiều mối tâm giao được nối, đan kết họ lại gần nhau hơn. Những cuộc giao thương nghĩa tình nơi cửa bể, đã âm thầm gắn kết con người xích lại với nhau, tạo thành một khối thống nhất. Từ nghề sông nước, xóm vạn càng lúc càng “phình to” trở thành một làng biển nổi danh đến tận hôm nay.

Nổi danh nghề biển

Đến năm 1978, xóm Vũng được sáp nhập cùng với một số làng biển gần đó để thành lập Hợp tác xã Tân Lợi, chuyên hành nghề biển. Tháng 12-2005, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập đơn vị hành chính thị trấn Cửa Việt, Hợp tác xã Tân Lợi tách ra làm 2 thôn, gồm thôn Tân Lợi và thôn Hà Lộc. Đến tháng 8-2008, thôn Tân Lợi phân chia thành 2 khu phố (5 và 6). Xóm Vũng từ đó thuộc khu phố 6 (160 hộ, 725 nhân khẩu), đa số hành nghề sông nước.

Từ nghề sông nước tạo nên nghề biển. Ngày nay, khu phố 6 đã trở thành một làng biển với đội tàu đánh bắt hùng hậu nhất, nhì cảng Cửa Việt, liên tiếp nhiều năm liền (2000-2016) đạt danh hiệu khu phố trong sạch vững mạnh. Năm 2012, làng biển được công nhận khu phố văn hóa và nay đang tiếp tục phấn đấu lên khu phố văn hóa cấp tỉnh. Số hộ giàu, khá nơi đây đã trên 80%. Nhiều hộ phất lên nhanh nhờ việc mạnh dạn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ; bình quân thu nhập của nhiều ngư dân đạt trên 30 triệu đồng/năm, thậm chí trên 100 triệu đồng/năm...

Ông Bùi Xuân Hai cho biết thêm: “Từ khi Chính phủ có chủ trương kêu gọi ngư dân đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, nhiều hộ gia đình tại khu phố 6 đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép vươn khơi xa đánh bắt. Hiện trong khu phố có 3 hộ gia đình đóng tàu cá theo Nghị định 67, những tàu cá này mỗi chuyến vươn khơi đánh bắt đã thu lợi rất cao, có tàu lãi đến 100 triệu đồng/chuyến. Ngày nay, đội ngũ lao động trẻ của khu phố, số nhiều đã đi xuất khẩu lao động ở các nước phát triển, chủ yếu cũng theo nghề biển. Những điều kiện đó đã thúc đẩy kinh tế đời sống xã hội của làng biển ngày càng đi lên, góp phần giúp thị trấn Cửa Việt thêm giàu mạnh hơn…”.

Trải qua nhiều lần tách, nhập để trở thành khu phố nổi danh nghề biển, người nơi xóm Vũng đã trải qua biết bao dâu bể của thời cuộc. Những ngày sống xin đất ở, chết xin đất chôn, cứ khắc khoải mãi trong tiềm thức của người dân ở xóm vạn. Họ là dân “tứ xứ” nhưng lại biết đoàn kết, giàu nghị lực vượt khó. Xét về nguồn cội thì rời rạc từng mảnh, nhưng khi quy tụ lại đã trở thành một làng biển giàu mạnh. Nhìn bộ mặt khu phố 6 ngày nay, chẳng khác nào một làng biển có “mộc bổn thủy nguyên” hàng trăm năm rồi; có đình làng, đền tự đồ sộ, nhà cao tầng mọc lên san sát. “Một xóm vạn đã tự khẳng định mình, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trở thành một khu phố nổi danh nghề biển”, ông Cẩn đúc kết.


NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục