Năm 2009, nghề làm muối ở Ninh Hải (Ninh Thuận) từng được xem như một nghề “hong nước đổi vàng”. Năm 2010, muối trắng đồng, muối đổ quanh triền núi, muối chất từng đống cao ngất, lấn cả cổng nghĩa trang Yên Bình… Chưa bao giờ muối đạt sản lượng cao như năm nay, nhưng ngược lại, diêm dân đang điêu đứng bởi giá muối liên tục xuống dốc…
- Mặn muối, nhạt tiền
Năm trước, đường về Ninh Hải suốt ngày chật chội, ầm ào bởi hàng đoàn xe tải của Xí nghiệp Muối Tri Hải và của thương lái nối đuôi nhau chở muối đi tiêu thụ. Nhưng mùa muối năm nay, đường sá vắng tanh. Muối tiêu thụ chậm nên xe vận chuyển cũng “đứng bánh” theo. Dọc hai bên đường, đồng muối trắng lóa, chất chồng cả trên đồi vì… không còn chỗ để chứa. Đến nỗi trước cổng nghĩa trang Yên Bình (Tri Hải) cũng được người dân dùng làm nơi chứa muối.
Muối được mùa, nhưng gương mặt diêm dân buồn rũ. Chị Trần Thị Tân, thôn Tri Thủy 2 (xã Tri Hải) vừa đẩy muối, vừa thở hổn hển, nói: “Trước đây, làm ra bao nhiêu đều bán sạch với giá cao. Qua năm nay giá thấp quá và cũng chẳng có người mua. Muối cứ chất đống để đó”. Vốn là một thanh niên xung phong, học trung cấp thực phẩm, sau này nghỉ cơ quan nhà nước, chị Tân tích lũy ít vốn liếng, kinh nghiệm đầu tư làm muối. Hiện nay, với 5 ha ruộng muối chung với các cổ đông, nhóm của chị Tân đã sản xuất gần 1.500 tấn muối nhưng mới bán được khoảng 450 tấn với giá bình quân 280.000 đồng/tấn.
Chị bảo, muối “đẹp” cũng chỉ bán được 350.000 đồng/tấn (thấp hơn năm trước cả triệu đồng), lỗ chỏng vó. Gia đình chị Tân còn làm riêng 4 ha, được trên 500 tấn nhưng chưa bán được. Theo chị Tân, nếu tính cả lãi ngân hàng, giá bán muối phải 400.000 đồng/tấn mới huề vốn nên đành cất muối chờ giá lên.
Dưới cái nắng đổ lửa, trên đồng muối Tri Hải, chúng tôi gặp các ông Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Lễ (thôn Tri Thủy 2) trong vùng dự án muối Bắc Tri Nhơn, các ông phàn nàn: Làm ra hạt muối đã vất vả rồi đến khi bán càng vất vả hơn. Ông Lễ cho biết: Tôi còn tồn hơn 3 tấn muối, “khuyến mãi” cho thương lái với giá rẻ 220.000 - 250.000 đồng/tấn, nhưng cả tuần rồi chẳng ai đoái hoài đến. Một số hộ dân ở phía Bắc đồng muối Tri Nhơn cũng lâm vào khánh kiệt, thanh niên bỏ đi làm thuê nghề khác, người có tuổi vác rìu rựa lên rừng chặt củi đốt than; đàn bà, con gái xuống đầm mò cua bắt ốc...
- Được mùa mất giá
Năm 2009, giá muối cao ngất ngưởng 1,5 triệu đồng/tấn, nên dọc triền núi Một, núi Quýt, Cây Ké và cả khu vực Bắc Tri Hải này, nhiều người dân, cán bộ, “đại gia” đầu tư “liều”, kể cả vi phạm “đào núi lấn đồng” để làm muối. Theo ông Lê Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Hải, ngoài 314ha của liên doanh Muối Đầm Vua và 485ha của Xí nghiệp Muối Tri Hải, toàn xã còn có 222 hộ làm muối, từ 150ha, nay tăng lên 210ha, chiếm 46,6% diện tích trong tổng số 450ha muối của diêm dân huyện Ninh Hải. Ai cũng thấy lợi trước mắt, đổ xô làm muối, ít ai nghĩ, khi thời tiết nắng nhiều, sản lượng muối cao thì giá muối lại hạ (theo “quy luật” được mùa mất giá).
Ở đồng muối gần núi Quýt, anh Lâm Khánh Phú, người ở TP Phan Rang – Tháp Chàm than thở: “Tôi mua 6ha đất, đầu tư 2,5 tỷ đồng để làm muối mùa này. Không ngờ, mới làm ra những hạt muối đầu tiên thì đã rớt giá tệ hại”...
Ninh Hải là huyện có thế mạnh phát triển nghề muối. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 115.000 tấn, chiếm 65% tổng sản lượng muối cả tỉnh. Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Ninh Thuận) cho biết: Hiện toàn tỉnh mới bán được 61.178 tấn muối, còn tồn hơn 40.500 tấn, khả năng đến giữa tháng 5 này lượng muối tồn lên đến 49.500 tấn.
Từ trước tới giờ, cảnh được giá mất mùa, được mùa mất giá là chuyện thường xuyên, tuy nhiên, chưa khi nào muối rớt giá tệ hại và tồn đọng lớn như năm nay. Không chỉ ở Ninh Thuận, các vùng sản xuất muối trong cả nước cũng đang trong cảnh ế ẩm. Những diêm dân ở đây nghe thông tin nước mình vẫn phải nhập muối, trong khi muối của họ không có chỗ nào chứa chất mà lòng xót xa cho phận muối, phận người.
Ông Nguyễn Như Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), nói thay bà con: “Điều mong muốn lớn nhất của diêm dân lúc này là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mua muối cho dân để giữ mặt bằng giá muối trong nước không bị giảm sâu; đồng thời hỗ trợ diêm dân đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng muối để có thể đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu”
BÌNH AN
Mua tạm trữ 200.000 tấn muối Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối vừa đề nghị Chính phủ giao Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) mua tạm trữ 200.000 tấn muối cho nông dân. Trong đó, mua tại các tỉnh phía Nam 180.000 tấn và phía Bắc 20.000 tấn (do chưa vào chính vụ). Vinafood 1 phải xây dựng mức giá phù hợp để diêm dân có lãi từ 30% - 40%. Theo ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối: Đến ngày 18-5, sản lượng muối cả nước xấp xỉ 730.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ và xấp xỉ sản lượng của cả năm 2009 (khoảng 800.000 tấn). Hiện tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ đang vào cuối vụ muối, nhưng ở các tỉnh phía Bắc mới vào vụ chính và thu hoạch được chưa đầy 10.000 tấn (tổng sản lượng dự kiến hơn 300.000 tấn). Vì vậy sản lượng muối cả nước được dự báo sẽ đạt trên 1 triệu tấn, tăng hơn 200.000 tấn so với năm 2009. |