Xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam

Xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam

Trên thế giới, phong trào công trình xanh đã có nhiều khởi sắc trong hơn 2 thập kỷ qua với những đóng góp không nhỏ vào hoạt động bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Công trình xanh đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2007. Tuy nhiên theo thống kê, sau gần 10 năm, số lượng công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 40 công trình. Đây là con số khá khiêm tốn so với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực như: Singapore có trên 1.200 công trình, Đài Loan có 500 công trình, Malaysia có 125 công trình…

Lợi ích và thách thức

Công trình xanh là công trình được thiết kế thân thiện với môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả trong suốt vòng đời của mình đem lại lợi ích kinh tế lâu dài. Công trình xanh được nhìn nhận như một giải pháp cần thiết để Việt Nam xây dựng đô thị đạt đến cấp độ phát triển bền vững. Bên cạnh đó, công trình xanh còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư nhờ giảm chi phí vận hàng, tăng năng suất lao động và sử dụng các vật liệu bền vững. Thực tế cho thấy, khi đáp ứng các tiêu chí quan trọng của công trình xanh, cộng đồng cư dân tại dự án sẽ được tăng 3%-5% năng suất lao động của người sử dụng công trình; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người sử dụng; giảm 30%-50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo giúp giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10%-15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình. Ngoài ra, các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ đối với quá trình phát triển đô thị như giảm thiểu tác động xã hội; tạo lập môi trường sống bền vững; thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc; quảng bá hình ảnh đô thị; thu hút đầu tư nước ngoài vào TP và phát triển kinh tế du lịch.

Khách hàng tìm hiểu dự án Diamond Lotus Riverside của Công ty Phúc Khang đạt chuẩn công trình xanh LEED (Mỹ)

Tuy nhiên, để chú trọng phát triển công trình xanh, các chủ đầu tư hiện phải đối mặt với không ít thách thức. Cụ thể như: chi phí đầu tư ban đầu cao hơn; Thời gian đầu tư và các thủ tục, pháp lý phức tạp hơn các dự án thông thường; Cơ chế chính sách hiện nay chưa khuyến khích chủ đầu tư phát triển công trình xanh; Thị trường đầu vào cũng như đầu ra chưa có đủ thông tin về sản phẩm mới mẻ này. Chính vì thế, để khuyến khích phát triển các công trình xanh tại TPHCM, các chủ đầu tư cho rằng, các cơ quan chức năng cần ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư công trình xanh. Cụ thể, để thuyết phục các nhà đầu tư tham gia thực hiện các công trình xanh, TP cần xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh, tạo ra các cơ chế ưu đãi về tài chính, vốn vay; ưu đãi về thuế; ưu tiên về thủ tục hành chính; ưu đãi về các hệ số quy hoạch; ưu đãi về đơn giá thiết kế và xây dựng xanh…

Đánh giá về xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam, bà Nguyễn Thu Nhàn, phụ trách Chương trình Công trình xanh thuộc Tổ chức Tài chính quốc tế IFC - thuộc Ngân hàng Thế giới cho rằng, thị trường công trình xanh tại Việt Nam vẫn được đánh giá có tiềm năng với không ít cơ hội phát triển. Minh chứng rõ nét nhất là sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu thị trường xây dựng xanh và cơ hội thu hút khách của các công trình xanh. Đây cũng là một trong những động lực quan trọng để Việt Nam “xanh hóa” công trình. Hiện ngày càng có nhiều dự án thương mại, công trình dân dụng tập trung tại các tỉnh - thành lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng được xây dựng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình xanh và được chứng nhận công trình xanh quốc tế. “Xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam không chỉ là tiềm năng, cơ hội mà còn là thách thức không nhỏ với ngành xây dựng nói riêng và toàn cộng đồng nói chung. Tuy nhiên, để đưa các công trình xanh Việt Nam sánh vai cũng với các nước trong khu vực, không chỉ đòi đòi hỏi nhiều nỗ lực từ bản thân chủ đầu tư, chính quyền quyền địa phương mà trước hết là sự chủ động của Chính phủ cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp thị trường xây dựng xanh ở Việt Nam trở nên cởi mở hơn”, bà Nhàn nhận định.

Sự lựa chọn tất yếu?

Là DN đang thực hiện các dự án bất động sản theo hướng công trình xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, với tổng quỹ đất hơn 15ha trên địa bàn TPHCM, hiện DN này đã tích cực hưởng ứng góp phần vào công tác chỉnh trang đô thị của TPHCM. Cụ thể, chuỗi dự án Diamond Lotus Phúc Khang đã đăng ký và xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED (Mỹ) và Lotus (Việt Nam) - 2/3 hệ thống về tiêu chuẩn công trình xanh đang được áp dụng tại Việt Nam (LEED, Lotus và BCA Green Mark -Singapore). Trong đó, dự án Diamond Lotus Riverside tại quận 8 (có diện tích 1,68ha với tổng vốn đầu tư 1.268 tỷ đồng) là dự án căn hộ đã đạt tiêu chuẩn công trình xanh LEED của Mỹ. Theo tiêu chuẩn này, dự án luôn hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái xanh: từ khâu thiết kế, vật liệu xây dựng cho đến quy trình thi công và vận hành dự án. Quy trình này nhằm hướng tới các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, sử dụng nước hiệu quả, giảm lượng khí thải CO2, cải thiện chất lượng môi trường bên trong và ngoài căn hộ.

Theo bà Mẫu, chỉnh trang và phát triển đô thị là chương trình mới trong 7 Chương trình đột phá mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đưa ra. Mục tiêu của chương trình là tổ chức lại cuộc sống của người dân, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với dịch vụ công. Tuy nhiên, các vấn đề biến đổi khí hậu do thiếu mảng xanh đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của TPHCM. Tỷ lệ cây xanh của các nước trên thế giới đều rất cao. Chẳng hạn như Singapore là 30,3m2/người, Đức 50m2/người, Hàn Quốc 41m2/người, Pháp 25m2/người. Trong khi đó, tỷ lệ cây xanh tại TPHCM chỉ chưa tới 1m2/người. “Môi trường xanh, giải pháp kiến trúc xanh, kiên trúc bền vững phải là sự lựa chọn tất yếu để ứng phó với hiện trạng bê tông hóa đô thị như hiện nay. Đây cũng là giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải nhà kính và giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến môi trường sống của cư dân”, bà Mẫu cho hay. Bà Melissa Merry Weather - Giám đốc Công ty Green Consult - Asia, Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), cho rằng, công trình xanh là một xu thế mạnh trên thế giới, nhưng đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn còn khá mới. Tuy nhiên, hiện công trình xanh có thể được thực hiện ở Việt Nam, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên. Đó chính là sự cộng hưởng cùng tham gia trong sự phát triển công trình xanh của các nhà đầu tư, các ngành nghề trong lĩnh vực xây dựng.

VI QUÂN

Tin cùng chuyên mục