Xử lý doanh nghiệp báo cáo lỗ - Kiểm tra cả công ty lời nhưng tỷ suất lợi nhuận không hợp lý

Không còn chuyện lỗ - lời do DN tự quyết
Xử lý doanh nghiệp báo cáo lỗ - Kiểm tra cả công ty lời nhưng tỷ suất lợi nhuận không hợp lý

Sau bài “Xử lý doanh nghiệp báo cáo lỗ: Chỉ mới… giảm lỗ!”“Làm sạch môi trường đầu tư” đăng trên Báo SGGP ngày 19-12, nhiều bạn đọc đã thể hiện bức xúc về tình hình doanh nghiệp trốn thuế và kết quả xử lý của cơ quan chức năng chưa tương xứng. Trả lời các bức xúc của bạn đọc cũng như kế hoạch kiểm tra chống chuyển giá của Cục Thuế TP trong thời gian tới, PV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hạnh (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM.

Không còn chuyện lỗ - lời do DN tự quyết

- Thưa ông, nhiều bạn đọc bức xúc tình trạng mỗi năm có đến 50% doanh nghiệp báo cáo lỗ, trong khi những dấu hiệu chuyển giá đã rõ, vì sao cơ quan thuế không xử lý các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá này?

Trước nay, theo Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế không duyệt quyết toán mà doanh nghiệp được quyền tự tính, tự khai, tự nộp thuế nên việc kiểm tra khá khó khăn. Gần đây, cơ quan thuế phải nhập quyết toán thuế hàng loạt, khi nhập hàng loạt thì cơ quan thuế sẽ thống kê được số liệu, nối số liệu lịch sử doanh nghiệp qua nhiều năm, so sánh với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, cùng quy mô, từ đó chúng tôi nhìn được bức tranh tổng thể thông qua các báo cáo quyết toán. Như vậy, chúng tôi sẽ dễ dàng nhận thấy doanh nghiệp chuyển giá, báo cáo không trung thực. Từ đó chúng tôi còn nhận thấy nhiều doanh nghiệp báo cáo lời nhưng tỷ suất lợi nhuận không hợp lý.

- Có nghĩa là, hệ thống tin học sẽ giúp cán bộ lọc ra những doanh nghiệp chuyển giá?

Không chỉ chuyển giá, chúng tôi nhận thấy cả tình trạng “dàn xếp giá” ở các doanh nghiệp liên kết. Ở doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì có 2 luồng chuyển giá: (1) doanh nghiệp FDI sản xuất và bán sản phẩm trên thị trường VN thì thường dùng chiêu tăng chi phí đầu vô bằng cách tăng nhập máy móc, tăng khấu hao (vì giá đầu ra được kiểm soát) để giảm lời; (2) doanh nghiệp FDI  sản xuất xuất hàng ra nước ngoài thì tăng giá đầu vô, giảm giá đầu ra.

Có những con số khiến ngay cả chúng tôi cũng bức xúc là trường hợp một công ty nước giải khát dám khai giá hương liệu nước uống mua từ công ty mẹ với mức chiếm 90% giá thành sản phẩm bán ra. Trong khi, theo nghiên cứu thì trung bình hương liệu nước giải khát chỉ chiếm khoảng 30% giá thành sản phẩm. Đương nhiên, sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành xử lý những trường hợp này.

Hoạt động chuyển giá, dàn xếp giá không chỉ ở doanh nghiệp FDI mà cả đối với các doanh nghiệp liên kết trong nước. Ví dụ nhiều doanh nghiệp liên kết chuyển lợi nhuận cho nhau để né thuế hoặc tập trung lợi nhuận về doanh nghiệp nào đó để đánh bóng tên tuổi nhằm mục đích lừa gạt khách hàng, như cổ phần hóa, bán cổ phiếu ra công chúng với giá cao…

- Trường hợp một doanh nghiệp bán lẻ hàng điện máy báo cáo lỗ nhiều năm, năm nay doanh số bán tăng vọt lên 8.000 tỷ đồng vì đang chuẩn bị bán cổ phần ra công chúng, mà chủ doanh nghiệp này đứng tên hàng loạt công ty tại cùng một địa chỉ như chúng tôi đề cập trong bài trước. Ông có nhận xét gì về điều này?

Chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể hoạt động kinh doanh xem có chuyển giá, dàn xếp giá tại doanh nghiệp báo chí nêu và sẽ công khai với báo chí khi có kết quả thanh kiểm tra.

Không hoàn thuế cho doanh nghiệp khai báo gian

- Thưa ông, xác định doanh nghiệp trốn thuế rất khó khăn mà mức xử lý hình như chưa đủ sức răn đe, theo ông cần có chế tài gì để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, chống chuyển giá, dàn xếp giá, trốn thuế?

Để thực hiện hiệu quả chống chuyển giá, trước hết phải có bộ máy chuyên nghiệp, có đội ngũ cán bộ đủ kiến thức trình độ, đảm bảo tính pháp lý của những sự liệu độc lập để so sánh và phải có biện pháp chế tài đủ mạnh. Chúng tôi sẽ kiến nghị bổ sung quy định như: khi xác định doanh nghiệp vi phạm thì tước quyền hoàn thuế, khi xác định doanh nghiệp liên kết giảm giá để chuyển lợi nhuận thì được quy ngược lại toàn bộ những giao dịch trước đó; đối với doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu thì rút giấy phép kinh doanh…

- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ một cách bất hợp lý khiến dư luận bức xúc, như một số đại gia bán lẻ của nước ngoài lại báo cáo lỗ, ông có thấy bất hợp lý không?

Thời gian tới cơ quan thuế không chỉ dựa trên tiêu chí báo cáo lỗ ít hay lỗ nhiều để xử lý, mà chúng tôi phân ra những chỗ nào bất hợp lý để xử lý trước. Đối với một số ngành chúng tôi không cho phép doanh nghiệp được báo cáo lỗ, chẳng hạn như các doanh nghiệp gia công thì không thể nào chấp nhận báo cáo lỗ được, vì khi anh nhận gia công, anh biết rõ chi phí mà lỗ là có vấn đề; hay những doanh nghiệp dịch vụ, sản xuất phần mềm tin học… mà báo cáo lỗ là không chấp nhận được. Một lĩnh vực khác mà chúng tôi đang quan tâm làm rõ là nhiều doanh nghiệp kiểm toán lại kê khai lỗ, trong khi số thuế thu nhập cá nhân của nhân viên ở doanh nghiệp kiểm toán này nộp lên đến 70 tỷ đồng. Và chúng tôi cũng sẽ kiểm tra cả những công ty kê khai lời nhưng tỷ suất lợi nhuận không hợp lý, có nghĩa là báo cáo thuế không phản ánh đúng sự thật kinh doanh.

- Xin cảm ơn ông!

Hàn Ni thực hiện

Tin cùng chuyên mục