Xử lý đúng mức bạo lực gia đình

Xã hội ngày càng nhức nhối với các vụ việc mang tính chất bạo lực gia đình. Những thông tin về việc hành hạ, giết hại lẫn nhau của những người thân thuộc, hoặc cá nhân tự kết thúc cuộc sống của mình một cách thảm thương có vẻ như đang dày lên trên mặt báo. Các vụ việc đó không còn nằm trong khuôn khổ những bi kịch gia đình mà là những hành vi khó dung thứ, gây nên những bất ổn về mặt giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội.

Theo các chuyên gia về xã hội học, có 4 dạng bạo lực gia đình: bạo lực tinh thần, thân thể, tình dục, lao động. Tất cả những dạng này, khi không kiềm chế, họ sẽ có hành vi rất tàn nhẫn đối với những người thân yêu nhất của mình: cha mẹ, vợ chồng, con cái..., xuất phát do bất bình đẳng giới, sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Căn nguyên này do buông lỏng giáo dục gia đình - nhà trường - xã hội, trong khi bản thân mỗi người lại chưa có đủ năng lực để trang bị những kỹ năng cần thiết để bảo vệ cuộc sống của mình và đối với người khác.

Xã hội ngày càng nói nhiều về vai trò của giáo dục gia đình. Cha mẹ có kiến thức, gương mẫu thì mới dạy được con. Nhưng thực tế nhiều bậc cha mẹ bây giờ không có kiến thức, không gương mẫu, nhiều gia đình đặt đồng tiền lên trên, quan hệ lục đục, thậm chí phạm tội, kiếm tiền phi pháp... Tất cả những điều đó sẽ dội vào đứa trẻ. Không thể phủ nhận đa phần trẻ hư là xuất thân từ gia đình không bình thường. Còn trong gia đình cha mẹ là tấm gương tốt thì con cái trưởng thành tốt hơn. Điều này đã trở thành quy luật.

Một thực tế đáng suy nghĩ nữa là đa số thanh thiếu niên lớn lên, bước vào hôn nhân nhưng không được giáo dục tiền hôn nhân, không được học cách làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ. Trong khi đó, giáo dục tiền hôn nhân rất quan trọng, để người ta có sự chuẩn bị, biết chịu trách nhiệm, biết ứng xử văn minh với cuộc sống gia đình. Chính vì khoảng trống này mà không ít bi kịch gia đình đã nảy sinh.

Nước ta đã có Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhưng có vẻ như việc tuyên truyền, thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Không ít chuyên gia xã hội học cho biết, qua nghiên cứu ở nhiều địa phương thì thấy việc thực hiện luật còn rất “lơ mơ”ù. Một số quy định của luật chưa đi vào thực tế. Đơn cử như quy định những địa chỉ tin cậy để các nạn nhân bạo lực gia đình tạm trú sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhưng thực tế không có; người chống lại bạo lực gia đình bị chết được phong liệt sĩ nhưng chưa có trường hợp nào được phong.

Nguy hiểm nhất là bản thân những người phạm tội thì xử lý lại thiên về hòa giải. Luật quy định làm người khác thương tổn 11% sức khỏe sẽ bị xử phạt về tội phạm bạo lực gia đình thì cũng rất mơ hồ, vì khó để xác định thực tế thương tổn do quan hệ tế nhị. Một gia đình chỉ có thể hạnh phúc khi không tồn tại bạo lực gia đình. Một xã hội chỉ có thể bình yên khi không có những bi kịch gia đình mang tên bạo lực. Vì vậy, công lý cần được thực thi nghiêm với tội phạm bạo lực gia đình thay vì để nhờn luật.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục