Lần đầu tiên, một vụ buôn bán động vật hoang dã qua mạng xã hội bị xử lý hình sự. Án tù 5 năm là một bài học đắt giá cho bị cáo cũng là cảnh báo cho những ai đang có ý định kinh doanh kiểu xâm hại thiên nhiên, hủy hoại môi trường.
Truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe
Ngày 21-6 vừa qua, Tòa án Nhân dân quận Tân Bình (TPHCM) đã xét xử sơ thẩm vụ án buôn bán động vật hoang dã. Bị cáo Phan Huỳnh Anh Khoa bị tuyên phạt 5 năm tù giam và 50 triệu đồng với tội danh vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, theo Điều 190 Bộ luật Hình sự. Mức độ phạm tội của Khoa rơi vào trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân quận Tân Bình, bị cáo Khoa thuê mặt bằng tại đường Trần Thánh Tông (quận Tân Bình) để buôn bán động vật nhưng chưa có giấy phép kinh doanh. Ngày 3-12-2015, khi đến giao dịch tại một quán cà phê, Khoa đã bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an bắt quả tang và giao cho Công an phường 15, Tân Bình xử lý. Tang vật thu giữ tại hiện trường có 9 con rái cá (Khoa khai bán với giá 3,5 triệu đồng/con) và 1 con voọc chà vá chân đen (Khoa khai bán với giá 6 triệu đồng/con). Sau đó, Khoa giao nộp thêm 10 cá thể đang nuôi nhốt tại mặt bằng trên đường Trần Thánh Tông, gồm có kỳ đà Nam Mỹ, kỳ đà Savan châu Phi, sóc Bắc Mỹ, sóc Prevost, sóc mun Côn Đảo và cá sấu Xiêm. Viện KSND Tân Bình kết luận hành vi buôn bán trái phép các cá thể động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ mà Khoa thực hiện đã xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường, là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Trước đó, vào tháng 10-2014, Chi cục Kiểm lâm TPHCM từng ra quyết định xử phạt Khoa 3 triệu đồng về hành vi mua bán động vật rừng trái quy định. Thẩm phán Ngô Đức Thụ nhận xét, khi bị phạt, Khoa đã nhận thức được đây là hành vi trái luật pháp, lẽ ra không nên tiếp tục thực hiện. Thế nhưng, Khoa không chỉ tiếp tục bán động vật hoang dã mà còn bán các loài cao cấp hơn với quy mô lớn hơn, manh động hơn. Thậm chí, sau khi bị bắt quả tang ngày 3-12-2015, dù đang trong thời gian bị điều tra, Khoa vẫn tiếp tục lên mạng rao bán động vật hoang dã với thái độ thách thức các cơ quan chuyên môn và các cơ quan pháp luật. “Trước ngày xét xử, tôi đã tìm kiếm thông tin của bị cáo trên mạng và thật bất ngờ, tin quảng cáo, số điện thoại có ở khắp nơi. Có thể nói, bị cáo là người buôn bán động vật hoang dã nổi tiếng nhất Việt Nam đấy. Thái độ của bị cáo đã gây bức xúc lớn trong dư luận. Tôi không hiểu vì sao cơ quan công an lại cho Khoa tại ngoại? Lẽ ra phải tạm giam để Khoa không thể công khai mua bán động vật hoang dã được nữa!”, thẩm phán Thụ nói.
Đối tượng Phan Huỳnh Anh Khoa cùng tang vật bị bắt quả tang ngày 3-12-2015. Ảnh: WCS cung cấp
Hồi chuông cảnh báo
Bản án dành cho Khoa được dư luận cũng như các tổ chức bảo tồn đồng tình. Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên - môi trường (ENV), cho rằng Khoa là một đối tượng nổi tiếng về việc ngang nhiên sử dụng mạng xã hội facebook như một công cụ để buôn bán động vật hoang dã làm “thú cưng”. Đối tượng này được một bộ phận giới trẻ tung hô trên mạng xã hội như một “anh hùng”. Hành động của Khoa không những kích thích nạn săn bắt, đẩy các loài động vật hoang dã đến nguy cơ tuyệt chủng, mà còn trực tiếp tác động đến các quần thể động vật hoang dã, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của đất nước. ENV đã thực hiện một nghiên cứu đối về các bản án liên quan đến động vật hoang dã tại Việt Nam. Kết quả cho thấy gần 68% đối tượng bị truy tố vì các tội liên quan đến động vật hoang dã chỉ bị xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù (nhưng cho hưởng án treo), chỉ có một đối tượng duy nhất bị xử phạt 7 năm tù giam do tái phạm. Chính vì vậy, theo bà Dung mức án 5 năm tù giam đối với Khoa là thích đáng: “Đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực sự nhận thức được tính chất và mức độ nghiêm trọng của những vi phạm về động vật hoang dã”.
Đại diện tổ chức Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (WCS) tại Việt Nam đánh giá việc xét xử công khai và nghiêm minh đối tượng Phan Huỳnh Anh Khoa là một bằng chứng thuyết phục cho quyết tâm chống nạn buôn bán động vật hoang dã của Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam. Chính các bản án xử phạt xác đáng mới là thước đo cuối cùng cho hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, chứ không chỉ dừng lại ở số lượng các vụ bắt giữ. “Phiên tòa này không chỉ là tiếng chuông cảnh báo cho những kẻ đang cố tình trục lợi từ buôn bán trái phép động vật hoang dã, mà còn là sự mong đợi của các nhà bảo tồn những con thú đang bị nguy cấp”, đại diện WCS nhấn mạnh.
Bên cạnh phiên tòa xét xử vụ án hình sự, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TPHCM cũng cho biết đơn vị này vừa có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông, đề nghị xử phạt Khoa về việc quảng cáo trái quy định. Đồng tình, WCS cho rằng hành vi quảng cáo là điều kiện cần của hành vi mua bán, là cầu nối giữa các đối tượng vi phạm, giúp người bán tìm được kẻ mua. Vì vậy, trong thời gian tới, để ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật nguy cấp, quý hiếm, cần coi hành vi quảng cáo của các đối tượng này là một dạng hành vi vi phạm pháp luật cần phải bị ngăn cấm và phải chịu chế tài nghiêm khắc.
MINH KHANH