Xử lý nghiêm tham nhũng từ người đứng đầu

Tại kỳ họp lần này, cử tri cả nước quan tâm nhiều đến việc Quốc hội bổ sung, sửa đổi một số điều trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trong đó có nhiều quy định mang tính trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với một số tội danh tham nhũng.

Cử tri đánh giá cao và cho đây là sự thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Song, cử tri quan tâm hơn cả là khi luật pháp quy định đầy đủ, cụ thể các tội danh tham nhũng thì việc phát hiện tham nhũng và xử lý người tham nhũng phải bảo đảm tính nghiêm minh, khách quan, đúng người, đúng tội và không loại trừ một ai. Cử tri bày tỏ, chế tài nghiêm minh không chỉ là đưa ra các hình phạt nặng hay nhẹ mà cái chính vẫn là nghiêm minh trong phát hiện tham nhũng và xử lý tham nhũng.

Không thể phủ nhận trong thời gian qua, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng ở nhiều địa phương, đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, qua đó góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, được dư luận đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên so với thực tế, việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn khoảng cách khá lớn. Đây cũng là điều cử tri bày tỏ nhiều bức xúc tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội diễn ra trước kỳ họp.

Tham nhũng tồn tại cùng quyền hành và thế lực. Nói cách khác, không có quyền hành, thế lực thì không thể tham nhũng. Cử tri thẳng thắn nêu ra tình trạng nhiều vụ tham nhũng liên quan đến cán bộ chưa được phát hiện kịp thời, hoặc có phát hiện nhưng xử lý nửa vời, thậm chí có vụ cho “chìm xuồng”, nhất là những vụ liên quan đến cán bộ có chức vụ cao. Tác hại của xử lý như trên không chỉ làm giảm hiệu lực của pháp luật, bỏ lọt người phạm tội, làm nội bộ phức tạp, gây bức xúc dư luận mà nguy hiểm hơn là làm mất lòng tin của nhân dân. Khi người ta kỳ vọng nhiều, nhưng kết quả làm họ thất vọng quá nhiều thì bản năng, tính xấu trong con người họ trỗi dậy. Nguy hiểm ở chỗ, việc xử lý không nghiêm minh làm cho cán bộ “lờn thuốc”, không sợ bị kỷ luật, thậm chí có người sẵn sàng ngồi tù vì nhận thấy nguồn lợi thu về bất chính được che giấu kỹ vẫn được bảo đảm cho bản thân sau khi ra tù và cho gia đình nhiều đời sau.

 Việc phát hiện tham nhũng và xử lý tham nhũng có nghiêm minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố đặc biệt là người đứng đầu. Không phải ngẫu nhiên dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự lần này có điểm đáng chú ý, đó là người giữ chức vụ càng cao, quyền hạn càng lớn thì bị xử phạt càng nặng và xem đây là một nguyên tắc, như tình tiết tăng nặng. Cử tri hoan nghênh và coi yếu tố thành bại trong công tác phòng chống tham nhũng nói chung và việc xử lý các vụ tham nhũng nói riêng là ở vị trí cấp cao, người đứng đầu. Hiện nay, việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu không đơn giản, bởi việc khoanh trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu, trách nhiệm liên đới, trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm quản lý, kiểm tra… thì chưa đủ cơ chế toàn diện để xác định. Do phụ thuộc rất lớn ở người đứng đầu, nên có nơi làm được, có nơi làm hình thức để đối phó, nơi làm quyết liệt, nơi còn “dễ người, dễ ta”. Người dân thật khó chấp nhận một vị lãnh đạo cấp cao (nay đã nghỉ hưu), từng đứng đầu một ngành được ví như “Bao Công” thời nay, không ít lần đăng đàn nói về chống tham nhũng, tiêu cực rất mạnh mẽ, quyết liệt mà lại có quá trình dài vi phạm, khuyết điểm mang tính hệ thống, ở mức độ cao. Như vậy, người dân yêu cầu cần phải xây dựng hệ thống các “tiêu chí đánh giá quyết tâm của người đứng đầu” trong phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc tham nhũng, chứ không thể hô hào suông như hiện nay.

Trong các biện pháp xử lý, việc kết hợp chặt chẽ giữa xử lý về tổ chức cán bộ và xử lý kỷ luật Đảng là rất cần thiết. Trên thực tế có nhiều cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật nhưng không bị cách chức. Có trường hợp chưa có kết luận kiểm tra, thanh tra đã được bổ nhiệm, đề bạt. Có nơi cấp dưới tham mưu “nhầm người” cho cấp trên bổ nhiệm nhưng cũng chẳng bị xử lý gì về mặt trách nhiệm… Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng “văn hóa từ chức” và “quy chế trả giá trách nhiệm”. Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có không ít trường hợp sai phạm về trách nhiệm, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế nhưng chỉ bị kỷ luật nhẹ, vẫn còn nguyên cấp bậc, chức vụ, thậm chí có trường hợp được đưa lên vị trí cao hơn! Một số cán bộ cấp cao khi làm sai chỉ cần tuyên bố “tôi cũng có trách nhiệm trong vấn đề này” thế là… xong và không phải chịu bất cứ hình thức trả giá nào. Thể hiện rõ nhất qua đợt kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, hầu như thường trực, thường vụ cấp ủy các cấp cũng tự nhận mình có trách nhiệm đối với suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên ở địa phương và đơn vị mình nhưng chưa có ai từ chức và phải trả giá trách nhiệm.

Có luật pháp, có quy định đầy đủ mà không xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng là có tội với nhân dân.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục