
Ba ngày Tết, những thay đổi trong ăn uống cũng như sự xáo trộn về sinh hoạt, nghỉ ngơi dễ tác động xấu đến sức khỏe của người bình thường nói chung cũng như ảnh hưởng không tốt cho người đang có bệnh. Dưới đây là một số trường hợp có thể gặp.
Tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não
Ngày Tết thường xảy ra tai nạn giao thông gây nhiều tổn thương khác nhau cho cơ thể. Đối với những tình trạng nguy cấp như ngừng tim, ngừng thở đột ngột … cần phải được cấp cứu kịp thời, để giữ mạng sống. Trên nguyên tắc, tất cả các vết thương phải được sơ cấp cứu trước khi đến bác sĩ.
Riêng trường hợp xảy ra chấn thương sọ não, nhưng tình trạng nạn nhân ngay sau tai nạn không có biểu hiện gì đặc biệt, dễ bỏ qua, vài ba ngày sau mới xuất hiện bệnh nặng, làm cho việc cứu sống nạn nhân trở nên khó khăn. Điều này đòi hỏi phải có quá trình theo dõi sát người bị nạn, để khi cần có xử lý kịp thời.
Các nguyên tắc cần nhớ khi xử lý:
- Phải thông báo ngay càng sớm càng tốt cho mọi người xung quanh cùng biết nơi có tai nạn để đến trợ giúp. Bảo đảm an toàn cho nơi xảy ra tai nạn và ngăn ngừa nguy hiểm tiếp theo là rất cần thiết. Cần cảnh báo từ xa cho các tài xế đang lưu thông hướng đến vùng đang có tai nạn.

Ảnh: Mai Hải.
- Đưa nạn nhân ra khỏi vùng bị nạn nếu thấy có khả năng đe dọa đến tính mạng nạn nhân, như bình xăng xe bị bể có thể gây cháy… (trên nguyên tắc khi không có gì nguy hiểm thì không nên vội vàng di chuyển nạn nhân ngay). Khi di chuyển có thể dùng phương pháp mang, vác, khiêng cáng, nhưng đặc biệt thận trọng đối với người có tổn thương cột sống kèm theo (phải khiêng trên cáng cứng, và cần bất động họ trên cáng).
- Đặt nạn nhân nằm nơi thoáng khí theo tư thế chống sốc: đầu thấp, kê chân cao 20 - 30 cm (không kê chân khi có tổn thương chảy máu vùng đầu cổ, ngực hay bị nhồi máu cơ tim, hoặc có tổn thương ở chân). Sau đó ủ ấm nạn nhân bằng cách đắp mền hoặc phủ áo quần.
- Xử lý sơ cấp cứu những tổn thương nghiêm trọng nhất, ưu tiên giải quyết trước trường hợp có ngừng tim ngừng thở (bằng phương pháp hồi sức tim phổi, cụ thể là hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực).
- Cử người gọi xe cấp cứu bằng điện thoại, cần thông báo đầy đủ các thông tin: Sự việc xảy ra như thế nào (do tự ngã hay va đụng; xe tải, xe con, xe hai bánh …). Xảy ra khi nào, ở đâu, có bao nhiêu người bị thương, vài nét về tình trạng thương tích. Nếu ở nơi không có phương tiện thông tin bằng điện thoại, cần phải có kế hoạch chuyển nạn nhân ngay sau khi xử lý sơ cấp cứu.
- Trong khi di chuyển nạn nhân hoặc chờ xe cấp cứu tới, cần chăm sóc nạn nhân chu đáo. Tuyệt đối không cho nạn nhân bị hôn mê uống nước, kể cả những người bị chảy máu ở đầu.
Tiêu chảy gây mất nước
Phần lớn bệnh tiêu chảy cấp do siêu vi; một số loại vi trùng, amip gây bệnh trực tiếp trên đường tiêu hóa, do trong thức ăn bị nhiễm bẩn.
Nguyên tắc và xử trí : Bù nước và các chất điện giải bằng cách uống nước pha với gói Oresol ngay sau khi xuất hiện bệnh. Nhiều trường hợp phải truyền dịch. Tiếp tục ăn uống đầy đủ dinh dưỡng (ăn nhẹ từ lỏng sang đặc dần). Không nên nhịn ăn. Dùng thuốc: Cần thiết phải có ý kiến của thầy thuốc.
- Cho uống ngay sau khi đi tiêu chảy: Nước pha với Oresol (ORS), thường người dân hay gọi là gói nước biển khô. Pha một gói (27,5g) trong một lít nước đun sôi để nguội (có thể dùng nước khoáng hay nước gạo rang). Viên Hydrite, có thể pha một viên trong 200 ml nước, cho trẻ dưới 2 tuổi uống.
- Vẫn cho ăn khi còn tiêu chảy: Người bệnh đã bị mất nước và các chất dinh dưỡng trong quá trình bị tiêu chảy nên cần phải bồi phục chất dinh dưỡng ngay cả khi chưa cầm chảy để đề phòng bị suy kiệt và tránh suy dinh dưỡng (đối với trẻ em). Nên cho ăn nhẹ bằng những chất dễ tiêu và những thức ăn có sẵn, cho ăn trong và sau khi khỏi bệnh.
Thức ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết: gạo, đậu, thịt, cá, tôm cua … cùng các loại rau quả có nhiều thành phần bổ dưỡng như: cam, chanh, cà rốt, rau ngót, rau dền… Chú ý: Không nên có quan niệm rằng thịt, cá là thành phần khó tiêu mà căn bản là cho sử dụng các thành phần này cân đối, tránh ăn quá nhiều. Điều quan trọng là thức ăn phải được nấu chín, hợp vệ sinh, dưới dạng lỏng và cho ăn tùy theo khả năng của người bệnh, nên chia làm nhiều bữa ăn trong ngày (trẻ em có thể cho ăn 5 -6 lần/ ngày).
- Với trẻ còn bú: Vẫn cho trẻ bú mẹ bình thường ngay cả khi trẻ còn đang bị tiêu chảy. Nên nhớ sữa mẹ luôn là thức ăn tốt nhất cho trẻ vì trong sữa mẹ có một số kháng thể chống vi trùng gây tiêu chảy và một số bệnh khác.
Những điều không nên làm: không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy, nhất là những thuốc có chứa thành phần á phiện như opizoic… và cũng không nên cho uống kháng sinh khi chưa có ý kiến của thầy thuốc. Nên nhớ rằng khi dùng thuốc cầm chảy cũng có nghĩa là giữ lại vi trùng ở trong đường ruột, không tống chúng được ra ngoài và vì thế khả năng bệnh có thể tiếp tục kéo dài hơn. Không nên cho nhịn ăn, nhịn bú (với trẻ nhỏ) hay kiêng khem quá mức, nhất là đối với trẻ em (như chỉ cho ăn cháo muối), điều này dễ làm cho trẻ bị kiệt sức, sút cân, suy dinh dưỡng dẫn tới chậm lớn.
BS Thái Hòa