Xử lý rốt ráo nón bảo hiểm dỏm

Chỉ trong hai ngày ra quân, 19 và 20-6, qua kiểm tra sơ bộ, các cơ quan chức năng đã phát hiện, niêm phong hàng chục ngàn nón bảo hiểm kém chất lượng. Hầu hết nón bảo hiểm đều được sản xuất từ nguyên liệu nhựa tái chế rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng. Đáng lo ngại hơn, một đơn vị tham gia đổi nón bảo hiểm cho người dân trong đợt 1 trên địa bàn TPHCM cũng sản xuất nón kém chất lượng. Câu hỏi đặt ra ở đây là khâu quản lý, phối hợp tổ chức giữa Ban An toàn giao thông TPHCM với các ban ngành liên quan như thế nào. Trách nhiệm của các đơn vị này tới đâu.

Trước hết, phải khẳng định rằng chương trình đổi nón bảo hiểm (thu nón không đạt chuẩn bằng nón chất lượng, hỗ trợ giá cho người dân) là hết sức ý nghĩa, nhân văn. Không ai có thể phủ nhận điều này. Tuy nhiên, qua thực tế đổi nón cho thấy, chương trình còn quá nhiều “sạn”, gây bức xúc dư luận.

Cụ thể, ngay đợt ra quân đổi nón, cảnh chen chúc xếp hàng bấu víu, giẫm lên nhau đã diễn ra. Nhiều khách hàng bực bội ra về tay không, một số người khác chọn cách mua nón cho nhanh, thay vì lấy nón cũ đổi nón mới và bù thêm tiền như quy định. Bên cạnh đó, điều được nhiều người dân phản ánh là mức giá đổi nón “có vấn đề”. Chẳng hạn, khi đem so sánh một thương hiệu nón bảo hiểm trước khi giảm giá bán với cùng loại nón này đã giảm giá tại chương trình đổi nón thì bằng nhau. Điều này đồng nghĩa với việc giá nón không giảm. Nhiều ý kiến hoài nghi rằng, đây chỉ là chiêu khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng nón bình thường. Khác chăng, khi tham gia đổi nón, người dân có nơi để trút bỏ các loại nón kém chất lượng, thay vì phải vứt nón dỏm vào sọt rác.

Khâu quản lý, giám sát các điểm sản xuất, kinh doanh nón bảo hiểm trên địa bàn TPHCM cũng còn nhiều điều đáng bàn. Bằng chứng là một công ty quy mô lớn, sản xuất hơn 1.500 nón/ngày trong thời gian dài trên đường tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) đến thời điểm này mới bị phát hiện.

Tương tự, một công ty sản xuất khoảng vài ngàn nón mỗi ngày trên đường Nguyễn Quý Yêm (quận Bình Tân) cũng vừa bị phát hiện trong đợt cao điểm kiểm tra ngày 20-6. Tuy nhiên, kỳ lạ ở chỗ, khi cơ quan chức năng ập vào kiểm tra, lập biên bản thì phân xưởng trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Toàn bộ số nón thành phẩm được sản xuất từ các vỏ mút kém chất lượng đã “không cánh mà bay” chẳng để lại dấu vết. Tại hiện trường trơ lại ngổn ngang hàng ngàn mút xốp dỏm trộn chung mút đạt chuẩn. Sâu trong phân xưởng, cán bộ liên ngành quản lý thị trường phát hiện kho lớn chứa khoảng hàng chục ngàn vỏ mút xốp không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ dùng hai tay đập nhẹ đã bể nát.

Thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não có liên quan tới nón bảo hiểm không đạt chuẩn. Vì vậy, có thể nói không quá rằng chính những đối tượng sản xuất, kinh doanh nón dỏm góp phần làm nhiễu loạn thị trường nón thật; hủy hoại sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng.

Tình trạng nón bảo hiểm dỏm, nón kém chất lượng đã tồn tại từ lâu nhưng việc kiểm tra, xử lý chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa. Cho tới thời điểm này, việc xử lý vẫn chưa thực sự triệt để, rốt ráo. Còn nhớ, cách nay vài năm, lực lượng chức năng cũng ra quân rầm rộ truy quét, xử lý các đối tượng kinh doanh nón dỏm, tem hợp quy giả, sau đó mọi chuyện trở nên yên ắng lạ thường… Đến nay, việc truy quét này lại một lần nữa được xới lên, và nhiều nghi vấn đặt ra là liệu có làm đến nơi đến chốn? Qua kiểm tra, có rất nhiều sai phạm bị phát hiện như tem giả đi kèm nón giả; thậm chí, tinh vi hơn, đối tượng kinh doanh mua tem thật dán trên nón dỏm.

Nên chăng, việc quản lý sản xuất, kinh doanh nón bảo hiểm cần được cơ quan chức năng quan tâm, có biện pháp quản lý hữu hiệu hơn; tránh tình trạng kiểm tra, xử phạt kiểu phong trào, sau đó thì vẫn như cũ.

NGÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục