Gần 5 năm qua, những người lính ở Trung tâm Xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 đã đến nhiều vùng trong nước và vươn tới các nước bạn Lào, Campuchia làm nhiệm vụ rà phá, xử lý hàng trăm tấn bom đạn, hóa chất độc hại, góp phần hồi sinh những vùng đất chết.
Hơn 35 năm sau ngày giải phóng nhưng trên dọc dải đất miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn ẩn chứa khối lượng lớn bom mìn, vật nổ, hóa chất độc hại tồn dư sau chiến tranh, gây ra những vụ tai nạn thương tâm, khiến không ít người dân thiệt mạng, tàn phế, hoặc mắc những căn bệnh hiểm nghèo.
Theo số liệu của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh), bình quân mỗi năm, toàn quốc có 1.535 người chết, 2.272 người bị thương do bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh và mỗi năm Nhà nước phải chi hàng trăm tỷ đồng cho công tác rà phá, xử lý bom mìn, hóa chất để có mặt bằng phục vụ sản xuất, dân sinh và xây dựng công trình.
Những ngày tháng 5-2010 này, trên các công trường giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy tuyển quặng Alumin Nhân Cơ (Đắc Nông), giải phóng lòng hồ Thủy điện Sêrêpốk 4 (Đắc Lắc) hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 miệt mài làm việc dưới cái nắng nóng khắc nghiệt của Tây Nguyên cuối mùa khô.
Trên công trường Thủy điện Sêrêpốk 4, Đại úy Mai Văn Lập, Trưởng phòng kỹ thuật và Trợ lý chính trị Trần Thanh Trung cùng hàng chục chiến sĩ Đội 2 vẫn hăng say làm việc, bảo đảm xử lý triệt để lượng chất độc CS đã phát hiện, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước mốc thời gian đã định, góp phần đưa công trình tích nước và phát điện vào tháng 6-2010.
Dưới cái nắng nóng như đổ lửa, chứng kiến cảnh Trung úy Trần Hà Nội, Thiếu úy Đinh Tiên Hoàng và các chiến sĩ Trần Thanh Sơn, Tô Văn Nghiêm, Đinh Văn Tăng, Nguyễn Xuân Quang mặc những bộ đồ đặc chủng của “bộ đội phòng hóa”, tiến hành phun xử lý chất độc, ai nấy mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ ngay…, chúng tôi cảm nhận phần nào nỗi vất vả, cực nhọc và hiểm nguy của người lính công binh.
Đại úy Mai Văn Lập cho biết: Đơn vị triển khai nhiệm vụ phát quang, dò phát hiện và xử lý chất độc vùng lòng hồ Thủy điện Sêrêpốk 4 với tổng diện tích hơn 400ha. Sau gần 5 tháng đơn vị đã phát hiện chất độc và xử lý triệt để 31 vị trí có chất độc với diện tích 12ha, bảo đảm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào cuối tháng 5 này.
Cũng trong thời điểm này, trên công trình giải phóng mặt bằng Nhà máy tuyển quặng Alumin Nhân Cơ, một bộ phận của Đội 2 gấp rút rà phá bom mìn, vật nổ trên diện tích 414ha, và đến thời điểm này, đơn vị đã xử lý được hơn 300ha. Thượng úy Phạm Viết Hải, Đội trưởng Đội 2 tâm sự: “Nhiệm vụ rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ và hóa chất độc hại là công việc hiểm nguy, không được phép sai sót một li. Chỉ sai một li là hậu quả sẽ khôn lường. Chính vì thế, trong triển khai công việc, ngoài trình độ chuyên môn, người lính cần phải chấp hành nghiêm quy trình cũng như ý thức kỷ luật. Và trong gần 5 năm qua, toàn trung tâm đã rà phá, tiêu hủy an toàn hơn 30 tấn bom đạn và tiêu độc hơn 3.000ha đất bị nhiễm hóa chất độc hại trong chiến tranh”.
Khó có thể kế hết những hiểm nguy mà người lính Trung tâm Xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 đối mặt và vượt qua. Dấu chân các anh đã đi qua những nơi bom đạn còn sót lại dày đặc như sân bay Buôn Ma Thuột, thủy điện A Lưới, các tuyến đường giao thông miền Trung - Tây Nguyên… Và tới đây, người lính của “đơn vị đặc biệt” này tiếp tục hành quân đến sân bay Pleiku, cùng nhiều công trình khác tiếp tục công việc rà phá bom mìn, góp sức hồi sinh những vùng đất chết
BÌNH ĐỊNH