Xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường làm nơi kinh doanh: “Ăn thua ai… lì hơn”?

Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngay sau khi báo đăng chuyên đề “Chợ xuống đường, đô thị nhếch nhác, giao thông bất ổn”, ông Nguyễn Công Minh - chuyên gia giao thông, nguyên là cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, ông đã chứng kiến nhiều đô thị trên thế giới xử lý rất hay tình trạng này. Đơn cử như Singapore, đảo quốc này có một lực lượng trật tự viên với một nhiệm vụ rất đơn giản. Đó là mỗi người được giao một tuyến đường (hoặc hai đến ba tuyến) và một nhiệm vụ là đi nhắc nhở các hộ kinh doanh buôn bán không được lấn ra vỉa hè hay lòng lề đường. Những người này sẽ không xử phạt bất cứ hộ kinh doanh nào mà chỉ nhắc nhở… Nhắc nhở và nhắc nhở cho đến khi các hộ kinh doanh phải chấp hành nghiêm các quy định về trật tự giao thông. Mỗi buổi sáng, các nhân viên sẽ đi từ đầu đường đến cuối đường và ngược lại chỉ để làm mỗi việc ấy. Đã có người nghi ngờ tính hiệu quả của cách thức này, thế nhưng, cuối cùng nó đã thành công. Sự kiên trì thuyết phục và nghiêm khắc nhắc nhở của lực lượng trật tự viên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tiểu thương. Nhiều tiểu thương đã tự giác chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh đảm bảo trật tự an toàn giao thông. “Ăn thua ai lì” là kinh nghiệm mà một cán bộ về trật tự an toàn giao thông của Singapore đã nói vui khi chia sẻ với ông. “Mình nói phải và kiên trì thuyết phục thì người dân sẽ nghe thôi”, từ kinh nghiệm của Singapore, ông Nguyễn Công Minh nói.

Có thể áp dụng kinh nghiệm của Singapore vào TPHCM? Ông bà mình có câu “Nói phải củ cải cũng nghe” chắc chắn không phải tiểu thương nào cũng muốn lấn chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán bởi vi phạm pháp luật là điều chẳng ai muốn. Thế nhưng trong bối cảnh có nhiều người sẵn sàng chạy ra giữa đường dúi hàng tới tận tay người mua thì người buôn bán nghiêm túc trong chợ thiệt thòi là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, khác với Singapore, TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, người nhập cư từ các tỉnh về thành phố rất đông. Một trong những nghề mà những người nhập cư hay làm là buôn bán. Với số vốn ít ỏi, sẽ không có nhiều người có đủ tiền để thuê sạp trong chợ nên phương án họ chọn sẽ là tràn ra đường buôn bán. Chưa hết, trình độ dân trí của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam còn hạn chế, nếu không có những hình thức xử lý nghiêm khắc, khó lòng lập lại trật tự an toàn giao thông. Như vậy, chỉ có một điều mà ta có thể học hỏi từ Singapore là… kiên trì. Kiên trì nhắc nhở người dân kinh doanh buôn bán đúng nơi quy định. Kiên trì xử lý nghiêm những người cố tình không tuân thủ và kiên trì theo đuổi những giải pháp tạo điều kiện cho những người phải buôn bán trên lòng lề đường kinh doanh đúng pháp luật… Một trong những tồn tại rất lớn trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông và giữ gìn văn minh đô thị là nhiều cơ quan chức năng cũng như nhiều địa phương làm việc này theo kiểu phong trào. Khi có phong trào thì làm rầm rộ, sau đó thì thôi… Có thể nói, cách thức xử lý vấn đề theo kiểu “lâu lâu” “ném đá ao bèo” là nguyên nhân lớn nhất làm cho hiện tượng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán không được giải quyết dứt dạt.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục