Thói quen xả rác
Dọc tuyến đường Điện Biên Phủ, nối dài từ quận 3 đến quận 1, vừa được thành phố chỉnh trang lại vỉa hè. Những lớp gạch cũ được tháo bỏ, thay vào đó là thảm cỏ xanh rất đẹp, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, 2 tháng gần đây, những thảm cỏ xanh đã bị phủ đầy rác thải. Chị Trà Xuân Hạnh, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), cho biết sáng sớm đường rất sạch nhưng đến khoảng 8 - 9 giờ sáng thì ngập rác. Chủ yếu là các loại túi ni lông, ly nhựa, giấy… Lượng rác này xuất phát từ những người bán hàng rong, người phát tờ rơi; thậm chí nhiều hộ gia đình, hộ kinh doanh dọc tuyến đường cũng đem thẳng túi rác bỏ ra lòng đường.
Tương tự, ghi nhận của chúng tôi vào khoảng 14 -16 giờ hàng ngày tại các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, 3 Tháng 2, Võ Văn Ngân… thuộc các quận 1, 5, 11 và Thủ Đức, rác cũng đầy trên hè phố. Rác được người dân vô tư xả ra đường, bất chấp nhiều khu vực chính quyền địa phương đã gắn bảng “không xả rác nơi công cộng”. Tại nhiều khu phố, chính quyền địa phương còn dán thông báo và tuyên truyền đến từng hộ dân không được xả rác ra đường phố, khu vực công cộng, nhưng không tác dụng bao nhiêu. Nhiều người dân địa phương cho rằng, số rác đó do người dân vãng lai, người đẩy xe buôn bán xả ra, nhưng thực tế cũng không ít người dân đem rác từ trong nhà ra để trước vỉa hè hoặc lòng đường.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện công ty công ích các quận Thủ Đức, quận 3 và quận 1 đều khẳng định, không thể làm xuể với cách người dân thải rác bừa bãi như hiện nay. Theo quy định, các đơn vị sẽ thực hiện quét rác 1 lần/ngày và thời gian quét rác vào ban đêm. Đây cũng là thời gian làm việc tốt nhất để không ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân và trật tự an toàn giao thông. Do đó, đến khoảng 6 giờ sáng, hoạt động quét rác sẽ kết thúc. Thế nhưng, gần như chỉ khoảng 2 giờ sau, rác lại xả ra đường. Chỉ riêng tại một số quận trung tâm có bố trí lực lượng quét rác lại lần nữa, nhưng cũng rất hạn chế bởi ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao thông cũng như an toàn lao động cho công nhân. Và nếu có quét lại sau giờ cao điểm sáng thì đến buổi chiều, tình trạng rác tràn lan vẫn tiếp diễn.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM khẳng định, tại quận Bình Tân và Tân Phú, công ty thường bố trí công nhân trực quét rác 2 lần/ngày với một ca quét buổi sáng (trước 6 giờ) và một ca quét buổi chiều (sau 20 giờ). Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp công ty phải bố trí công nhân đi dọn rác trong ngày bởi lượng rác phát sinh quá nhiều, gây mất mỹ quan đô thị. Phổ biến nhất thường rơi vào thời điểm sau ca trực quét rác buổi sáng, khi người dân đi tập thể dục về hoặc dậy đi làm mới đem rác trong nhà bỏ ra ngoài đường. Không những thế, rất nhiều người dân sau khi dùng điểm tâm buổi sáng thường vứt thẳng bao, hộp, ly đựng thực phẩm ra đường, bất chấp công ty và chính quyền địa phương đã bố trí thùng rác dọc một số tuyến đường.
Cần tăng cường chế tài
Tại cuộc họp bàn giải pháp phát triển TPHCM, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, TPHCM đang chịu sức ép dân số rất lớn. Trung bình mỗi năm, thành phố tiếp nhận khoảng 200.000 người dân di cư từ các tỉnh, thành lân cận vào TPHCM. Không ít người dân di cư mang theo nếp sống nông thôn và số ít trong đó không tuân theo những quy định về vấn đề bảo vệ môi trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố đang tăng nhanh chóng. Từ 6.500 tấn/ngày (năm 2016), đến nay lượng rác đã tăng đến 8.500 tấn/ngày. Trong những ngày cao điểm lễ tết, lượng rác có thể tăng đến hơn 9.000 tấn/ngày. Tại một số khu vực còn có hiện tượng bỏ chất thải rắn không đúng nơi quy định, loại rác này được thải ra các khu vực công cộng, bãi đất trống, kênh rạch… gây ô nhiễm môi trường.
Khối lượng rác thải phát sinh một phần do hệ thống, cách thức thu gom, vận chuyển và một phần do ý thức người dân nên còn gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Không chỉ vậy, đối với các hộ sản xuất, gia công nhỏ lẻ và làm theo thời vụ có khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh tương đối ít, nhưng đa số không ký hợp đồng thu gom với đơn vị có chức năng đúng quy định mà thường đổ chung với rác thải sinh hoạt. Thậm chí, đối với chất thải rắn xây dựng cũng đổ bỏ không đúng nơi quy định.
Theo các chuyên gia môi trường, để có thể cải thiện chất lượng môi trường, nhất thiết nâng cao ý thức người dân trong vấn đề xả thải. Không dừng lại ở công tác tuyên truyền mà nên kết hợp với chế tài. Cùng với đó, nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan chức năng liên quan, mạnh dạn phân cấp, trao quyền và đề xuất mức phạt hành chính thật nặng với đối tượng có hành vi vi phạm môi trường nói chung và xả rác nơi công cộng nói riêng. Đặc biệt, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế huy động vai trò của người dân, cộng đồng trong việc tham gia phát hiện, ghi hình và xử phạt đối tượng xả rác nơi công cộng. Có như vậy mới hy vọng lập lại môi trường sống xanh, sạch cho thành phố hiện nay.